Sáng 1/6, TAND tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Ngọc Minh (56 tuổi, tức trùm xã hội đen Minh “Sâm”, ở thị xã Từ Sơn) cùng đồng phạm về tội Cưỡng đoạt tài sản, Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Đồng phạm của ông ta gồm vợ chồng con gái Nguyễn Thu Hằng (24 tuổi) và những đàn em thân thiết.
7h30, HĐXX TAND tỉnh Bắc Ninh bắt đầu làm việc. Sau khi điểm danh sự có mặt, vắng mặt của bị cáo, bị hại và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, thư ký phổ biến nội quy phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Phạm Minh Tuyên. Sau khi đại diện VKSND tỉnh Bắc Ninh công bố xong cáo trạng, bị cáo Nguyễn Ngọc Minh (Giám đốc Công ty TNHH Đại An) bước lên vành móng ngựa đầu tiên.
Theo lời khai của ông trùm này, Công ty TNHH Đại An được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp giấy phép xây dựng chợ Phù Khê Thượng và Phù Khê Đông thuộc thị xã Từ Sơn. Tuy nhiên, Minh vẫn tự ý xây dựng thêm chợ Tiến Bào.
Nguyễn Ngọc Minh và đồng bọn tại tòa. |
Lý giải về điều này, ông ta cho biết Công ty TNHH Đại An được UBND tỉnh giao làm con đường vào khu nhà tưởng niệm cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền trên do đơn vị bỏ ra, tỉnh sẽ thanh toán lại bằng đất.
“Tính đến thời điểm này, tỉnh vẫn chưa thanh toán cho bị cáo một đồng nào. Đất được trả ở khu nào bị cáo cũng không biết cụ thể, chỉ biết quy hoạch ở khu chợ Tiến Bào nên bị cáo mới cho xây thêm chợ này”, Minh khai.
Bị cáo 56 tuổi khẳng định mình không có mục đích cưỡng đoạt tài sản hay đe dọa ai… “Bị cáo chỉ nghĩ là đầu tư xây dựng thì được thu tiền để bù lại số vốn đã bỏ ra. Do bị cáo hiểu biết pháp luật kém, sai đâu thì chịu đấy”.
Nghe vậy, vị chủ tọa giải thích: Thành lập Ban quản lý chợ là đơn vị có thu, tự hoạch toán.Ban quản lý đề ra các loại phí theo quy định nhưng phải được sự cho phép của cơ quan chức năng. Bị cáo tự đặt ra mà không xin phép, không cấp phép của cơ quan chức năng là sai.
Về hành vi chỉ đạo nhân viên đe dọa, ép các bị hại phải nộp lệ phí để vào chợ, phải dỡ hàng tại chỗ quy định…, trùm xã hội đen Minh “Sâm” cho rằng đó chỉ là hành động “giữ đường”.
“Bị cáo kiên quyết không cho ai làm hỏng đường chưa được bàn giao nên mới bảo các cháu không cho xe dừng ngoài đường để bốc dỡ, phải vào chỗ quy định. Cá nhân nào không nghe thì báo cơ quan chức năng đến giải quyết. Nghiêm cấm các cháu không được to tiếng, chửi bới chủ xe, tài xế… Khi vào chợ thì thu theo hợp đồng, phải có phiếu thu, không được thu ở ngoài chợ”, người này khai.
Thế nhưng trên thực tế nhân viên của Minh lại làm khác. Ông ta giải thích: “Đó là do tính khí nóng nảy của các cháu, bị cáo không chỉ đạo. Là người đứng đầu phân công chỉ đạo các cháu làm theo lệnh của mình không được, bị cáo xin chịu trách nhiệm thay họ".
Bị cáo Nguyễn Ngọc Minh. |
Theo tài liệu của cơ quan tố tụng, nếu người nào không nộp phí cho Minh thì không được ra khỏi chợ. Bên cạnh đó họ còn bị đe dọa, gây khó dễ cho việc kinh doanh nên đa số nạn nhân vì mục đích kinh doanh phải làm theo.
