Thông thường hợp đồng mua bán cơm thừa cho các trang trại heo lớn có thời hạn từ sáu tháng đến một năm. Nhưng nếu chủ trang trại tỏ ra không “biết điều” thì khi hết hợp đồng, người bán sẽ nhanh chóng bắt tay với người khác. Khi đó, chủ trại heo phải cuống cuồng chạy tìm mối cung cấp khác. Còn với những trường hợp chỉ hợp đồng bằng miệng thì chuyện “lật kèo” xảy ra như cơm bữa.
Đe dọa, giật mối
Ông T., một người nuôi heo ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa vừa bị giành mất mối cơm thừa nhưng đành ngậm đắng nuốt cay. Theo ông T., lâu nay ông kiếm được mối mua cơm thừa của một quán cơm ở gần cầu Hóa An, TP.Biên Hòa. Hợp đồng mua cơm thừa có thời hạn sáu tháng với giá trọn gói là 30 triệu đồng. Khi gần hết hạn hợp đồng, chủ quán cơm đòi tăng giá lên 40 triệu đồng. Trong khi hai bên thương lượng chưa thành, trong một lần lấy cơm ra khỏi quán, ông T. bất ngờ bị hai thanh niên bặm trợn chặn xe, dọa: “Kể từ ngày mai không được đến quán này mua cơm thừa nữa. Nếu không nghe thì cho tụi này xin tí huyết”.
Quá sợ hãi, ông T. phải từ bỏ mối mua cơm thừa này để tìm mối mới nhưng cả tháng nay vẫn chưa tìm ra. Quay trở lại quán cũ tìm hiểu, ông T. mới hay trong lúc ông đang thương lượng lại giá cả với chủ quán thì một chủ trại heo khác nhảy vào tranh mua. Chủ trại heo này một mặt thỏa thuận với chủ quán cơm sẽ mua giá cao hơn; mặt khác lại thuê giang hồ dằn mặt, ngăn ông T. không được mua cơm ở quán này nữa.
Vừa bị giành mất mối mua cơm thừa, chị T. - một người nuôi heo ở phường Trảng Dài phải mua tạm thân chuối xắt cho heo ăn. |
Bỏ của chạy lấy người
Anh Q., người nuôi heo lâu năm ở phường Long Bình, kể anh có mua cơm thừa của một công ty ở KCN Việt Nam - Singapore (tỉnh Bình Dương). Công ty này có lượng công nhân khá đông nên cơm thừa nhiều và việc chăn nuôi của anh cũng rất thuận lợi. Thế nhưng một ngày anh Q. đến lấy cơm thì gặp ba thanh niên xăm trổ đầy mình, mặt mày dữ tợn đứng chặn ngay ở cổng công ty. Họ nói như ra lệnh: “Kể từ ngày mai mày không được đến đây mua cơm nữa”, rồi lên xe bỏ đi.
Tưởng những người này chỉ hăm dọa suông, hôm sau anh Q. vẫn đến lấy cơm bình thường. Nhưng khi vừa đến cổng công ty, anh Q. hoảng hồn khi thấy ba thanh niên hôm trước cầm tuýp sắt đang đứng chờ sẵn. Bị đập vỡ kính xe, anh Q. vội vàng bỏ chạy vào trụ sở công an gần đó để tránh. Qua tìm hiểu, anh Q. mới biết nhóm người này do một người tên H. thuê để giành mối cơm thừa.
Để bảo vệ “nồi cơm” của mình, anh Q. phải nhờ một nhóm giang hồ ở ngã tư 550 đứng ra dàn xếp. Nhóm này đồng ý bảo kê cho anh Q. tiếp tục mua cơm thêm sáu tháng nữa với giá 25 triệu đồng. Tuy nhiên, khi anh Q. mới lấy được bốn tháng thì một băng nhóm khác đến yêu cầu anh phải đưa tiền mới được yên ổn mua cơm. Anh Q. phải đưa thêm 10 triệu đồng nữa nhưng cuối cùng cũng phải bỏ của chạy lấy người vì bị quá nhiều nhóm đe dọa.
Tìm được một mối cơm thừa để làm thức ăn cho heo là điều không dễ dàng. |
Lót tay để giữ mối
Ông C., một đại gia nuôi heo ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa, mua cơm thừa tại một công ty ở tỉnh Bình Dương đã hơn 10 năm nay. Theo ông C., tìm được nơi bán đã khó, để giữ được mối cơm này cũng không hề dễ dàng.
“Ban đầu tôi phải chi 30 triệu đồng để một “cò” dắt mối ký hợp đồng mua cơm thừa. Hồi đó giá cả còn rẻ, tôi trả tiền mua cơm thừa chỉ 15 triệu đồng/tháng nhưng phải thanh toán trước mỗi lần sáu tháng. Hiện nay giá cơm mỗi tháng đã là 25 triệu đồng nhưng so ra vẫn tốt hơn so với giá thị trường” - ông C. khoe.
Theo ông C., khó nhất là chuyện giữ mối cơm, không để kẻ khác nẫng tay trên. Bởi dân nuôi heo ai cũng mong mua được cơm thừa của các công ty nhưng không phải ai cũng có thể lấy được nên việc “đâm sau lưng” rất dễ xảy ra. “Để không bị giành mối, ngoài tiền cơm phải trả sáu tháng một lần, hằng năm tôi phải tốn không ít tiền để lót tay cho các sếp của công ty. Mỗi dịp Tết tôi phải bỏ phong bì cả chục triệu đồng/người biếu cho quản lý, phó quản lý bếp và kế toán. Có như vậy họ mới tạo điều kiện và giữ mối cho mình” - ông C. nói.
|
Theo PLO