‘Ông trùm’ Năm Cam và bí ẩn "luật im lặng"

Chủ nhật, 23/11/2014, 08:37
Một khi Năm Cam đã bất nghĩa mà bỏ rơi, không ngó ngàng gì đến tôi nữa thì phá vỡ “luật im lặng” trong giới giang hồ cũng không có gì là sai.

“Trùm“ Năm Cam tại cơ quan CSĐT.

“Trùm“ Năm Cam tại cơ quan CSĐT.

Những tháng ngày đen tối

Sống chui lủi vật vờ mãi, rồi thì tôi cũng lờ mờ nhận ra dấu hiệu vô ơn bạc nghĩa, qua cầu rút ván của Năm Cam. Trong mắt Năm Cam, dường như tôi đã hết giá trị lợi dụng, thậm chí có thể đem lại tai họa cho hắn. Chỉ cần nghĩ đến sự vô trách nhiệm của Năm Cam là tôi giận sôi ruột gan.

Khoảng cuối tháng 5/2001, tại nhà hàng Tân Hải Vân (số 139, đường Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, quận 1. TP.HCM), trong lúc ngồi nhậu cùng cánh đàn em của mình, tôi thử liên lạc với anh Năm nhưng điện thoại của tôi hết pin, vì thế tôi quay sang mượn điện thoại của một vị khách, ai dè hắn không cho mượn. Bực quá tôi đứng dậy đập cả chồng đĩa vào đầu hắn. Hắn đau quá, ôm đầu đổ vật ra đất, cả nhà hàng náo loạn. Đúng lúc đó công an ở đâu bỗng dưng ập đến tóm cổ tôi. Tôi bị bắt về tội “cố ý gây thương tích” một cách lãng xẹt như vậy đó.

Giai đoạn này, ngoài giới trâu đem đàn em đi “truy nã” tôi thì trong giang hồ có không ít kẻ cũng lùng sục tôi vì khoản thưởng 150 lượng vàng. Thế nên đối với tôi thì lúc nào bị bắt vào trại giam cũng không có gì khác so với ở ngoài. Nhưng không biết vì lý do gì mà lúc đó cơ quan cảnh sát điều tra đã cho xe tải áp tải tôi về thẳng trại giam Công an tỉnh Tiền Giang ngay trong đêm. Cảm giác bị bắt lần này rất khác so với những lần khác, tôi thấy có cái gì đó rất lạ, hoang mang mà không tài nào giải thích được. Tôi suy đoán: “Lẽ nào mình bị tóm vì vụ thanh toán mụ Dung “Hà”?”.

Dù vậy nhưng quả thật lúc này tôi vẫn tin anh Năm sẽ tìm cách cứu tôi ra ngoài vì chính sự an nguy của “ông trùm”, bởi nếu tôi khai thật ra thì Năm Cam cũng không tránh khỏi vô vàn rắc rối.

Vì xác định như thế, nên tôi đã không hé răng nói nửa lời khi cán bộ điều tra hỏi tôi về cái chết của Dung “Hà”. Nhưng tôi đã lầm. Ngày tháng qua đi, trước sau thì tôi vẫn bị tống vào buồng biệt giam, còn Năm Cam thì không truyền cho tôi thông điệp gì để tôi yên tâm. Tôi bắt đầu thấy hoang mang. Tôi tự hỏi lòng mình: “Sao mình lại bị biệt giam? Lẽ nào cơ quan công an đã có được các manh mối trong vụ ám sát Dung “Hà”? Bỏ mẹ rồi! Bởi vì chỉ những kẻ gây tội đặc biệt nghiêm trọng mới bị đưa vào phòng biệt giam.”

Tôi còn nhớ rõ đó là một phòng giam chật chội hết mức, tối om om chỉ có duy nhất một lỗ ô thoáng khí bằng cái bát con hắt vào một chút xíu ánh sáng đủ để tôi phải dằn vặt, thấp thỏm khi đối diện với những suy nghĩ, tính toán của bản thân mình. Ở trong cái buồng giam ấy, thân hình chỗ nào cũng đau nhức, tê cứng vì hai tay bị còng, còn hai chân thì bị cùm một chỗ.

Đúng là sống ở buồng biệt giam mới thấy sợ hãi kinh người. Nhiều đêm trắng trôi qua khiến đầu óc tôi quay cuồng. Có lúc tôi lo sợ đến mức chẳng có tâm trí nào mà nghĩ đến ăn uống. Không thể biết ở ngoài kia đang diễn ra sự gì nữa? Còn “con cáo già” Năm Cam đang toan tính những âm mưu gì? Hắn ta có nghĩ tới thằng đàn em trung thành này không, có tìm cách đưa tôi ra khỏi nơi đây hay không?

