Tín dụng đen - điểm đen phát sinh tội phạm

Thứ hai, 02/11/2015, 13:13
Tại Hà Nội, tình hình cho vay tín dụng đen, cho vay nặng lãi đã được kiềm chế, tuy nhiên, một báo cáo mới đây của Phòng CSHS Công an Hà Nội (CAHN) cho hay: Vẫn xảy ra một số vụ án xuất phát từ việc cho vay nặng lãi dẫn đến các hành vi giết người và cố ý gây thương tích. Các đối tượng đi đòi nợ thuê, siết nợ thường rất manh động, sẵn sàng dùng hung khí để gây án.
Thực chất vay nợ tín dụng đen là những giao dịch ngầm giữa chủ nợ và các con nợ.

Dùng mìn, thuê côn đồ sát hại con nợ

Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, từ năm 2010 - 2014, ở nước ta liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên đến hàng nghìn tỉ đồng, ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức, kéo theo đó là hơn 6.300 vụ việc có liên quan. Trong số các vụ việc đó thì có 41 vụ giết người, gần 320 vụ cố ý gây thương tích, hơn 550 vụ cướp tài sản, gần 1.100 vụ cưỡng đoạt tài sản, hơn 1.700 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gần 2.500 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và hơn 100 vụ hủy hoại tài sản…

Ngoài ra, các hệ lụy phát sinh từ việc cho vay tín dụng và vay nặng lãi đã dẫn đến các hành vi vi phạm khác như bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác, tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm, nghiện ma túy, các vi phạm pháp luật về cầm cố, thế chấp tài sản.

Đại tá Dương Văn Giáp - Trưởng phòng CSHS (PC45 - CAHN) - đánh giá: Việc cho vay nặng lãi, cho vay họ theo tuần, tháng và quý không chỉ có những đối tượng ở tại địa bàn Hà Nội mà còn có những ổ nhóm tội phạm ở nơi khác đến. Hết thời hạn vay, nếu con nợ chưa có khả năng chi trả, các đối tượng đi đòi nợ, siết nợ bằng cách tụ tập nhau mang hung khí để gây án. Đại tá Giáp đưa ra ví dụ như ổ nhóm ở Xuân Trường (Nam Định) lên phố Nguyễn Thị Định (Cầu Giấy, Hà Nội) để cho vay nặng lãi, sau đó mâu thuẫn dẫn đến chém nhau làm 3 đối tượng bị thương nặng; hoặc vụ các đối tượng ở hiệu cầm đồ 850 Đường Láng (Đống Đa) cho vay nặng lãi, lên Đào Tấn (Ba Đình) để đòi nợ sau đó chém 3 người bị thương.

Tín dụng đen đang có “đất” phát triển

Lãi suất hấp dẫn cộng với thủ tục vay tiền nhanh gọn, đơn giản, thuận tiện khiến tín dụng đen có “đất” để phát triển. Các nguồn tiền này phần lớn được huy động trong dân và qua nhiều kênh rồi đến các trùm nợ… Vì thế, mức lãi suất qua từng công đoạn cũng tăng lên ngất ngưởng.

Mới đây nhất, tại Hà Nội xuất hiện hiện tượng một số doanh nghiệp đã in sổ tiết kiệm giống hệt sổ tiết kiệm do tổ chức tín dụng nhà nước phát hành nhằm huy động vốn trong nhân dân. Qua điều tra, cơ quan công an phát hiện 2 doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng bạc tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) là Thanh Tuấn và Ngọc Toàn tự ý phát hành loại hình sổ tiết kiệm được in đầy đủ bảng kê xác nhận tiền gửi, số tiền rút lãi và gốc, cũng như con dấu của DN. Ở phần bìa cũng ghi rõ các quy định đối với người gửi tiền như khi lĩnh tiền... Tuy nhiên, mức lãi suất tiền gửi cao gấp nhiều lần, vì thế mà hàng trăm người dân thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và các khu vực lân cận đổ xổ đến gửi tiền.

Bước đầu, cơ quan công an xác định, trên 400 người dân gửi tiền và vàng tại 2 DN này với số tiền lên tới hơn 90 tỉ đồng. Đến thời điểm này, 2 DN này đã mất khả năng chi trả, trong khi đó tất cả các giấy gửi tiền do 2 DN này tự phát hành không có giá trị pháp lý. Thượng úy Tạ Biên Cương - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ CAHN - cho biết: Sai phạm của hai DN này là phát hành sổ tiết kiệm huy động dòng tiền gửi như các tổ chức tín dụng, trong khi giấy phép kinh doanh của hai DN này không có chức năng như vậy.

Thực chất, vay nợ tín dụng đen là những giao dịch ngầm giữa chủ nợ và các con nợ. Vì thế, có những khoản vay lên tới vài trăm tỉ đồng nhưng chỉ được thể hiện bằng chữ viết tay. Nhiều chủ nợ sau khi viết đơn tố cáo cũng không chứng minh được nguồn gốc các khoản tiền đã ghi trong giấy cầm cố.

Trong khi đó, thực tế các vụ vỡ nợ tín dụng đen trong thời gian qua cho thấy, không phải trong ngày một ngày hai các đường dây tín dụng đen trên được thiết lập. Nhiều đường dây đã tồn tại trong rất nhiều năm nhưng chính quyền sở tại không nắm rõ. Chỉ đến khi con nợ bỏ trốn với các khoản nợ lên tới vài trăm tỉ đồng thì đã quá muộn.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn