Gạ chia đôi tiền bảo hiểm cho công an
Tình tiết bất ngờ này được Trung úy Nguyễn Quang Vũ, điều tra viên Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an quận Bắc Từ Liêm), người trực tiếp điều tra vụ Lý Thị N. thuê người chặt chân tay, tiết lộ.
Theo Trung úy Vũ, quá trình nằm điều trị tại bệnh viện, chị N. khai với các điều tra viên rằng vợ chồng chị có mâu thuẫn, xích mích. Do buồn chán, chị đi lang thang dọc đường sắt từ khu vực phường Xuân Phương về đường 32 thì gặp nạn.
Lý Thị N. viết tường trình tại cơ quan công an. |
Nhiều giả thiết được các điều tra viên đặt ra song đều nhanh chóng bị loại bỏ. Trong khi đó, Lý Thị N. liên tục đề nghị cơ quan công an xác nhận chị bị tai nạn giao thông đường sắt và xác định tỷ lệ thương tật để được thanh toán tiền bảo hiểm của 3 gói bảo hiểm đã mua trước đó của 2 công ty bảo hiểm khác nhau.
Mất nhiều thời gian, công sức, các điều tra viên đã “lật tẩy” được “màn kịch” của người phụ nữ mê lô đề, cờ bạc này.
Theo đó, sau khi thuyết phục được anh Doãn Văn D. (21 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) đồng ý chặt tay, chân giúp mình, chiều 4/5, N. đã cùng thanh niên này đi từ Phúc Thọ về nội thành Hà Nội. Dọc đường, N. mua một con dao.
Hai người thuê nhà nghỉ ở gần khu vực dự định sẽ thực hiện vụ việc. Tại đây, N. viết một giấy nhận nợ anh D. 50 triệu đồng, hẹn 2 tháng sau sẽ thanh toán hết.
Gần nửa đêm hôm đó, hai người đi taxi ra khu vực đường sắt, cùng nhau thực hiện vụ việc ghê rợn. Sau khi được D. giúp chặt chân, tay, chị N. bảo D. trình báo công an xong thì quay lại nhà nghỉ, lấy xe của N. mang về bến xe Mỹ Đình gửi, rồi mang chìa khóa về cho bố mẹ chồng chị này.
Trước khi để D. chặt chân, tay, chị N. đưa cho D. 500 nghìn đồng để trả tiền nhà nghỉ và mua xăng đi đường. Sau khi từ Bệnh viện Việt - Đức về Bệnh viện huyện Phúc Thọ để điều trị, N. gọi điện thoại cho D. bảo vào chơi và đưa tiếp cho D. 500 nghìn đồng nữa.
Một tháng sau đó, N. về nhà ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội) và gọi D. đến, đưa thêm cho D. thêm 2 triệu đồng.
Theo Trung úy Nguyễn Quang Vũ, quá trình cảnh sát điều tra vụ việc, hơn một lần Lý Thị N. đề nghị cơ quan công an “bắt tay” với mình, xác nhận đây là vụ tai nạn đường sắt thông thường nhằm được hưởng quyền lợi bảo hiểm và sẵn sàng chia nửa tổng số tiền bảo hiểm thanh toán. Tuy nhiên, những lần gạ gẫm của người phụ nữ này đều bị các điều tra viên gạt đi.
Có thể khởi tố hình sự?
Từ những điều tra của cơ quan công an, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) - cho rằng, cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố người thuê người khác chặt chân, tay mình về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” dù mục đích chiếm đoạt tài sản chưa thực hiện được.
Theo Trưởng Văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh, Lý Thị N. vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" dù mục đích chiếm đoạt tài sản chưa thực hiện được. |
Luật sư Tuấn phân tích, về nguyên tắc, để xử lý người phạm tội về tội danh trên phải thỏa mãn điều kiện cần và đủ, có hành vi gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Nếu chỉ có hành vi gian dối nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản thì chưa thể cấu thành tội danh này.
Tuy nhiên, trong vụ việc trên, rõ ràng các đối tượng đã thực hiện hành vi gian dối bằng thủ đoạn tự chặt chân, tay mình, dàn dựng một vụ tai nạn giao thông đường sắt, sau đó đến cơ quan công an gần nhất trình báo về vụ tai nạn nhằm mục đích thiết lập hồ sơ vụ tai nạn để trục lợi tiền bảo hiểm.
“Mục đích chiếm đoạt đã được hình thành từ trước (ý chí chủ quan), thể hiện qua hành vi thuê người khác chặt chân, tay mình. Mục đích chiếm đoạt tiền bảo hiểm của người có hành vi phạm tội không đạt được là do khách quan, bị các điều tra viên phát hiện. Ý chí chủ quan của người phạm tội muốn thực hiện đến cùng, việc không thực hiện được đến cùng nằm ngoài mong muốn của người thực hiện hành vi phạm tội.
Theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành, người thực hiện hành vi phạm tội mong muốn thực hiện tội phạm đến cùng nhưng vì lý do khách quan không thực hiện được được coi là phạm tội chưa đạt theo quy định tại Điều 18 Bộ luật Hình sự” - luật sư Tuấn cho hay.
Làm rõ hơn vấn đề này, Trưởng VPLS Bách Gia Luật và Liên danh viện dẫn điểm a, mục 2 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4/8/2000 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong “Phần chung” của Bộ luật Hình sự năm 1999.
Cụ thể, đối với Điều 18 Bộ luật Hình sự, Nghị quyết trên hướng dẫn: “Tội phạm chưa đạt là trường hợp đã bắt đầu cố ý thực hiện tội phạm, nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người tội phạm. Khác với chuẩn bị phạm tội, người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt (bất kỳ tội phạm nào do cố ý)”.
Đối chiếu với vụ việc thuê người chặt chân, tay để trục lợi bảo hiểm, luật sư Tạ Anh Tuấn nhận định, mặc dù chưa đạt được mục đích là chiếm đoạt 3,5 tỷ đồng bảo hiểm nhưng hành vi gian dối đã được thực hiện thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt nên Lý Thị N. vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hiện Công an quận Bắc Từ Liêm vẫn đang xem xét vì hành vi của Lý Thị N. và Doãn Văn D. để có căn cứ xử lý.
Theo Dân Trí