Sống trong sợ hãi
Anh Nguyễn Đắc Thấp, anh trai Nguyễn Đắc Cao, cho biết: “Hiện nay, Cao đã cùng Lê Tường, người cùng tham gia đào kỳ nam phải chạy trốn vào miền Nam để tránh bị các đối tượng xin tiền hành hung. Vợ anh Cao cứ tối đến là phải đi tìm nhà khác ngủ cho an toàn”.
Theo lời anh Thấp, nhóm anh Cao sau một tháng đi đào kỳ nam ở Khánh Hòa, đã thu được trên 7kg kỳ nam, sau khi bán, chia đều cho cả nhóm, bình quân mỗi người 18 tỷ đồng.
Sau khi Cao về nhà vài ngày, xuất hiện 4 đối tượng bịt mặt đến nhà, đập phá, tưới xăng đốt nhà. Anh Thấp kể: “Chúng không phải đến xin tiền của người trúng kỳ nam, chúng muốn Cao dẫn chúng đến chỗ đào kỳ nam. Liên tục từ ngày 5 đến 8/9, ngày cũng như đêm, chúng liên tục chạy xe máy đến truy hỏi, đập phá. Vì chúng bịt mặt, nên tôi không rõ là ai”.
Anh Thấp nói thêm: “Gần như là quy luật, cứ nhà nào trúng kỳ nam, thì rất nhiều bà con, họ hàng đến để xin được chia ít phần từ lộc trời đó. Vừa rồi, Cao đi về cũng chia cho tôi một ít, gọi là anh em có qua lại”.
Tại nhà anh Cao, chị Bốn, vợ anh Cao, ngồi thất thểu nhìn căn nhà bị đốt phá, cửa kính vỡ vụn. Chị nói: “Bọn bịt mặt đập phá, nhà cửa tan hoang hết cả. Tôi đâu có dám ở nhà, phải đi sang hàng xóm ngủ nhờ. Giờ chồng đi rồi, không biết bao giờ mới được yên ổn”.
Chị Bốn nhớ lại, hôm 5/9, khi cả nhà đang ăn cơm tối, 4 người lạ mặt mang xăng, gạch đến ném vào cửa sổ nhà. “Họ hỏi chồng tôi đâu, kỳ nam đào ở đâu, tôi bảo không biết. Họ đưa mắt nhìn một lượt, rồi châm lửa đốt tường nhà, may mắn là dập được, không căn nhà này chẳng còn nữa.
Đến trưa 8/9, chúng lại đến, dí dao vào cổ tôi, thét vào mặt tôi. Tôi bảo chồng không có nhà, chúng vẫn chưa chịu đi, lại tiếp tục tưới xăng khắp 4 thành nhà. Đứa con gái tôi lúc ấy đi học, nên không phải chứng kiến cảnh ấy. Sau một hồi tìm không ra, chúng bỏ đi. Cũng may là lần này, chúng không đốt. Hoảng quá, tôi lập tức có đơn gửi công an xã. Sau đó, bỏ nhà sang hàng xóm ở nhờ. Nhưng hàng xóm cũng không cho vì sợ liên lụy, tôi phải về nhà ba mẹ ở tạm. Còn chồng trốn đi, con cái gửi cả vào nội, ngoại”.
Chị Đoàn Thị Bắc, ngồi thất thiểu giữa nhà.
Cả làng đi… lùng kỳ nam
Theo lời anh Thấp, đa số người dân thôn Đức Hòa đều hành nghề đào kỳ nam. “Tôi bắt đầu đi đào kỳ nam từ năm 12 tuổi. Đi từ Tây Nguyên đến Khánh Hòa. Cứ đi đến cánh rừng nào thấy nghi là đào tìm, may mắn thì đào trúng, còn không thì lại đi tiếp” – anh Thấp kể.
Vừa rồi, anh Cao trúng kỳ nam, cả làng kéo qua hỏi địa điểm trúng để vô tìm lại, mặc dù chưa biết trúng hay không.
Anh Thấp cho biết: “Cả làng sống nhờ kỳ nam. Nếu không có kỳ nam, lấy đâu tiền mua nhà, mua xe. Chỉ cần 1 lần may mắn đào được kỳ nam bằng 3 năm không làm”.
Cạnh nhà anh Thấp, anh Võ Nguyễn Trường Giang, cũng có thâm niên đào kỳ nam. Anh Giang cho biết: “Tôi đi đào từ năm 16 tuổi, cũng được cả chục lần trúng kỳ nam, mỗi lần trúng vài chục triệu đồng”.
Trở lại vụ việc anh Cao, ông Phan Phú Tân – Phó Công an xã Đại Nghĩa, cho biết: “Việc một số đối tượng lạ mặt đến xin tiền người trúng kỳ nam diễn ra khá nhiều tại các thôn Nghĩa Tây, Đức Hòa. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên chúng uy hiếp, đốt nhà người dân. Chúng tôi đang kiểm tra nhưng vẫn chưa xác định được các đối tượng lạ mặt này”.
Hoãn xử phúc thẩm vụ công an “ăn chặn” trầm kỳ Do vắng nhiều nhân chứng nên Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm vụ án nhóm công an huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) tổ chức “ăn chặn” kỳ nam ngày 12/9 đã phải tạm hoãn. Như đã đưa tin, tháng 9/2012, lợi dụng là cán bộ liên ngành ngăn chặn việc khai thác trầm kỳ trái phép tại xã Sơn Trung (Khánh Sơn), nhóm công an huyện Khánh Sơn đã nổ súng tịch thu của người đào trầm 2 khúc trầm. Tổng số tiền bán 2 đoạn trầm là 4,15 tỷ đồng nhưng đến nay, các cơ quan chức năng chỉ thu hồi được 1,62 tỷ đồng. |