Đau lòng: Anh em giành nhà sau khi cha mẹ qua đời

Thứ ba, 17/11/2015, 08:57
Một phần căn nhà được cha cho người em út nhưng ông Sam kiện đòi lại, sau khi bố mẹ chết, vì cho rằng mình là chủ sở hữu hợp pháp.  
Ảnh minh họa

Ngày 16/11, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm vụ kiện đòi nhà giữa nguyên đơn là ông Sam và bị đơn là người em trai tên Trí.

Theo nội dung vụ án, vợ chồng ông Ban có 11 người con. Ông bà sống tại căn nhà trên 100m2 thuộc phường Tân Thuận Tây, quận 7, cùng với hai người con trai là Sam và Trí (con út). Những người con khác đều lập gia đình riêng, sống ở nhiều nơi. Một phần căn nhà phía sau (khoảng 20m2) ông cho vợ chồng con trai út ở, phần còn lại để cho Sam đứng tên đồng sở hữu để tiện giao dịch, làm các thủ tục xin cấp giấy phép xây nhà mới.

Giữa năm 2003, vợ chồng ông Ban bỏ tiền cất lại căn nhà khang trang một trệt, một lầu. Đầu năm sau ông viết di chúc với sự chứng kiến của 11 người con. Trong đó, ông xác định căn nhà nhờ ông Sam đứng tên chỉ để tiện cho việc giao dịch, sau khi vợ chồng ông chết căn nhà sẽ được chia đều cho 11 người con. Đồng thời, căn nhà này sẽ dùng để làm nơi hương hỏa cho cha mẹ, các con ông phải thực hiện ý nguyện "không được thắc mắc, anh em mất đoàn kết".

Các con của ông Ban đều ký và cam kết không được bán, sang nhượng hay cầm cố. Không lâu sau khi lập di chúc, ông Ban qua đời.

Năm 2009, sau khi mẹ mất, ông Sam khởi kiện yêu cầu ông Trí và vợ con phải trả lại phần đất phía sau nhà để ông cho người khác ở. Bởi cho rằng đây là một phần căn nhà thuộc sở hữu hợp pháp của ông.

Không đồng ý với yêu cầu của người anh, ông Trí phản tố, đề nghị tòa chia di sản thừa kế là toàn bộ căn nhà bố mẹ để lại.

Sau nhiều năm thụ lý, hồi tháng 7, TAND TP.HCM đưa vụ án ra xét xử. Trình bày với tòa, ông Sam nói, trước khi viết di chúc để lại căn nhà cho các con bố mẹ ông đã làm hợp đồng tặng cho ông căn nhà. Hiện, ông là người sở hữu hợp pháp toàn bộ căn nhà. Năm 2003, ông phải bỏ toàn bộ chi phí xây dựng, riêng phần phía sau do gia đình người em ở nên ông không sửa chữa, nay ông muốn đòi lại.

Còn ông Trí cho rằng, năm 1980 khi lấy vợ được cha mẹ cho một phần phía sau căn nhà được dựng bằng cây và vách. Hơn chục năm sau vách cây bị mục, vợ chồng ông mới xây tường gạch và lợp mái tôn, sửa sang lại với diện tích sử dụng chỉ 16m2. Phần nhà này độc lập và có lối đi riêng với căn nhà phía trên mà vợ chồng người anh đang ở.

Phía bị đơn không đồng ý trả lại diện tích phần sau căn nhà vì cho rằng đã được cha mẹ cho từ khi lập gia đình và sống ổn định đến nay. Ông Trí cũng thay đổi yêu cầu phản tố, không yêu cầu chia thừa kế mà chỉ nhờ tòa xác định toàn bộ căn nhà này là di sản thừa kế của cha mẹ để lại chứ không thuộc sở hữu của người anh.

Những người con khác của ông Ban cũng được tòa triệu tập. Họ đều đồng ý với phần trình bày của người em út, cho rằng đây là di sản thừa kế cha mẹ để lại cho toàn bộ anh chị em. Nay họ đều có nhà cửa riêng nên căn nhà trên tiếp tục để cho ông Sam và Trí ở và đề nghị hai bên không được đòi chia thừa kế. Ông Sam cũng không được đòi lại phần sau nhà người em út đang ở.

HĐXX sau đó đã bác yêu cầu đòi lại nhà của ông Sam vì "nguyên đơn không phải là chủ sở hữu thực sự", tiếp tục giao căn nhà này cho ông Sam và ông Trí cùng sử dụng. Không đồng ý với bản án này, ông Sam kháng cáo.

Tại tòa hôm nay, các bên vẫn giữ nguyên quan điểm. Nhân chứng trong vụ án là chủ thầu xây dựng căn nhà cũng được mời đến tòa. Ông này cho biết, năm 2003, ông được vợ chồng ông Ban khoán xây dựng với chi phí 200 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này đã được ông Ban thanh toán đầy đủ. Về sau, quá trình sửa chữa phát sinh thêm hơn 20 triệu đồng thì ông Sam trả cho ông được 3 triệu. Số còn lại đến nay vẫn không đòi được.

Đồng ý với quan điểm của tòa cấp sơ thẩm, HĐXX phúc thẩm quyết định giữ nguyên phán quyết, bác yêu cầu của ông Sam.

Theo VNE

Các tin cũ hơn