Đó là thổ lộ của chị NTT, một người bán dâm, tại buổi tọa đàm giữa công an, chính quyền địa phương với các thành viên CLB Sen Xanh (CLB tư vấn pháp lý, hỗ trợ chị em bán dâm do Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM thành lập) trong việc hỗ trợ cung cấp các dịch vụ xã hội, tổ chức ngày 26-11.
Cắn răng chịu đựng
Theo chị T., có những chị em rơi vào cảnh đường cùng mới đi làm nghề này. “Tình hình gái bán dâm qua đêm với khách bị ép chơi ma túy đá, sử dụng chất kích thích, quan hệ rồi không thỏa mãn, không chịu trả tiền, bị đánh đập là thường xuyên nhưng chị em chỉ biết cắn răng chịu đựng” - chị T. nói.
Còn chị N. cho biết bản thân bị lệ thuộc vào ma túy nên phải đi khách nhiều để có tiền vừa chơi ma túy vừa nuôi con nhỏ. Thế nhưng tiền làm ra không có bao nhiêu vì phải chia cho tài (bảo kê) chứ không sẽ bị phá. Nếu báo công an thì chị sợ bị bắt vào trường cai nghiện, lấy ai nuôi con.
Chị Linh Ngô, thành viên ban chủ nhiệm CLB, nói lên tâm tư rằng hầu hết đều cam chịu và chỉ dám đến chia sẻ với các chị em trong CLB khi mọi chuyện đã rồi. Dù không công nhận mại dâm là nghề nhưng các chị đều mong muốn lực lượng công an có sự chia sẻ, hỗ trợ khi chưa bỏ được con đường này.
Tại tọa đàm, Đại úy Nguyễn Viết Phương hoan nghênh việc mạnh dạn cung cấp hỗ trợ thông tin cho cơ quan công an. |
Công an khuyến khích khai báo
Trao đổi tại tọa đàm, Đại úy Nguyễn Viết Phương, Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH - Công an quận Bình Thạnh, nhấn mạnh không tạo điều kiện cho hoạt động mại dâm nhưng lực lượng công an sẵn sàng can thiệp xử lý những hành vi bạo lực, cưỡng hiếp, trấn lột xảy đến với chị em bán dâm.
Đại úy Phương nhìn nhận việc chị em trình báo khi bị đánh đập, ép bán dâm là hiếm có. Các chủ chứa, ma cô dắt mối luôn có những cách điều khiển, bắt buộc chị em phải im lặng, tác động chị em rút đơn kiện, đóng đinh vào tâm lý của người bán dâm rằng “công an sẽ không tin, không giúp tụi bay”, “tao chơi với công an, thưa cũng vậy thôi” hay đe dọa trả thù. Khi chị em được ra về, ma cô vẫn nói đã lo 5, 10 triệu cho công an rồi tính tiền bắt trả lại khiến chị em làm trả cả đời không hết nợ.
Điều này dẫn đến khi gặp chuyện, họ không dám trình báo và bế tắc, không biết tin vào nơi nào. Ngoài ra, việc xử lý những người này cũng gặp nhiều khó khăn do chị em không biết tên tuổi thật, không nắm biển số xe, đối tượng thường dùng số khuyến mãi…
Đại úy Phương kêu gọi: “Chị em không nhất thiết chờ bị đánh mới khai báo mà hãy khai báo cả những hành vi môi giới, bảo kê. Ngoài việc hỗ trợ các chị bỏ con đường này tìm việc làm mới, chúng tôi còn cần sự hợp tác vì chính các chị mới là người hiểu rõ từ A đến Z các đối tượng đó mà không cần dùng đến viên đạn, cây súng. Chúng tôi cần thông tin về chủ chứa, môi giới, mục tiêu của chúng tôi là đám này chứ không phải các chị. Nếu đến công an phường mà bị xỉ vả, không tiếp nhận thì các chị gửi đơn lên cấp trên trình báo vụ việc chứ không nên cam tâm chấp nhận bị đuổi về”.
Tọa đàm là dịp để cơ quan công an trao đổi khó khăn, vướng mắc với người bán dâm, từ đó đề ra cơ sở, biện pháp xử lý phù hợp. Thông qua buổi tọa đàm, tôi mong muốn chị em xóa bỏ mặc cảm tự ti, mạnh dạn khai báo, hợp tác với chính quyền địa phương để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất. Các ngành chức năng tạo điều kiện hỗ trợ, giải quyết thấu đáo những bức xúc của chị em. Ngoài việc phối hợp với các cơ quan liên quan triệt phá, xử lý mạnh tay những đường dây chủ chứa, môi giới, chi cục vẫn đang phối hợp với các sở, ngành liên quan như hội phụ nữ, trung tâm phòng, chống AIDS, các trường dạy nghề, chính quyền địa phương hướng dẫn, tư vấn pháp lý, hỗ trợ việc làm nhằm giúp các chị em dần thay đổi nhận thức và chuyển đổi công việc. Sắp tới chi cục sẽ tính toán nhân rộng mô hình cho phù hợp. Ông LÊ VĂN QUÝ, Chi cục phó Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM Nhiều người do hoàn cảnh đưa đẩy mới đi bán dâm. Chúng tôi vẫn tiếp nhận, xử lý những thông tin trình báo từ người bán dâm khi có sự cố xảy ra. Khi bị bảo kê gây khó khăn, áp lực, không cho thoát ra, các chị nên mạnh dạn trình báo để chúng tôi hỗ trợ. Mỗi địa phương đều có tổ cán sự xã hội tình nguyện, nếu ngại gặp công an thì có thể tìm đến họ. Đại úy LÊ TRẦN TRUNG, Phó Trưởng Công an phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM |
Theo Dân Trí