Để thực hiện hành vi ăn cướp, băng này “sắm” ba xe khách “nát” loại 24 chỗ. Hằng ngày, họ cho xe “mật phục” dọc đường Kinh Dương Vương, đoạn từ Bưu điện An Lạc đến cây xăng Comeco (chi nhánh số 14, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM), để lôi kéo “con mồi” lên xe.
“Ăn” trên mồ hôi, nước mắt
Theo tìm hiểu, ngày 27/10 băng cướp do Liêm, “cu” Đắc, Bò... đã hung hãn bóp cổ, dùng ống tuýp sắt đánh anh Nguyễn Văn Tuấn (26 tuổi, quê Kiên Giang) hộc máu miệng và bị thương nhiều chỗ.
Bò (quần soóc) và “cu” Đắc đứng khệnh khạng giữa đường bắt khách. Ảnh cắt từ clip điều tra. |
Lúc bị đánh, trên tay anh Tuấn đang bồng con nhỏ 2 tuổi, bé văng xuống sàn xe. Sau trận đòn nhừ tử, bọn bất lương cướp sạch số tiền 1,3 triệu đồng mà anh Tuấn dành dụm đem về cho gia đình.
Trước đó ít ngày, bọn chúng còn cướp trắng tiền của ông Phạm Văn Tưởng (55 tuổi, quê An Giang).
“Tôi lên TP.HCM làm mướn cực nhọc cả tháng trời được 1,4 triệu đồng. Ở thôn quê ra tôi có biết gì đâu nên lên nhầm phải xe ăn cướp.
Lúc còn mình tôi trên xe, họ đóng cửa kín mít và quát phải “bao” xe giá 2 triệu đồng. Tôi van xin nhưng họ không tha, cướp sạch tiền, còn dọa đâm tôi nữa”, ông Tưởng vừa khóc vừa kể.
Cùng chúng tôi đi trên chuyến xe ăn cướp ngày 11/11, ông Nguyễn Văn Sáng (quê Vĩnh Long) bị băng của Liêm, Tâm “heo” cướp 600.000 đồng tiền tích cóp từ công lao động vất vả.
Ông Sáng run run nói: “Tôi xin tụi nó cho mấy đồng để bắt xe về nhưng không được. Nó giật bóp, khám xét người. Tụi ăn cướp, cướp cả mồ hôi nước mắt của những người cùng cực”.
Ông Sáng kể mới lên TP.HCM làm phụ hồ được hai ngày thì hay tin người nhà bệnh. Chủ tốt bụng cho ứng tiền trước để về quê, rốt cuộc bị bọn chúng vét sạch.
Trong những ngày thâm nhập điều tra, chúng tôi còn chứng kiến câu chuyện đau lòng của bà Phạm Thị Tua (quê Sóc Trăng).
“Cả tuần qua tôi đưa con lên Bệnh viện 115 chữa bệnh. Hết tiền nên vòng về quê đi vay mượn, thế mà số tiền 1 triệu đồng còm cõi dằn túi cũng bị chúng lấy hết”, bà Tua kể.
Tình người của những nhà xe tốt bụng
Bị vét sạch tài sản, vứt SIM điện thoại và đẩy xuống đường... nhiều người dân không biết bấu víu vào đâu. May mắn thay, họ luôn được nhiều nhà xe tốt bụng cưu mang, không lấy tiền đi xe, có khi còn cho thêm chút tiền đi đường.
Trên chuyến xe ngày 13/11, chúng tôi (hai phóng viên) và chị Nho bị đẩy xuống đường cao tốc thì được một nhà xe ở Đồng Tháp đón lên xe cho đi nhờ. Khi biết hoàn cảnh của mỗi người, chủ xe cho chúng tôi quá giang tới Tiền Giang, đồng thời cho tiền và chở chị Nho về bến xe gần nhất.
Tên Đen đang tra khảo và cướp sạch số tiền 1,5 triệu đồng của chị Trần Thị Nho (20 tuổi, quê Sóc Trăng) trưa 13/11. Ngoài cướp tiền, tên này còn giở trò sàm sỡ chị Nho.Ảnh cắt từ clip điều tra. |
“Chúng tôi gặp tình cảnh này nhiều rồi, bọn nó ác lắm. Nó chuyển khách sang xe nhưng không bao giờ trả tiền, thậm chí còn đe dọa. Gặp những trường hợp này, chúng tôi làm phước và khuyên nhủ nạn nhân lần sau cảnh giác, vào bến mua vé để khỏi bị cướp”, chủ xe nói.
Trước đó, khi bị cướp vét sạch tài sản, đánh bị thương, anh Nguyễn Văn Tuấn (26 tuổi, quê Kiên Giang) cũng được một nhà xe cho đi nhờ, các hành khách trên xe quyên góp để anh có tiền đưa con về quê.
“Lúc đó nếu không có sự giúp đỡ của những người này, cha con tui không biết sẽ như thế nào. Không có tiền, không thể liên lạc gia đình... Nghĩ lại tui còn thấy ám ảnh kinh hoàng”, anh Tuấn tâm sự.
“Xe cướp” không đăng ký trong bến
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 16/11, ông Trần Văn Phương - Phó giám đốc bến xe Miền Tây (TP.HCM) cho biết cả ba xe cướp mà báo Tuổi Trẻ nêu đều là những xe đời cũ (lỗi thời), không đăng ký hoạt động trong bến.
Họ cũng hoạt động bên ngoài và không được vào bến xe để mồi chài khách.
Theo ông Phương, trước đây có hiện tượng một số xe đậu ở cây xăng Comeco rồi sai “đệ tử” qua bến xe tìm khách hoặc rước khách dọc đường nhưng lại không chạy. Khách đòi tiền thì nhóm này không trả. Sau đó, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Ông Phương còn nhắn nhủ: “Đề nghị hành khách khi đến bến xe mua vé về quê phải lại các quầy vé của bến xe. Khách mua vé trong bến sẽ đảm bảo được các quyền lợi như mua đúng giá vé niêm yết, bảo hiểm hành khách và vé cũng là chứng từ để tố cáo nhà xe không đưa đến nơi đến chốn...”.
Theo TTO