Cận cảnh một buổi 'đập đá' ở TP.HCM

Thứ năm, 01/12/2016, 09:04
Khi nhạc nhỏ, vừa đủ nghe được bật lên, quạt điện bị bấm nút tắt, Thành giải thích: “Đập đá không cần nhạc mạnh, phải chuẩn bị nhiều nước uống để khó ngáo”.

Trong những lần theo chân, chứng kiến người nghiện “đập đá”, họ luôn “rót” vào tai chúng tôi là hàng đá không nghiện. Thế nhưng thực tế là họ đang bị lệ thuộc vào ma túy đá… Có tay chơi trải lòng với chúng tôi về cảm giác khi bị ngáo.

Bỏ "gạo" chuyển sang "nước"

“Đa số người đang cai nghiện hoặc đã cai mà gặp bạn bè, thậm chí người lạ rủ rê “đập đá”, ít ai cưỡng lại được”, Thành (tên đã được đổi), một tay chơi có thâm niên nghiện heroin 10 năm, khái quát.

Chúng tôi theo chân Thành đến một con hẻm trên đường Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh. Vừa đến đầu hẻm, một nhóm người đang đứng túm tụm nhìn xoáy vào chúng tôi rồi hỏi: “Anh Thành hả?”. Cả hai nhận ra nhau vì từng là bạn… cai nghiện ở Trung tâm Cai nghiện Nhị Xuân (huyện Hóc Môn).

Khi biết là người quen, một người đàn ông hất hàm hỏi nhỏ: “Gạo” (heroin) hay “nước” (ma túy đá)? Thành chậm rãi: “Nước” thôi, “gạo” bỏ rồi. Cả nhóm im lặng đứng đợi.

Là người lạ ở khu vực, Thành đưa tiền cho người bạn cai nghiện và người này không quên “tiếp thị”: “Anh sẽ không thể nào tìm thấy chỗ nào rẻ và chất lượng hơn ở đây”.

Có hai bịch hàng (loại số 3), Thành rẽ vào nhà một người tên N. từng đi cai nghiện chung ở quận Bình Thạnh, báo cho anh này chuẩn bị nỏ (thứ dùng để chơi hàng đá) để hôm sau đi đập.

Ba người trong nhóm của Thành đang “đập đá” trong một căn phòng ở Hóc Môn.

“Tao từng chơi “nước” lúc xuống Cần Thơ. “Đập đá” một mình ở khách sạn dễ ngáo lắm. Ngày đó đợi bạn lâu quá tao đập nguyên chiều, đến tối thì ngáo. Thấy trước mắt toàn bào thai trẻ con nên phá khách sạn...”, N. kể.

Cận cảnh buổi "nhập tiệc"

Hôm sau, Thành không rẽ vào nhà N. vì “nước” quá ít mà chạy thẳng xuống Hóc Môn rủ hai người khác góp hàng chơi chung. Nam thanh niên tên T. dù đang cai nghiện ma túy nhưng khi nghe Thành rủ liền chạy đến một con hẻm trên đường Trịnh Thị Miếng (xã Thới Tam Thôn) và nhanh chóng quay về với một bịch hàng (giá 500.000 đồng) để chuẩn bị cho ba người.

Trong một căn phòng, cả nhóm xúm lại chế kim hỏa (loại kim tiêm, gắn vào bật lửa dùng làm đồ chơi hàng đá).

Nhạc nhỏ, vừa đủ nghe được bật lên, quạt điện bị bấm nút tắt. “Đập đá không cần nhạc mạnh, phải chuẩn bị nhiều nước uống để khó ngáo”, Thành giải thích.

Cả nhóm xúm quanh dụng cụ chơi hàng đá được chế từ chiếc nỏ thủy tinh gắn vào chai nhựa. Thứ hàng trắng được cho vào nỏ, lửa từ quẹt gas giữ liên tục và ba thanh niên chuyền tay nhau đốt thứ tinh chất màu trắng trong nỏ thủy tinh thành làn khói đục, thay nhau rít lọc sọc.

“Chơi thử đi, mình làm chủ nó chứ nó không làm chủ được mình…”, cả nhóm rủ rê nhưng chúng tôi từ chối.

Người bạn từng cai nghiện chung với Thành vừa phà khói vừa giải thích: “Hàng đá không ngáo, không nghiện đâu, tôi chưa ngáo bao giờ”.

