Công an nói về việc cô dâu chú rể bị 'giam lỏng'

Thứ năm, 12/01/2017, 08:32
Phó đội tổng hợp Công an quận Tân Phú (TP.HCM), khẳng định với Zing.vn cấp dưới đã làm đúng và cho rằng nhà hàng không có dấu hiệu giữ người trái pháp luật.

Xung quanh việc dư luận cho rằng Công an phường Hòa Thạnh chưa làm tròn trách nhiệm trong vụ vợ chồng anh Nguyễn Thành Tín tố bị nhà hàng Melisa “giam lỏng”, ông Vũ Quang Hùng, Phó đội tổng hợp Công an quận Tân Phú, TP.HCM khẳng định cấp dưới đã làm đúng.

Phó đội tổng hợp Công an quận Tân Phú cho biết khi nhận được tin báo của nhà hàng Melisa về việc khách không chịu thanh toán hợp đồng, lãnh đạo công an phường đã cử cán bộ xuống hiện trường.

Khi cán bộ xuống nhà hàng, họ thấy sự việc không có dấu hiệu vi phạm các nghị định về gây rối an ninh trật tự như đánh nhau nên công an phường đã đứng ra hòa giải, hướng dẫn 2 bên phương án xử lý. Hai bên đã thương lượng và thống nhất được hướng xử lý. Cụ thể là vợ chồng anh Tín đã trả tiền cho nhà hàng.

Công an phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú (TP.HCM) nói chuyện với vợ chồng anh Tín. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trước việc gia đình anh Tín tố giác bị “giam lỏng”, ông Hùng khẳng định chưa đủ yếu tố cấu thành hành vi này.

"Sau khi hết khách, nhà hàng kéo cửa cổng cao 1,2m lại để ngưng cho xe ở ngoài chạy vào. Vì khuôn viên nhà hàng rộng, họ phải có phương án bảo vệ, còn vợ chồng anh Tín muốn ra thì bảo vệ mở cửa cho ra", ông Hùng lý giải.

Phó đội tổng hợp Công an quận Tân Phú nói thêm khi công an phường tới vẫn thấy 2 bên ngồi thương lượng với nhau tại văn phòng, không có dấu hiệu dùng vũ lực, đe dọa bắt buộc vợ chồng anh Tín phải ở đó và nhà hàng không khóa hay đóng cửa.

Ông Hùng thông tin, trước đó, khi khách không chịu thanh toán hợp đồng, quản lý nhà hàng trực tiếp gọi điện cho công an phường để mời công an xuống giải quyết. Công an phường tiếp nhận thông tin từ chủ cơ sở không phải là từ phía vợ chồng anh Tín gọi xuống yêu cầu giải quyết.

Cũng theo ông Hùng, khi công an phường xuống làm việc, vợ chồng anh Tín cũng không có ý kiến gì yêu cầu công an phường phải giải quyết. Họ chỉ thắc mắc, nhà hàng không cử đại diện qua trao đổi làm việc.

Theo nguyên tắc kinh doanh của nhà hàng thì đã có quản lý làm việc với khách, không nhất thiết tổng giám đốc cũng phải xuống giải quyết. Đó là nguyên tắc làm việc của nhà hàng và công an không thể can thiệp được.

Anh Tín cùng vợ đã có một đêm tân hôn không thể nào quên. Ảnh: Lê Trai.

“Tôi xác nhận là công an phường đã làm hết chức trách nhiệm vụ. Bằng chứng là nó không xảy ra vấn đề gì phức tạp. Chỉ là thỏa thuận giữa nhà hàng và vợ chồng anh Tín. Phía khách hàng thì chưa vừa ý với cách phục vụ còn nhà hàng thì đã hoàn thành hợp đồng kinh tế”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho rằng khách hàng ở lại nhà hàng hơn 7 tiếng để tranh luận về phương án trả tiền và cách phục vụ. Hai bên tranh luận với nhau kéo dài thời gian chứ nhà hàng không giữ.

"Giữ thì phải có hành vi đe dọa, khống chế, bắt buộc, ép buộc khách phải ở đó, còn ở đây là vợ chồng anh Tín muốn ngồi chờ để gặp ban giám đốc ra làm việc", Phó đội tổng hợp Công an quận Tân Phú nhấn mạnh.

Ông Hùng đề xuất phương án khi khách hàng không thỏa mãn với hợp đồng, cách phục vụ của nhà hàng thì có thể gửi đơn ra tòa kiện nhà hàng vi phạm hợp đồng kinh tế.

Trước đó, trả lời Zing.vn, luật sư Nguyễn Văn Điệp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng nếu Công an phường Hòa Thạnh cho rằng vụ việc trên là dân sự thì họ chưa làm tròn trách nhiệm.

Luật sư Điệp nêu giả thuyết, sau 2 lần cán bộ công an phường đến nhà hàng và để mặc người dân bị “giam lỏng” suốt cả đêm, nếu khi cảnh sát ra về, giữa 2 bên xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến cự cãi và đánh nhau sẽ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

“Công an có cơ hội để giải quyết vụ việc mà không giải quyết, nếu không may các bên xô xát, ẩu đả rồi mới giải quyết thì chưa làm tròn trách nhiệm”, luật sư Điệp nhấn mạnh.

Trong khi đó, luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết trường hợp nếu cô dâu chú rể không thanh toán tiền thì nhà hàng có thể yêu cầu họ thanh toán hoặc có thể khởi kiện ra toà án. Hành vi "giam lỏng" của nhà hàng là không được phép, có dấu hiệu vi phạm vào Điều 123 Luật Hình sự 1999 sửa đổi năm 2009.

Theo Zing

Các tin cũ hơn