Bên hành lang Quốc hội (QH) ngày 25-10, phóng viên Báo Người Lao Động cùng một số phóng viên có cuộc trao đổi với Thượng tướng Lê Quý Vương, đại biểu QH, Thứ trưởng Bộ Công an.
Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết theo dự kiến, trong tháng 12 tới sẽ đưa ra xét xử vụ án Hà Văn Thắm. Hiện cơ quan điều tra đang hoàn thiện hồ sơ kết luận bổ sung. Thượng tướng Lê Quý Vương đánh giá: “Đây là vụ án rất phức tạp, vụ án điển hình trong hoạt động ngân hàng”.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trả lời báo chí bên hành lang QH sáng 25-10 |
Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết vụ án Hà Văn Thắm là vụ việc có sự tham gia của nhiều người, dưới sự chỉ đạo của một nhóm lợi ích, cá nhân chỉ đạo một nhóm thông qua hoạt động ngân hàng. Trong đó, thủ đoạn chính là lập các công ty con dưới danh nghĩa là công ty lớn, có quy mô trên thị trường, chuyển tiền lòng vòng giữa công ty này, công ty kia, mua bán bất động sản…
Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng nguy hiểm nhất là các công ty này đầu tư không đúng với hoạt động của doanh nghiệp, trái ngành nghề, dễ dẫn đến sụp đổ. “Một đặc điểm của hệ thống ngân hàng Việt Nam là huy động tiền gửi từ người dân theo kỳ hạn, không kỳ hạn, nhưng ngân hàng lại dùng tiền đó cho các công ty, tổ chức vay đầu tư theo dài hạn. Lấy tiền ngắn hạn để đầu tư dài hạn là rất rủi ro. Đây là điểm bất cập trong hệ thống ngân hàng” - ông Vương nhìn nhận.
Theo Thượng tướng Vương, ở các nước phát triển, họ tập trung vào thị trường chứng khoán, phát triển trái phiếu, cổ phiếu… Tất cả giao dịch trên sàn chứng khoán là huy động nguồn tiền theo thị trường. Còn Việt Nam, ngân hàng cứ nhăm nhăm tiền của dân. “Ở Nhật, tiền gửi ngân hàng có lãi suất bằng 0, thậm chí anh còn phải bỏ phí nhờ giữ hộ, bảo vệ tiền, còn Việt Nam, ngân hàng phải trả lãi cho khách hàng” - ông dẫn chứng.
Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết các cấp có thẩm quyền đã và đang tiếp tục chỉ đạo nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn: “Từ thực tế này, nảy sinh ra hàng loạt thao tác ngân hàng như thẩm định, thế chấp, nhất là bất động sản, lúc lên lúc xuống, đầu tư lớn nhưng dòng tiền ứ đọng, phát sinh lãi lớn, dẫn đến nợ xấu, không có khả năng trả nợ… Do đó, cần đổi mới mô hình quản lý hệ thống ngân hàng” - ông nói.
Trước câu hỏi trong một thời gian ngắn, một loạt lãnh đạo ngân hàng dính vào vòng lao lý, Bộ Công an có kiến nghị gì không để lập lại trật tự hệ thống ngân hàng?”, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết về vấn đề này, Chính phủ đã họp nhiều lần, bàn rất kỹ, Bộ Chính trị cũng đã lắng nghe báo cáo…
Ngân hàng Nhà nước hiện đang soạn đề án lớn tái cơ cấu ngân hàng, tập trung vào các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, sắp xếp các ngân hàng cổ phần nhỏ, cố gắng ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ, theo hướng phát triển thị trường chứng khoán, các công ty mua bán tài chính. Bởi thị trường chứng khoán Việt Nam còn mỏng manh. Bên cạnh đó tìm ra giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động gửi tiền - cho vay.
Vụ Hà Văn Thắm đang kết luận giai đoạn hai, đã bắt thêm 1 số đối tượng. Cơ quan công an sẽ làm triệt để, không có vùng cấm trong các vụ án hình sự, nhất là các đại án.
Thượng tướng Vương cũng cho biết khó khăn của các án liên quan tới ngân hàng là một ngân hàng dù nhỏ nhưng "phạm vi bán kính" rất rộng, cần phải chứng minh từ chủ trương của HĐQT, lãnh đạo, cho tới các công ty con. “Không chỉ mấy trang hồ sơ, mà hàng tạ hồ sơ, như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, cơ quan công an phải chuyển mấy tạ hồ sơ để tòa án nghiên cứu” - ông dẫn chứng.
Theo NLĐ