Khoảng 16h ngày 25/1, chị Đường Thị M. và chồng là anh Nguyễn Ngọc Q. (30 tuổi) mới về đến nhà tại xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn để chịu tang bố mẹ sau một ngày ông Đường Văn Quảng (64 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thùy (64 tuổi) qua đời vì tai nạn giao thông thảm khốc ở Thanh Hóa.
Ngày cưới của con gái cũng là ngày làm tang lễ cho vợ chồng ông Đường Văn Quảng.
Quá đau lòng, chị M. đổ gục ngay trước bàn thờ, hôm đó là ngày cưới của chị nhưng chị chẳng hề biết bố mẹ mình đã mất. Bởi mọi người trong gia đình đã thống nhất giấu tất cả mọi thông tin để đám cưới vẫn diễn ra.
Anh Đường Văn Th. (28 tuổi, anh trai chị M.) giải thích: “Nỗi đau này quá lớn, nếu biết tin chắc em tôi sẽ bỏ đám cưới mà lao về nhà ngay lập tức. Cha mẹ đã qua đời nhưng chắc chắn vẫn mang tâm nguyện mong muốn ngày cưới của em diễn ra trọn vẹn. Nên dù biết làm vậy là không đúng nhưng tôi vẫn dặn mọi người để cử hành hôn lễ xong sẽ thông báo”.
Anh Nguyễn Ngọc Q., chồng chị M. cho biết: “Thực ra chúng tôi biết gia đình gặp nạn ngay trước ngày cưới. Nhưng thiệp mời đã gửi, nhà hàng đã đặt trước, nếu hoãn lại không biết khi nào mới tổ chức được vì gia đình M. chịu tang quá nặng. Sau đó anh Th. bảo đừng nói cho M. biết vội và dặn chặn hết thông tin, xong hết việc là hai đứa về ngay”.
Ðược biết, chị M. là con gái út, cũng là niềm tự hào của gia đình ông Quảng khi đang làm kế toán trưởng của một công ty cửa cuốn tại Hà Nội cùng với anh Q.. Trải qua thời gian ba năm tìm hiểu, anh chị đã được hai bên gia đình đồng ý cho tổ chức hôn lễ vào ngày 25/1.
Dự kiến lịch trình của buổi lễ đã được anh chị chuẩn bị khá chu đáo. Sáng ngày 25/1, 5h nhà trai sẽ xuất phát từ Quảng Ninh, khoảng 8h sẽ đến đón dâu tại trụ sở công ty nơi anh Q. và chị M. làm việc, ở đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy (Hà Nội) và cùng nhà gái về TP Uông Bí (Quảng Ninh) để tổ chức lễ thành hôn tại nhà trai.
Do ở xa nên nhà gái đã xuất phát sớm hơn một ngày để mọi người trong đoàn có thời gian nghỉ ngơi trước khi tham dự ngày lễ trọng đại của con gái. Vậy nên 11h ngày 24/1, ông Quảng đã thuê một chiếc xe du lịch chở 13 người gồm anh em họ hàng xuất phát từ Nghệ An ra Hà Nội. Đến tại Km506 trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn qua địa phận thôn Luốn Đồng, xã Xuân Quỳ, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã xảy ra tai nạn khiến 9 người ngồi trên xe tử vong, ba người bị thương.
Những nạn nhân xấu số đã được đưa về an táng ngay trong đêm 24/1.
“Sáng hôm trước khi đi đám cưới con gái, ông Quảng niềm nở vẫy tôi vào cảm ơn vì đã gửi lời chúc mừng hạnh phúc tới con gái và con rể. Ông Quảng với tôi còn hứa với nhau về sẽ làm thêm vài mâm cơm cảm ơn anh em họ hàng. Không ngờ từ đám cưới đã trở thành đám tang”, ông Lê Trọng Vinh, Xóm trưởng xóm 9, cho biết.
“Trước lúc lên ôtô, vợ chồng ông Quảng còn cẩn thận dặn dò nhờ trông coi giúp nhà cửa trong hai ngày để ra Quảng Ninh mừng lễ vu quy của con gái. Thế mà giờ đây cô dâu chưa kịp về nhà chồng thì đầu đã đội trắng khăn tang thế này”, một người hàng xóm thở dài nói.
Chị Đường Thị M. là cô dâu phải đội khăn tang vào chính ngày cưới của mình.
Ngày hạnh phúc nhất trong đời đã biến thành ngày bất hạnh nhất khiến chị M. đau đớn vật vã. Những đôi mắt đỏ hoe hiện rõ trên từng khuôn mặt của người dân khi nghe tiếng gào thét của chị: “Bố mẹ ơi! Con về rồi! Sao không chờ con!”.
Chị M. lảm nhảm tự trách mình rồi hai hàng nước mắt chảy dài khiến anh Th. phải quay đi không dám nhìn em, anh Q. vừa khóc vừa giữ lấy vai vợ đang rung lên từng hồi. Tiếng khóc ai oán của cô dâu mới phải chịu cảnh mất mát một lúc nhiều người thân càng khiến không khí tang tóc của buổi chiều vùng quê nghèo thêm thê thảm.
Theo Đời Sống & Pháp Luật