Hỗ trợ xử lý nợ để chuyển đổi Nông trường Sông Hậu. (Ảnh minh họa) |
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ căn cứ Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ chỉ đạo Nông trường Sông Hậu lập Đề án về sắp xếp, đổi mới Nông trường Sông Hậu và xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp trực thuộc Thành phố, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính căn cứ Khoản 6 Điều 23 Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ để xử lý các khoản nợ vay của Nông trường Sông Hậu tại các tổ chức tín dụng theo quy định.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan có giải pháp tái cơ cấu nợ, hỗ trợ xử lý khó khăn về tài chính để thực hiện chuyển đổi Nông trường Sông Hậu theo quy định.
Được biết, khi vụ án tại Nông trường Sông Hậu vỡ ra, bà Trần Ngọc Sương bị bắt, bị truy tố về tội “lập quỹ trái phép”, tình hình tài chính bi đát của nông trường này cũng được làm rõ. Tính tới thời điểm năm 2011, số lỗ lũy kế là hơn 280 tỷ đồng, trong đó có các khoản nợ ngân hàng là hơn 150 tỷ đồng (tính cả lãi suất là hơn 290 tỷ đồng) trong khi giá trị toàn bộ tài sản nông trường chỉ có gần 70 tỷ đồng.
Giữa năm nay, UBND TP.Cần Thơ đã xin Chính phủ xoá khoảng 150 tỷ đồng nợ tồn đọng nhiều năm qua vì đất nông trường là đất công, không thể bán đi trả nợ, cũng không thể cổ phần hoá vì khả năng tranh chấp lớn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nông trường lại vẫn liên tục thua nên không đủ điều kiện chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV theo quy định, nếu không được xóa nợ gốc và lãi…
Giám sát TCty Lương thực Miền Nam Cũng trong ngày 7/10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thay mặt Thủ tướng nêu ý kiến về về việc giám sát tài chính năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 của Tổng công ty Lương thực Miền Nam. Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện ngay các biện pháp giám sát chặt chẽ đối với Tổng công ty Lương thực Miền Nam, đặc biệt là giám sát về tiêu thụ sản phẩm tồn đọng, thu hồi công nợ phải thu khó đòi, tái cơ cấu ngành nghề sản xuất kinh doanh (đặc biệt là ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản); công tác thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp khác theo tiến độ, đề án đã được duyệt và tăng cường quản lý vốn, tài sản và bảo toàn vốn Nhà nước tại Tổng công ty theo quy định. Bên cạnh đó, chỉ đạo Tổng công ty Lương thực Miền Nam khẩn trương hoàn thành các thủ tục để sớm trình Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty theo quy định. |
Theo DânTrí