TAND TP.Hà Nội vừa tiếp nhận giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị truy tố, xét xử oan của bà Mai Thị Khánh (68 tuổi, trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Bà Khánh từng là bị can trong vụ án oan “trộm cước viễn thông” mà báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh nhiều năm qua.
Vướng lao lý vì cho thuê phòng
Cuối năm 1999, Chan Yiu Wah Bosco (quốc tịch Anh) lấy danh nghĩa là đại diện Công ty Trans Pacific (Đài Loan) ký với Công ty Cổ phần Hữu Nghị (do bà Khánh làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc) hợp đồng thuê tám phòng ngủ của khách sạn Hữu Nghị giá 2.000 USD/tháng.
Sau khi tới ở, Bosco nhờ và được Công ty Hữu Nghị đồng ý ký hợp đồng thuê bao 24 số máy điện thoại đặt tại các phòng cho thuê và đề nghị được lắp một ăngten parabol để nhân viên của Bosco xem bóng đá quốc tế. Thời điểm này, Công ty Hữu Nghị không hề biết về mục đích thực sự của Bosco.
Đầu năm 2000, Bosco còn sử dụng sáu phòng tại số 4 Trần Hưng Đạo của Công ty Cổ phần Sông Hồng do ông Trần Văn Tiến, cán bộ VKSND TP.Hải Phòng, đứng ra thuê phòng. Với sự giúp đỡ của ông Tiến và một người khách, Bosco đã lắp đặt ăngten parabol cùng một số thiết bị kỹ thuật khác tạo thành một trạm truyền dẫn tín hiệu viễn thông, kết nối với các số điện thoại thuê bao của Bưu điện Hà Nội.
Tháng 5/2000, cơ quan chức năng phát hiện hai trạm thu phát tín hiệu vệ tinh do Bosco lập nhưng Bosco đã nhanh chân chuồn khỏi Việt Nam.
Sau khi Bosco bỏ trốn, cơ quan điều tra đã khởi tố một loạt cá nhân có liên quan, trong đó có bà Khánh về tội trộm cắp tài sản. Bà bị cho là đồng phạm với Bosco vì đã cho đối tượng lắp đặt ăngten parabol, phải chịu trách nhiệm đối với số tiền cước điện thoại ước tính khoảng 1 triệu USD.
Bà Mai Thị Khánh (cuối bàn) cùng các cán bộ khách sạn Hữu Nghị đồng hành kêu oan 14 năm qua. |
Đình chỉ, tuyên bố vô tội sau nhiều phiên tòa
Theo đơn của bà Khánh, ngày 21/3/2001, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố bà với tội danh trộm cắp tài sản. Sau đó VKSND tối cao truy tố bà về tội danh trên. Đến tháng 4/2008, TAND TP.Hà Nội xử sơ thẩm tuyên phạt bà Khánh 12 năm tù về tội trộm cắp tài sản.
Bà Khánh kháng cáo. Ngày 3/12/2008, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại vì chưa đủ chứng cứ để buộc tội.
Ngày 5/10/2011, TAND TP.Hà Nội tuyên bà Khánh không phạm tội trộm cắp tài sản nhưng tuyên phạt 30 tháng tù về tội không tố giác tội phạm. Sau đó Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội cũng giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tiếp đó, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm, tuyên hủy bản án phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội.
Xử phúc thẩm lại vào ngày 26/12/2014, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã công nhận tòa sơ thẩm tuyên bà Khánh không phạm tội trộm cắp tài sản là có căn cứ. Đồng thời, tòa này tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm liên quan đến việc kết án bà Khánh về tội không tố giác tội phạm và quyết định đình chỉ vụ án này.
Nhận đơn hơn một tháng nhưng chưa mời làm việc
Bà Khánh cho biết gần 14 năm với nhiều phiên tòa, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, truy tố, xét xử oan đối với bà về tội trộm cắp tài sản nên phải có trách nhiệm bồi thường.
Theo bà tính toán, từ khi bị khởi tố bị can ngày 21/3/2001 đến ngày 26/12/2014, bà bị khởi tố, truy tố, xét xử oan 5.028 ngày. Căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn, bà Khánh đề nghị được bồi thường thiệt hại tổng cộng 5 tỷ đồng.
Bà Khánh cho biết việc đòi bồi thường chắc chắn sẽ không dễ dàng. “TAND TP.Hà Nội đã ký giấy tiếp nhận đơn của tôi hơn một tháng nay nhưng chưa liên hệ, thông báo gì về việc thụ lý cả” - bà Khánh nói.
Gần hết thời hiệu mới yêu cầu bồi thường
Được biết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại được bà Khánh gửi tới TAND TP.Hà Nội chỉ ba ngày trước khi hết thời hiệu khởi kiện (hai năm) mà Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM về lý do gửi đơn “sát nút”, bà Khánh nói: “Vô phúc đáo tụng đình 14 năm trời, đủ thang bậc kêu oan, kêu cứu, tôi thấy các cơ quan tố tụng không thực lòng sửa sai, thậm chí có ý né bồi thường. Cuối cùng, gia đình khuyên tôi khởi kiện. Kiện để khẳng định mình oan thật, có bị thiệt hại và để thực thi quyền đòi bồi thường như luật định”.
Theo Pháp Luật TP.HCM