Trong phiên chất vấn chiều 16/11, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) mở đầu chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình bằng câu hỏi về vụ án xảy ra tại Ban quản lý chợ Đồng Xoài (Bình Phước). Đại biểu cho hay vụ án xảy ra tại chợ Đồng Xoài, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước từ năm 2005. Ba nhân viên, cán bộ quản lý chợ bị phát hiện biển thủ tiền quỹ tiêu xài cá nhân, có sai phạm quản lý tài chính đã bị kết án với mức phạt từ 36 tháng tù treo đến 7 năm 3 tháng tù giam. Tuy nhiên sau khi có kháng cáo kêu oan, vụ án được trả hồ sơ điều tra lại và đã đình chỉ vào năm 2013.
Đại biểu Hùng cho rằng vụ án xảy ra đã hơn 10 năm (từ năm 2005), hai trong ba người là ông Bùi Văn Quỳnh (phó ban) và bà Phạm Thị Hồng Vân (thủ quỹ) đã có nhiều đơn thư kêu oan. "Tuy nhiên đến nay vụ việc vẫn chưa kết thúc. Thậm chí, khi đã có quyết định đình chỉ điều tra nhưng các đương sự vẫn chưa được bồi thường oan sai", ông Hùng nói.
Đại biểu này đã nhiều lần chuyển đơn đến VKSND Tối cao và dù quá hạn nhưng không được hồi âm, hoặc nếu có thì “né” vấn đề chỉ nói chung chung là quyết định có căn cứ. “Tại sao một vụ án không phức tạp lại để kéo dài tới 10 năm? Quyết định xử lý của Ban thường vụ Quốc hội là đúng hay sai?”, ông Hùng chất vấn.
Giải đáp những thắc mắc của đại biểu Hùng, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay: “Chúng tôi nhận đơn của anh Quỳnh, cô Vân và đã trả lời nhưng có lẽ họ chưa chịu, chưa hài lòng nên tôi trả lời lại tại hội trường hôm nay”.
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn chiều 16/11. |
“Vậy vụ án có phải kéo dài 10 năm không?”, Viện trưởng dẫn đề và cho rằng không thể đánh đồng thời điểm xảy ra sự kiện phạm tội với thời điểm xảy ra sự kiện tố tụng. Năm 2006, sai phạm bị phát hiện. Năm 2008 vụ án được đưa ra xét xử và đến năm 2013 đã cóquyết định đình chỉ điều tra.
“Kéo dài do quá trình xem xét trả lời đơn thư khiếu nại kéo dài chứ vụ án đã khép lại từ năm 2013. Nói giải quyết 10 năm chưa thỏa đáng”, ông Bình khẳng định.
Còn về trách nhiệm của VKSND Tối cao trong vụ án này, ông Bình nói tháng 6 vừa qua Quốc hội có nghị quyết giám sát oan sai, giao các cơ quan tư pháp xem xét các vụ án trong đó có vụ Đồng Xoài. “Chúng tôi có lập đoàn liên ngành vào xem xét. Kết quả không như mong đợi của anh Quỳnh, chị Vân và hai người này được xác định có sai phạm", ông Bình cho biết.
Theo Viện trưởng Bình, vụ án xảy ra từ lâu, người liên quan đã tự nguyện trả tiền sai phạm, có nhân thân tốt nên liên ngành Bình Phước mới đồng ý cho đình chỉ vụ án. "Ở đây không phải đình chỉ vô tội nên không có bồi thường oan sai", người đứng đầu ngành kiểm soát khẳng định.
Về thắc mắc của đại biểu Hùng vì sao những nghi can trong vụ việc này đã bị buộc thôi việc (xử lý về mặt hành chính) rồi mà còn bị khởi tố, ông Hùng đánh giá "cùng một người, cùng một việc song đã bị xử lý hai lần". Trả lời, Viện trường Bình cho hay việc buộc thôi việc không thể thay thế xử lý hình sự. “Nếu các vụ án hình sự mà các nghi can đều lấy việc xử lý hành chính thay thế thì xã hội sẽ loạn”, người trả lời chất vấn nói.
Với vụ án Trần Thị Hải Yến ở Phú Yên, giải đáp thắc mắc của đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết người phụ nữ này bị bắt do đánh nhau gây thương tích cho hàng xóm. TAND huyện Tuy Hòa tuyên chị Yến phạm tội cố ý gây thương tích với mức án hơn 2 năm tù. Vì có kháng cáo kêu oan của đương sự, tòa phúc thẩm hủy án, trả hồ sơ điều tra lại. Tuy nhiên trước khi mở phiên phúc thẩm, chị Yến đã chết trong nhà tạm giam.
Theo ông Bình, giám định pháp y kết luận người phụ nữ này đã tự sát, song gia đình không tán thành. Ông Bình cho hay VKSND Tối cao đã cử đoàn liên ngành vào Phú Yên xem xét sự việc. Chủ tịch nước đã giao cho Bộ Công an điều tra lại.
Sáng 17/11, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình và Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ tiếp tục trả lời chất vấn.
Theo VNE