Cũng ở trong môi trường khổ ải này, tôi mới thấy nhớ da diết những ngày tháng cách đây chưa lâu tôi còn đang sống cuộc sống như đế vương với rượu ngon và gái đẹp ở ngoài xã hội. Nhưng nhớ đến mà nhớ vậy thôi, còn thực tại của tôi lúc này thì tôi chỉ mong sớm được nghe thấy tiếng lạch cạch, ken két của cánh cửa sắt mở ra. Những âm thanh ấy khiến lòng tôi xốn xang đến lạ, có cái gì đó dâng trào mạnh lắm, bởi đó chính là dấu hiệu tôi sắp được ăn cơm, uống nước.

“Giọt nước tràn ly”

Sáu tháng ròng rã trôi qua, người tôi gầy xọp như xác ve vì những lo lắng và sợ hãi Năm Cam đã bỏ rơi tôi thật rồi sao? Lẽ nào anh Năm không sợ tôi khai ra sự thật? Hay là Năm Cam đã lo lót xong hết cho tôi rồi? Nhưng nếu đã lo cho tôi thì tại sao tôi lại bị giam lâu như thế? Suy nghĩ mãi, ngồi biệt giam mãi, cuối cùng tôi hiểu ra rằng: Năm Cam đã coi tôi là con tốt thí mạng! Năm Cam quả là đệ nhất thâm độc. Nhưng thằng già đó nó đã “nhầm hàng” rồi bởi chơi sỏ tôi đâu có dễ dàng như vậy chứ?

Cho đến một ngày tôi được gặp cán bộ Nên (Trung tá Nguyễn Văn Nên, lúc đó là Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang – PV), một người chất phác dễ gần. Cán bộ Nên bỏ ra nhiều ngày ngồi với tôi để trò chuyện, tâm sự. Anh Nên đã khơi dậy trong tôi nhiều điều nghe có lý lắm. Tiếp đó, tôi còn được dẫn ra gặp cán bộ Thành (Trung tướng Nguyễn Việt Thành, lúc đó là Trưởng Ban chuyên án Năm Cam và đồng bọn – PV). Những lời nói có lý có tình của cán bộ khiến kẻ gan lỳ này ngộ ra nhiều điều.

Khi niềm tin dành cho anh Năm đã hết thì sự quan tâm của các cán bộ công an lại khiến con người lương thiện đã chết từ lâu trong tôi sống lại. Thấy tôi rách rưới không có quần áo để thay, cán bộ bèn cho tôi quần áo mới. Không những thế, tôi được cho ăn thêm mì tôm mỗi khi kêu đói. Có lần tôi lên cơn đau bụng quằn quại , cán bộ lại tất bật gọi bác sĩ đến khám chữa cho tôi. Sự tận tình của những hành động đầy tình người đó khiến tôi dần có niềm tin vào cán bộ, tin vào những người dám nghĩ, dám làm và tin vào chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bởi vậy, tôi quyết định phá “luật im lặng”! Tôi hỏi cán bộ Nên: “Nếu tôi khai ra người này, các anh có dám bắt không?”. Cán bộ nên trả lời chắc như đinh đóng cột: Dù có là ai đi chăng nữa nhưng khi đã gây nên tội ác thì đều bị trừng trị bởi luật pháp!”. Thế là tôi khai ra toàn bộ sự thật và chi tiết vụ thanh toán Dung “Hà” cũng như những hoạt động đen tối của “trùm” Năm Cam cho cơ quan cảnh sát điều tra.

Được biết, ngay sau khi có được những nguồn tin và chứng cớ quan trọng thì cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp cùng nhiều lực lượng chuyên trách khác, tiến hành ra quân đồng loạt để thi hành lệnh bắt đối với Năm Cam và đồng bọn.

Vẫn biết đã vào trong giang hồ thì phải tuân thủ theo một số nguyên tắc định sẵn, trong đó việc tuân thủ “luật im lặng” chính là một trong những thước đo giá trị của “người trong giang hồ”. Nhưng cũng có một thước đo rất quan trọng cho bản lĩnh giang hồ đó là trách nhiệm đối với đàn em? Tôi đã hết lòng vì Năm Cam nhưng anh ta lại đẩy tôi vào chỗ chết, vì thế tôi không hề hối hận về sự lên tiếng của mình. Những lời khai của tôi đã mở ra tất cả các cánh cửa bí mật cũng như mọi tội ác của “tập đoàn tội phạm Năm Cam”. Từ đây, hơn 100 tên tội phạm khét tiếng sẽ phải lần lượt “lên đường”.

Theo NĐT

Các tin cũ hơn