Bệnh nhân tử vong vẫn phải cấp cứu
Liên quan tới sự việc cấp cứu 115 Hải Phòng bỏ thai phụ Tiêu Thị Thanh (An Đồng, An Dương, Hải Phòng) ở lại hiện trường, chúng tôi đã có buổi trao đổi với lãnh đạo Trung tâm cấp cứu 115 – Sở Y tế Hải Phòng để làm rõ sự việc.
Liên quan tới các quy định, quy chế của việc cấp cứu bệnh nhân, bà Nguyễn Thị Minh Khương – Phó Giám đốc Trung tâm, người trực lãnh đạo ngày 26/1 cho hay:
“Về y đức, nguyên tắc của cấp cứu là khi kíp cấp cứu đến hiện trường xảy ra tai nạn, bệnh nhân dù đã tử vong hay chưa thì việc đầu tiên là bỏ qua các thủ tục hành chính, vẫn phải cấp cứu bệnh nhân trong 30 phút.
Khi thấy bệnh nhân tim ngừng hẳn mới được phép công bố nạn nhân tử vong và lập biên bản để mọi người, có thể là công an hoặc người dân làm chứng ký vào biên bản đó xác nhận bệnh nhân tử vong.
Đó là quy chế chuyên môn của ngành y tế. Còn sự việc xảy ra với thai phụ Tiêu Thị Thanh ngày 26/1, chúng tôi không phải là người trực tiếp đi tới hiện trường nên không biết”.
Ông Bùi Huy Sơn - Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hải Phòng (ngồi giữa) và bà Nguyễn Thị Minh Khương – Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hải Phòng.
Y sĩ làm việc chưa chu đáo
Theo đó, ông Bùi Huy Sơn – Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 – Sở Y tế Hải Phòng cho hay: Kíp được cử đi cấp cứu bệnh nhân Tiêu Thị Thanh vào sáng 26/1 gồm 3 người: y sĩ Nguyễn Thị Hài, điều dưỡng Vũ Thị Phương và lái xe Đỗ Văn Dũng. Sáng 27/1, ông Sơn cũng đã có buổi làm việc với kíp cấp cứu này.
Nói về trách nhiệm của kíp cấp cứu trên trong việc chưa mở chiếu đắp trên người bệnh nhân ra để xác định bệnh nhân tử vong hay chưa nhưng đã bỏ về, ông Sơn chỉ ra hai điểm:
Thứ nhất, nếu người cung cấp thông tin cho y sĩ Hằng là người có chuyên môn rằng bệnh nhân đã tử vong thì kíp cấp cứu có thể đúng.
Thứ hai, nếu người đó không có chuyên môn mà nói bệnh nhân đã tắt thở và chỉ đắp chiếu lại thì khả năng cứu sống vẫn còn.
Ở đây, y sĩ Hài phải có trách nhiệm xuống tiến hành đánh giá, phân loại tình trạng người bệnh.
Nếu xác định bệnh nhân tử vong, người bệnh không có thân nhân thì y, bác sĩ phối hợp với công an sở tại lập biên bản tử vong và bàn giao cho địa phương giải quyết.
Chỉ chuyển thi hài khi có ý kiến của cơ quan công an. Đây là quy chế của Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Mạnh Trường và y sĩ Nguyễn Thị Hài.
Nếu có người nhà bệnh nhân thì giải thích cho người nhà bệnh nhân biết để làm biên bản tử vong.
Trường hợp người bệnh đột ngột tử vong thì giữ nguyên hiện trường, phối hợp với thân nhân người bệnh mời cơ quan chức năng tới giải quyết.
"Chúng ta phải thấy rõ lỗi của y sĩ Hài là chủ quan nên không mở chiếu đắp trên người bệnh nhân ra.
Trong trường hợp này, y sĩ Hài chỉ cần mở ra, kiểm tra bệnh nhân tử vong rồi và khẳng định với công an, với mọi người xung quanh. Như thế sẽ tránh dư luận nghĩ rằng mình bỏ bệnh nhân. Việc làm của y sĩ Hài chưa được chu đáo nên dẫn tới sự hiểu lầm" - ông Sơn khẳng định.
Cũng theo ông Sơn, Trung tâm cấp cứu 115 sẽ có buổi họp riêng Hội đồng kỷ luật của Trung tâm để xem xét hình thức kỷ luật đối với kíp cấp cứu của vụ tai nạn xảy tới với thai phụ Tiêu Thị Thanh.
"Hội đồng kỷ luật của cơ quan sẽ xem xét một cách rất cụ thể, nghiêm túc để đưa ra hình thức kỷ luật thích đáng nhất. Sau đó sẽ có báo cáo lên Sở Y tế Hải Phòng.
Hình thức kỷ luật đã có sự phân cấp. Ở cấp Trung tâm chúng tôi là cảnh cáo, khiển trách, phê bình, hạ mức lương.
Việc nghỉ, thôi việc một cá nhân, chúng tôi phải làm tờ trình lên Sở Y tế.
Tuy nhiên, dù là hình thức kỷ luật nào thì hình thức đó không những cho cá nhân y sĩ Hài mà cho các kíp cấp cứu khác để chúng ta làm tốt công tác, kể cả trường hợp bệnh nhân đã tử vong rồi" - ông Sơn cho biết thêm.
Theo Trí thức trẻ