Tuy nhiên, tại tòa Minh “Sâm” và đồng bọn bác bỏ những cáo buộc đó. Ông ta cho rằng mức phí chỉ vài triệu là quá rẻ. “Đại đa số người dân ở đó đều chấp hành. Một xe gỗ mấy chục tỷ họ để ở chợ, bị cáo phải thuê hàng chục người trông, thu có mấy triệu thì ăn thua gì ạ”, Minh khai.
Ông ta khẳng định việc phát thẻ vàng là để sắp xếp trật tự trong chợ. “Nếu bị cáo có mục đích cưỡng đoạt tài sản thì việc gì phải cho cả 1 tập đoàn làm. Bị cáo không hề có động cơ. Cái sai của bị cáo là không quản lý sát sao các cháu và do không hiểu biết pháp luật. Xin tòa xem xét cho”.
Trong khi đó, tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Tùng (50 tuổi, ở TP Bắc Ninh, đàn em của Minh “Sâm”) lại khai làm theo chỉ đạo của Minh. Ai không vào chợ sẽ bị đánh đập, đe dọa, cản trở kinh doanh. Thế nhưng ra tòa hôm nay, anh ta lại phủ nhận tất cả.
Tùng khai: “Chỉ được anh Minh giao cho nhiệm vụ vào chợ thu tiền xe ra vào bến bãi, làm hợp đồng thuê, viết phiếu thu… Anh ấy không chỉ đạo gì. Bị cáo cũng không nhớ mình đã khai gì ở cơ quan điều tra”.
11h, HĐXX tạm nghỉ, 14h chiều tiếp tục phần xét hỏi.
Theo cáo trạng, năm 2000, Minh “Sâm” thành lập Công ty TNHH Đại An. Đến năm 2010, công ty này được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp phép làm chủ đầu tư 2 khu chợ Phù Khê Thượng và Phù Khê Đông thuộc địa bàn thị xã Từ Sơn. Sau khi hoàn thành dự án, Minh “Sâm” giao cho vợ chồng Hằng quản lý chợ Phù Khê Đông. Còn chợ Phù Khê Thượng, ông ta giao cho Nguyễn Thành Hưng (63 tuổi, tức Hưng “Sóc”) điều hành. Trước khi cáo trạng được ban hành, Hưng "Sóc" đã chết do mắc bệnh ung thư. Cơ quan chức năng đã đình chỉ điều tra đối với người này. Tài liệu điều tra thể hiện, để có tiền cho Ban Quản lý chợ hoạt động, ông trùm xã hội đen ban hành quy chế về phí, lệ phí lưu bãi đối với các loại xe vào chợ với mức từ 50.000 đến 3 triệu đồng/lần lưu bãi. Ngoài ra, Minh “Sâm” còn chỉ đạo đàn em ép các phương tiện chở gỗ phải vào chợ dỡ hàng để thu phí bốc xếp, bến bãi. Ai chống đối sẽ bị nhóm người này đe dọa, hành hung. Hành vi trên của trùm xã hội đen và đồng bọn chỉ bị phát hiện khi cơ quan chức năng bắt quả tang Nguyễn Hữu Hoàng (25 tuổi), nhân viên của Hằng có hành vi cưỡng đoạt 1,2 triệu đồng của một lái buôn tại chợ gỗ Phù Khê Đông trung tuần tháng 8/2014. Vào cuộc điều tra, Bộ Công an xác định có 12 bị hại từng bị Minh “Sâm” và đàn em cưỡng đoạt tài sản, bắt nộp các loại phí khi vận chuyển gỗ vào các khu chợ do ông trùm này quản lý tổng số tiền 184 triệu đồng. Khám xét nơi ở của các nghi can, cơ quan chức năng còn thu giữ 6 khẩu súng, 1 quả lựu đạn, đao kiếm các loại. |
Theo Zing