Trong vòng hai giờ, cả nhóm ba người đập hết bịch hàng và cả ba nhễ nhại mồ hôi, cười, tranh nhau nói… Trên đường về, Thành và bạn phóng xe vun vút.

Người nghiện giải thích về ngáo đá

Thành giảng giải: Say ma túy đá có nhiều cấp độ. Chỉ cần “độp” vài bi là thấy hưng phấn ngay, sau đó là rơi vào các cấp độ ngáo.

Theo Thành, từ chỉ trạng thái ngáo thấp nhất mà dân “đập đá” sử dụng là “dính”. Khi rơi vào trạng thái này, người ngáo sẽ lặp đi lặp lại một việc như tháo ra, lắp vào một vật nào đó mà không có chủ đích.

Kế đến là “cũn”, lúc này nếu ai dẫn dắt, nói những lời kích động là họ dễ dàng làm theo ngay, tin những chuyện không có thật.

Cấp độ thứ ba là “cháy”. Lúc này người sử dụng ma túy đá gần như rơi vào ảo giác nhưng vẫn có thể kiềm chế được. Nếu ra đường, họ sẽ dắt xe chạy vòng vòng, nói năng lung tung, hành động kỳ lạ. Trạng thái “cháy” sẽ dễ dàng chuyển sang ngáo, ảo giác, ảo thanh xuất hiện liên tục.

“Không có chuyện nhìn người khác thành quái vật, rắn rết mà lúc đó họ nghi ngờ mọi thứ. Thấy ai gãi lưng là nghĩ họ đang rút dao đâm mình nên phải ra tay trước. Cũng có khi nghe bên tai ai đó nói là phải làm thế này thế khác (ảo thanh) và họ hành động theo. Người ngáo luôn thấy nóng bức nên khi ở trên cao thì nghĩ đang cháy phía dưới nên nhảy để thoát thân. Thấy người đi đông, họ nghĩ là lũ lụt hoặc đang đuổi đánh nên bỏ chạy, leo lên cao tránh lũ", Thành giải thích.

Ma túy đá gây nghiện mạnh, chưa có thuốc cai

Bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Hà Nội): Ma túy đá là chất gây nghiện nguy hiểm và mạnh, tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương trong thời gian rất ngắn (3-5 phút sau khi sử dụng), tạo cảm giác hưng phấn, tỉnh táo, khỏe khoắn và tăng ham muốn tình dục. Sau một vài lần sử dụng, nếu ngưng sẽ mệt mỏi, chán nản, tâm lý bất an, bồn chồn, lo lắng, dễ tức giận, nổi cáu… dấu hiệu ban đầu của chuyện bị nghiện.

Nghiện ma túy tổng hợp khác với heroin. Người nghiện heroin, thuốc phiện nếu không có thuốc sẽ vật vã, chảy nước mắt, ngáp, cảm giác dòi bò trong xương... còn người sử dụng ma túy đá khi không sử dụng sẽ không bị những trạng thái như vậy nên họ lầm tưởng là chuyển sang sử dụng ma túy đá sẽ cai heroin.

Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm vì ma túy đá gây nghiện mạnh, làm suy kiệt, loạn thần, mất kiểm soát hành vi vì nó tác động trực tiếp vào não bộ.

Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó trưởng phòng Đấu tranh tội phạm tiền chất và ma túy tổng hợp, Cục C47 (Bộ Công an): Ma túy tổng hợp dần thay thế các loại ma túy truyền thống (thuốc phiện, heroin…) vì dễ vận chuyển, sử dụng, lợi nhuận cao, tác động kích thích nhanh và tác hại với người sử dụng và xã hội rất kinh khủng. Loại ma túy du nhập này đang xâm nhập mạnh vào lớp trẻ, học sinh, sinh viên...

Ma túy tổng hợp gây nghiện mạnh nhưng đến thời điểm này Việt Nam chưa có bài thuốc cai nghiện ma túy tổng hợp, thế giới cũng chưa có. Người nghiện ma túy đá chỉ chữa trị ở bệnh viện tâm thần. Tại đây, các bác sĩ sẽ động viên, cho họ uống thuốc an thần. Do chưa có thuốc hỗ trợ cai nghiện nên từ bỏ ma túy đá rất khó.

Theo Zing

Các tin cũ hơn