Hiện trường vụ thanh toán nhau ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Bác sĩ thuộc Khoa cấp cứu một bệnh viện tại khu công nghiệp cho biết, các bác sĩ y tá sợ nhất là trực đêm, trực ngày cuối tuần. Bởi đây là thời điểm các “Lệnh Hồ Xung” thường nhập viện và hay đánh nhau, hành hung cả bác sĩ, nhân viên bệnh viện.
"Việc người nhà bức xúc, hiểu lầm cho rằng bệnh viện không tích cực trong điều trị cũng có nhưng ít và dễ giải quyết, chỉ cần giải thích có lý có tình là êm đẹp. Sợ nhất là các vụ có một bên tự cho mình là người bị hại thì khốn khổ cho anh em. Thường gặp nhất là các vụ tai nạn giao thông và nó thường xảy ra vào các ngày nghỉ như lễ, cuối tuần. Niềm vui cuối tuần đã trở thành nỗi ám ảnh và kinh hoàng của các bệnh viện.
Do nóng ruột vì thương tật của người thân, do thương lượng không thành, không ai nhận lỗi… và do cùng chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất nên khi thân nhân có máu “Lệnh Hồ Xung” thì tai họa xuất hiện ngay. Hai bên thanh toán nhau bằng mã tấu, dao kiếm và bất cứ thứ gì họ vớ được, say máu họ chém tất cả những ai trong tầm hung khí".
Nhận định này được các bác sĩ ở nhiều bệnh viện đồng tình vì nó giống hệt nhau! Vụ thanh toán ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định đêm 12/10/2014 cũng vậy.
Ban đầu đó chỉ là vụ va quẹt giữa xe taxi và ba em học sinh đi xe máy trên đường Hoàng Hoa Thám, do thương lượng không thành ba học sinh bỏ đi thì bị người có nhà bên đường là Nguyễn Sỹ Huân can thiệp, bênh vực người lái xe taxi. Ba em học sinh điện thoại cho “người nhà”. Họ không phải là những phụ huynh dễ thương lượng mà là 20 thanh niên đầy hung khí vừa đến là chém ngay Nguyễn Sỹ Hào đang ở gần đó, khi biết nhầm họ truy sát Nguyễn Sỹ Huân đang tháo chạy bằng cửa sau. Huân chống trả làm cả hai bên đều bị thương tích.
Hữu duyên thiên lý, cả hai nhóm cùng đưa người thân đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, gần như ngay lập tức họ bẻ các thanh sắt giường cấp cứu xông vào nhau đánh loạn xạ, đến khi lực lượng phản ứng nhanh đến họ mới tháo chạy bỏ lại những người bị thương tích.
Giải pháp là gì?
Hiện giờ là chưa có giải pháp! Bảo vệ bệnh viện là công chức hoặc người làm công ăn lương, họ được học thái độ phục vụ thân thiện để làm giảm nỗi đau, sự hoang mang của người bệnh và người thân, họ chưa và sẽ không bao giờ trở thành một lực lượng có thể giải quyết các vụ đâm chém.
Cho nên tất cả đều trông cậy vào lực lượng công an, nhưng chính công an cũng không thể biết sự việc sẽ bùng phát lúc nào.
Cho nên ngày cuối tuần vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh của các phòng cấp cứu bệnh viện, nơi mà khi các “Lệnh Hồ Xung” xuất hiện thì “mặc dù các giáo sư bác sĩ đã tận tình cứu chữa, cũng xin đành bó tay!”.
Các bác sĩ trực cấp cứu đều nói giống nhau: “Chúng tôi cứu chữa cho mọi người nhưng đây lại là căn bệnh vô phương cứu chữa của chúng tôi!”.
Theo MTG