Lời luận tội của vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh giữ quyền công tố tại tòa đã phần nào thức tỉnh tình người trong các bị cáo.
Đánh chết học viên…
Khoảng 15h40 ngày 31/1/2013, sau khi chuẩn bị tua vít, thanh sắt mũi nhọn…, Hoàng Văn Văn (40 tuổi, quê TP.Hải Phòng) và một số học viên đang cai nghiện tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội Đồng Nai (còn gọi là Trung tâm Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) tổ chức tấn công nhân viên bảo vệ trung tâm để bỏ trốn.
Sau khi truy bắt được anh Văn, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Văn Tâm (39 tuổi, Trưởng phòng bảo vệ Trung tâm Xuân Phú), các thuộc cấp: Nguyễn Đức Dũng (42 tuổi), Phạm Đức Cảnh (37 tuổi), Phạm Văn Dũng (45 tuổi), Nguyễn Đức Hùng (33 tuổi), Lê Hồng Phong (34 tuổi), Phạm Văn Linh (46 tuổi), Nguyễn Minh Phương (34 tuổi), đều ngụ huyện Xuân Lộc, đã sử dụng gậy cao su, tuýp sắt, roi điện đánh, chích vào nhiều vị trí trên người anh Văn dẫn đến tử vong.
Quá trình điều tra đã xác định rõ, tổng thể những vết thương do bị đánh và điện chích trên người anh Văn là tác động trực tiếp gây nên cái chết cho nạn nhân. Thế nhưng, tại phiên tòa, các bị cáo đều khai theo kiểu tránh né: “Bị cáo chỉ đánh 2 cái vào chân anh Văn”, “Bị cáo đánh 3 cái vào chân và mông”, “Bị cáo chích 2 cái vào người, nhưng điện này không gây chết người”… Tuy nhiên, những vết thương còn lại trên mặt, đỉnh đầu, thái dương… nạn nhân, lại chẳng có bị cáo nào nhận do mình làm.
Riêng bị cáo Tâm, người bị cáo buộc trực tiếp chỉ huy thuộc cấp đánh anh Văn với lời nói: “Đánh cho bằng chết, chích cho bằng chết” lại không nhận mình có mặt khi anh Văn bị đánh chết.
Bị cáo Cảnh lại khai mình không tham gia đánh, thậm chí còn yêu cầu mở còng cho anh Văn khi nạn nhân ngất xỉu. “Bị cáo muốn cứu người nay lại thành ra kẻ giết người thì không hợp lý” - bị cáo Cảnh nói.
Tại phiên tòa, bị cáo Đức Dũng “khoác” lên mình vẻ ngây ngô khi cho rằng: “Từ khi vào làm, bị cáo không được hướng dẫn sử dụng roi điện và cũng không biết lượng điện có trong roi điện là bao nhiêu vôn (volt). Nó là công cụ hỗ trợ không dẫn đến chết người…”. Có phải vì sợ phải trả giá trước pháp luật nên bị cáo Đức Dũng khai man, hay do cơ quan quản lý khinh suất trong việc bàn giao công cụ hỗ trợ cho người có trách nhiệm?
…Lại kêu oan
Bào chữa cho thân chủ mình, các vị luật sư đã cho rằng lỗi phần lớn do bị hại dùng hung khí nguy hiểm tấn công các bị cáo. Trong tình trạng hoảng loạn, các bị cáo không kiềm chế được hành vi nên đã đánh anh Văn gây tử vong. Theo các luật sư, điều này nằm ngoài ý muốn và mục đích của các bị cáo.
Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Tâm, câu nói đánh chết anh Văn mà bị cáo nói ra chỉ mang tính cá nhân trong lúc nóng giận, chứ không phải là sự chỉ đạo. Chỉ thông qua lời khai của 2 bị cáo Phong và Đức Dũng không thể quy kết việc bị cáo Tâm có mặt từ đầu đến cuối để ra lệnh cho thuộc cấp đánh chết học viên Văn. “Việc cáo buộc bị cáo Tâm với vai trò chỉ huy, cầm đầu là không có căn cứ. Bị cáo chỉ phạm vào tội thiếu trách nhiệm trong việc quản lý gây hậu quả nghiêm trọng” - luật sư đưa ra quan điểm bào chữa.
Đối với hành vi của bị cáo Đức Dũng, luật sư bào chữa cho rằng: “Bị cáo Đức Dũng không có động cơ, mục đích giết người. Việc bị cáo đánh học viên Văn chỉ nhằm răn đe, giáo dục chứ không phải cố ý giết người”.
Tại tòa, các luật sư yêu cầu phải giám định và phân tích từng vết thương trên người nạn nhân là do roi điện, tuýp sắt hay dùi cui gây ra. Từ đó mới phân định rõ ràng về nguyên nhân dẫn đến cái chết và vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo trong vụ án. Luật sư cũng phân tích rõ hành vi của các bị cáo Phong và Linh là do lệnh của cấp trên nên buộc phải đánh anh Văn.
Tranh luận lại những lời bào chữa của luật sư, vị đại diện Viện Kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố: “Học viên Văn chịu sự cải tạo, quản lý tại trung tâm. Nếu anh Văn có hành vi kích động, chống phá đối với cán bộ quản lý của trung tâm thì cần được lập hồ sơ và xử lý theo pháp luật. Hành vi của các bị cáo đã làm sai trách nhiệm. Hậu quả anh Văn chết là trách nhiệm chung của các bị cáo”.
Viện Kiểm sát cho rằng, các bị cáo dùng dùi cui, roi điện đánh đến chết một người đã bị còng cả hai tay và quỳ xuống mở lời: “Xin tha cho em, em biết lỗi rồi”, về tình và lý đều không thể chấp nhận. Lúc này, anh Văn đã không còn khả năng chống trả thì không thể nói các bị cáo giết người trong trạng thái bị kích động mạnh. Viện Kiểm sát cũng nhấn mạnh: “Nếu bị cáo Tâm biết quản lý đúng với vai trò lãnh đạo của mình và xử lý tình huống kịp thời sẽ không dẫn đến sự việc nghiêm trọng này”.
Theo NLĐ