Ký ức kinh hoàng của người đàn bà trở về sau 21 năm bị bán sang TQ

Thứ năm, 01/12/2016, 11:06
Khi đang còn là một thiếu nữ, chị Th bị dụ dỗ và lừa bán sang Trung Quốc để trở thành vợ của một người đàn ông trung niên. Hơn 20 năm trôi qua, sau khi “chồng hờ” qua đời, chị tìm cách bỏ trốn và rời xứ người với 4 đứa con.

Chị Th cùng người con gái thứ 2 kể về cuộc lưu lạc nơi xứ người

Đó là hoàn cảnh của chị Tô Thị Th (SN 1973, trú xã Đông Lĩnh, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) sau 21 năm lưu lạc và làm vợ “không hôn thú” với một người đàn ông Trung Quốc.

Chuyến đi định mệnh…

Có mặt tại nhà anh Tô Đình Nghĩa (em trai chị Th., ngụ địa chỉ trên), phóng viên không khỏi xúc động trước hoàn cảnh của chị Th. Bốn người con chị mang theo về cứ thấy người lạ là tỏ ra ái ngại, không muốn tiếp xúc.

Chị Th cho biết, chúng (4 đứa con) e dè vì lo lắng người lạ đến bắt mấy mẹ con trở lại Trung Quốc, trở lại cái nơi mà chị và các con đã chịu biết bao khổ cực, đọa đầy.

Sau khi biết chúng tôi là phóng viên, muốn tìm hiểu thông tin về hoản cảnh của gia đình, chị nhẹ nhàng rót chén trà nóng và có phần bớt căng thẳng. Chị Th kể về quá khứ của mình.

Năm 1995, khi tuổi mười tám đôi mươi, tôi cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, hăng say sản xuất, năng nổ tham gia các hoạt động tại địa phương. Đến tháng 2/1995, tôi được một người bạn tên H, cùng quê rủ lên Lạng Sơn đi hái chè thuê. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định đi cùng bạn để kiếm thêm chút tiền phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, khi đặt chân đến Lạng Sơn và được đưa qua cửa khẩu sang Trung Quốc tôi mới biết mình bị lừa bán. Dù vậy, nhưng không còn cách nào để trốn thoát vì luôn bị giám sát, quản thúc.

Từ cửa khẩu tôi được đưa vào sâu trong nội địa Trung Quốc, đến xã Ruần Nần, huyện Reèng Coóng (Reèng Sắn), tỉnh Quảng Đông. Tại đây, tôi được gả bán cho một người dân tộc Hán, sinh năm 1958 để làm vợ.

Khi bị buộc làm vợ một người xa lạ, ngôn ngữ bất đồng, sống trong vùng rừng sâu, lại bị gia đình nhà chồng quản thúc gắt gao nên nhiều khi như kẻ “mất hồn”. Vào mỗi buổi sáng tôi phải dậy sớm lo nấu nướng sau đó mang cơm đi làm rẫy, chiều muộn mới về. Trong cuộc sống, hễ việc nào không vừa ý là bị chồng “thượng cảng tay, hạ cảng chân”, trút những trận đòn roi thậm tệ. chị Th nhớ lại.

Đã không biết bao nhiêu lần cùng quẫn, tìm cách bỏ trốn nhưng bất thành. Lần đầu tiên bỏ trốn là lúc đứa con trai đầu lòng mới được mấy tháng tuổi (năm 1996). Khi đó, tôi âm thầm bế con đi bộ băng rừng trốn khỏi nhà. Tuy nhiên, khi vừa đến bến xe thì chồng và gia đình đuổi kịp bắt lại. Đưa về nhà, tôi bị đánh một trân “thập tử nhất sinh”.

Tuy vậy, nhưng ý định bỏ trốn vẫn được nung nấu. Năm 1999, tôi lại bỏ trốn khi đứa con thứ 2 được 1 tuổi, nhưng rồi lại bị bắt lại. Cách đây 8 năm, chồng lâm bệnh qua đời, tôi đã ấp ủ đưa cả 4 đứa con trở về Việt Nam nhưng khi đó biết lấy tiền đâu, đường xá xa xôi và đặc biệt hơn là họ hàng bên chồng không cho rời khỏi địa phương.

Đến đầu tháng 9/2016, cả 5 mẹ con đã quyết định và bỏ trốn trong đêm. Chúng tôi phải đi bộ hơn 30km đường rừng sau đó bắt xe về huyện Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây rồi đi thuyền vượt biên về Việt Nam. Chị Th cho biết.

Ngôi nhà của em trai chị Th, nơi cả 5 mẹ con đang nương nhờ

...và ngày trở về đầy trăn trở.

Ngày hay tin mẹ con chị Th trở về địa phương, anh em, hàng xóm xúm lại vui vầy. Ai cũng thương cảm trước hoàn cảnh của chị Th sau bao năm xa cách. Họ bất ngờ trước 4 đứa con của chị, chẳng đứa nào nói được tiếng Việt. Bù lại mọi người đều phấn khởi khi thấy đứa nào cũng dễ mến và mẹ con xum vầy.

Hiện tại 5 mẹ con chị Th đang ở nhờ trong ngôi nhà của người em trai đi làm ăn xa, việc sinh hoạt ăn uống đang được anh em họ hàng và bà con chòm xóm giúp đỡ. “So với cuộc sống bên Trung Quốc, cuộc sống của mẹ con tôi ở Việt Nam đỡ vất bả hơn bội phần. Tôi đã làm đơn xin khôi phục lại hộ khẩu và xin nhập quốc tịch cho các con để chúng nó có tên tuổi, danh phận. Các con tôi cũng mong muốn được ở lại đây” – bà Th nói.

Theo ông Lê Đình Quang - Phó trưởng công an xã Đông Lĩnh cho biết, ngày 7/9, địa phương nhận được thông tin từ công an viên báo lên có chị Tô Thị Th trở về cùng với 4 người con. Sau khi xác minh được biết, chị Th trước kia là người địa phương, tuy nhiên, kể từ 1995 đã không còn ở địa phương. Theo tường trình của chị Th thì khoảng thời gian đó chị bị lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ một người đàn ông trung niên. Sau đó sinh được 4 người con, đứa lớn nay 20 tuổi, đứa nhỏ 12 tuổi. Ông Quang nói.

Ông Quang cho biết thêm, hiện xã cũng đang khôi phục lại hộ khẩu cho chị Th để từ đó làm các giấy tờ tùy thân. Riêng về 4 người con của chị Th (mới được đặt tên theo tiếng Việt thứ tự là; Tô Bình, Tô Lan, Tô Thìn và Tô Hà), do các cháu không có bất kể giấy tờ tùy thân nào và có 2 người đã quá 18 tuổi, nên vượt quá thầm quyền và đã báo cáo cơ quan cấp trên. Phía Công an Tp.Thanh Hóa và Công an tỉnh Thanh Hóa cũng nhiều lần về điều tra, xác minh để có kết luận cụ thể.

Trở về địa phương được gần 4 thánh nay, cuộc sống của 5 mẹ con chị Th gặp khá nhiều khó khăn. Hằng ngày chị Th phải bươn chải công việc đồng ruộng hoặc ai thuê gì làm nấy. Bốn người con chị Th, do không biết tiếng Việt nên thường quanh quẩn ở nhà, một người hàng xóm cho hay.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn