Quá trình trốn 2 quyết định truy nã của Cảnh sát hình sự và Cảnh sát kinh tế (Công an Hà Nội) vào TP.HCM, Trần Viết Hùng (34 tuổi, trú tại Phú La, Hà Đông, Hà Nội) tiếp tục kết nối với nhóm tội phạm ngoại, thực hiện hàng loạt phi vụ chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Lập kế chiếm nhà
Hai quyết định truy nã Trần Viết Hùng liên quan đến 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra ở Hà Nội. Trong đó, tinh vi nhất là vụ bán căn hộ ở một khu chung cư tại khu đô thị Đại Kim, quận Hoàng Mai.
Đầu tháng 6/2013, Hùng tự giới thiệu là cán bộ ngân hàng, gặp anh Thành (là người được chủ tòa nhà ủy quyền sử dụng) đặt vấn đề thuê. Hai bên thống nhất mức thuê 6 triệu đồng/tháng. Hùng mượn anh Thành hồ sơ nhà để "chế" một bộ hồ sơ giả.
Cuối tháng 6/2013, biết anh Vinh (quê quán Yên Phong, Bắc Ninh) có nhu cầu mua nhà chung cư, Hùng đã dẫn đến xem căn hộ. Anh Vinh đồng ý mua với giá 800 triệu đồng và được Hùng đưa cho bộ giấy tờ giả trên.
Trần Viết Hùng và quyết định truy nã từ tháng 9/2015 của Phòng Cảnh sát kinh tế. |
Anh Vinh về ở nhà mới, còn với anh Thành, cứ 3 tháng 1 lần, Hùng gia hạn hợp đồng thuê và chuyển tiền đều đặn. Khi giao tiền, Hùng rỉ tai anh Thành: “Em đang ghi điểm với sếp nên thuê căn nhà này để cho con sếp ở nhờ. Nếu ai hỏi anh cứ nói đây là nhà của em nhé".
Tháng 3/2014, gian lận của Trần Viết Hùng bị lộ khi anh Vinh có nhu cầu bán căn hộ. Nhiều lần gọi điện thoại, tìm gặp Hùng nhưng không được, anh Vinh đã làm đơn tố cáo đến cơ quan điều tra Công an Hà Nội. Tháng 12/2014, Phòng cảnh sát hình sự đã ra lệnh truy nã đối với Trần Viết Hùng. Tháng 9/2015, Hùng tiếp tục bị Phòng cảnh sát kinh thế ra quyết định truy nã, cùng với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến vụ án khác. “Ôm” 2 quyết định truy nã, Hùng chuồn vào TP HCM.
“Bắt tay” với tội phạm ngoại
Tại TP.HCM, Hùng gặp bạn cũ là Lê Thị Mai Phương (34 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) và nhanh chóng nảy sinh tình cảm. Thông qua 1 người tên là Tuyết “mập”, Hùng và Phương kết nối với nhóm người Nigeria lập thành đường dây lừa đảo chuyên nhắm vào phụ nữ Việt Nam. Từ tháng 12/2015 đến 3/2016, Trần Viết Hùng đã sử dụng giấy tờ giả, lập hàng chục tài khoản ngân hàng và ATM để nhận tiền nạn nhân chuyển vào.
Thủ đoạn của Trần Viết Hùng và nhóm tội phạm ngoại là kết bạn với phụ nữ Việt Nam qua mạng Internet, hứa gửi quà, thậm chí hứa kết hôn, chuyển quyền thừa kế tài sản giá trị. Từ đó, họ dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền để làm thủ tục nhận quà, hay tài sản. Một trong số nạn nhân là Linh, cô gái sống ở Hà Nội, bị lừa mất 6 tỷ đồng.
Lần ấy, chị Linh tham gia mạng xã hội và làm quen với một người đàn ông tự giới thiệu là thương gia Anh quốc. Qua một thời gian tâm tình trên mạng, vị thương gia ngỏ ý muốn gửi quà cho chị Linh. Trước đó, những bức ảnh thùng hàng với điện thoại iPhone 6, mỹ phẩm, đồng hồ đã được vị thương gia gửi cho chị Linh… ngắm.
Quà chưa gửi, vị thương gia chia sẻ với cô gái Hà thành rằng đang có phi vụ làm ăn lớn; nếu thành công, lợi nhuận thu được lên đến hàng trăm triệu USD. Vị thương gia ngỏ lời mời chị Linh tham gia, bằng việc chỉ phải bỏ ra chi phí nhỏ. Không chút nghi ngờ, chị Linh tìm cách gom được gần 300.000 USD để gửi vào tài khoản cho vị doanh nhân. Tuy nhiên kể từ thời điểm ấy, vị doanh nhân cùng số tiền tương đương 6 tỷ đồng đã một đi không trở lại.
Với thủ đoạn tương tự, trong tháng 1 và tháng 2/2016, nhóm của Hùng, Phương và những người Nigeria đã lừa đảo trót lọt, chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng của 1 cô gái ở Đà Nẵng. Tháng 4/2016, lực lượng cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), kết hợp cùng Công an TP.HCM đã khám phá đường dây này.
Theo tài liệu điều tra ban đầu từ cơ quan Công an, tháng 10/2015, Ihugba Augustine Chinonso (29 tuổi, quốc tịch Nigeria) nhập cảnh vào Việt Nam. Thông qua Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (tức Tuyết "mập"), Ihugba gặp Hùng, Phương cùng nhiều người khác, thiết lập đường dây lừa đảo. Ihugba sẽ lên Facebook đóng vai doanh nhân thành đạt. Lê Thị Mai Phương đóng vai nhân viên Hải quan, nhân viên bưu điện liên lạc với các nạn nhân để thông báo đang có bưu phẩm, kiện hàng chờ người đến nhận.
Trần Viết Hùng cùng các nghi phạm làm giả giấy tờ, rồi lập tài khoản ngân hàng để đưa cho Phương dụ nạn nhân chuyển tiền. Từ tháng 12/2015 đến cuối tháng 3/2016, đã có khoảng 80 phụ nữ tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… mắc bẫy lừa với số tiền bị chiếm đoạt lên tới cả chục tỷ đồng.
Theo Zing