Vụ đâm chém nhau loạn xạ ở TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cách đây vài ngày gây chấn động dư luận. Trong 2 nhóm ngang nhiên dàn trận thư hùng, khá nhiều đối tượng còn đang tuổi học trò.
“Ai ngờ nó manh động vậy!”
Vụ hỗn chiến diễn ra lúc 21 giờ ngày 11-2 trên đường Võ Thị Sáu, TP Biên Hòa. Đến giờ, nhiều người chứng kiến vụ việc vẫn còn khiếp sợ. Bà H., chủ một quán ăn gần hiện trường vụ hỗn chiến, nhớ lại: “Tôi đang ở trong quán thì nghe tiếng la hét, chửi bới. Chạy ra xem thì thấy hàng chục người vác dao rượt đuổi, đâm chém loạn xạ. Không biết lý do gì mà họ tàn sát nhau đến vậy”. Ông B. - 60 tuổi, nhà ở cạnh hiện trường - là người sai con gọi điện báo Cảnh sát 113 khi sự việc xảy ra.
Ông lo lắng: “Chúng nó quá manh động, coi thường pháp luật”. Còn anh N., hàng xóm của ông B., cho biết những đối tượng này chém nhau như chốn không người, không ai dám can ngăn. “Đến giờ, tôi vẫn còn rùng mình khi nhớ lại cảnh 2 đối tượng bị chém tới tấp đến khi đổ gục xuống đường” - anh N. nói.
Một đối tượng trong vụ hỗn chiến trên đường Võ Thị Sáu, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị công an tạm giữ cùng những tang vật |
Sau vụ việc, lực lượng chức năng thu giữ tại hiện trường 5 cây kiếm, mã tấu. Hai đối tượng bị chém trọng thương được đưa vào bệnh viện cấp cứu, một đối tượng 17 tuổi bị Công an TP Biên Hòa tạm giữ. Vài phút sau khi công an đưa đối tượng này về trụ sở, những người trong gia đình cũng tới nơi. “Khổ lắm chú à, tưởng nó đi chơi với bạn bè, ai ngờ chém người. Con tôi mới lớn, ai ngờ nó manh động vậy” - người cha buồn rầu.
Đoạt mạng vì mâu thuẫn nhỏ
Các vụ hỗn chiến gây mất an ninh, trật tự xã hội như trên có dấu hiệu rộ lên ở nhiều địa phương trong thời gian gần đây.
Huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định vốn là nơi bình yên bao lâu nay bỗng bị xáo trộn nghiêm trọng bởi vụ truy sát xảy ra vào chiều 29-1 (mùng 2 Tết). Do mâu thuẫn trong sòng bài, Phan Thanh Duy (ngụ TP Quy Nhơn) và Nguyễn Văn Thiện (ngụ thị trấn Vân Canh) hẹn địa điểm chém nhau. Duy về TP.Quy Nhơn huy động 20 thanh niên, thuê 3 ôtô trở lại thị trấn Vân Canh tìm nhóm của Thiện. Do công an xuất hiện nên nhóm của Thiện bỏ chạy.
Trên đường về, thấy 2 thanh niên chạy xe máy qua mặt, đang còn hăng máu, Duy và đồng bọn rượt đuổi. Một trong 2 thanh niên là anh Lê Văn Lý (ngụ thị trấn Vân Canh) bị chém trọng thương. Về vụ việc này, một cán bộ Công an huyện Vân Canh nói ông không ngờ chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ, thậm chí lý do vô cớ, mà giới trẻ sẵn sàng chém, đoạt mạng người khác.
Trên thực tế, rất nhiều vụ hỗn chiến, truy sát gây kinh động dư luận thời gian vừa qua xuất phát từ những mâu thuẫn, lý do không đáng như thế.
Tại TP.HCM, Cơ quan CSĐT Công an TP đang điều tra bị can Lê Chấn Hiệp (ngụ quận 8) về hành vi “Giết người”. Rạng sáng 28-1, Hiệp ngồi uống bia với nhóm bạn tại một quán nhậu ở quận 8. Sau đó, một người tên Ngô Hồng Sang đi ngang bàn nhậu của Hiệp, chỉ tay nói: “Khi nãy, thằng nào kênh tao. Đụng vào tao là đổ máu”. Nói xong, Sang lên xe bỏ đi. “Máu nóng” nổi lên, Hiệp rủ cả nhóm mang mã tấu đi tìm Sang. Hậu quả, Sang bị đánh gục trước một con hẻm trên đường Bình Đông, quận 8 cùng với nhiều vết chém vào đầu, đứt lìa tay.
Truy sát tận cùng
Không chỉ đánh nhau vì mâu thuẫn nhỏ mà giới trẻ còn truy sát tận cùng, không buông tha đối thủ. Bệnh viện trở thành nơi bất an vì hàng loạt vụ truy sát kiểu này.
Camera của Bệnh viện huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai ngày 23-10-2016 ghi lại cảnh tượng khiếp hãi. Hàng chục thanh niên tay cầm dao, kiếm lao vào tận khuôn viên bệnh viện, phòng cấp cứu để truy sát nạn nhân. Theo kết quả điều tra của công an, một nhóm 16 thanh niên ăn nhậu rồi nảy sinh mâu thuẫn, chia thành 2 phe đánh nhau. Sau đó, 3 người bị thương nặng được đưa vào Bệnh viện huyện Xuân Lộc cấp cứu. Phe bên kia không buông tha, huy động thêm 20 người kéo vào tận bệnh viện để truy sát.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, vừa qua cũng xảy ra một số vụ truy sát kinh hoàng. Gần đây nhất, 3 thanh niên cầm mã tấu xông thẳng vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi chém trọng thương anh Trần Anh T. (ngụ phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi). Trước đó, chỉ vì lời qua tiếng lại, anh Nguyên D. bị 3 thanh niên này đánh gây thương tích. Anh T. đưa anh D. vào bệnh viện cấp cứu và vô cớ bị chém.
Tại Quảng Bình, rạng sáng 21-12-2016, xuất phát từ việc tranh giành hành khách, Đỗ Đức Nam (quản lý nhà xe Cố Hương) dẫn theo nhóm 30 người đi đánh nhau với nhóm của Trần Hùng Cường (nhà xe Hưng Long). Cường và một số người khác bị đánh trọng thương, cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới. Nhóm của Nam không buông tha, mang tuýp sắt vào bệnh viện đánh tiếp. Trong vụ việc này, Cường tử vong, 3 người bị thương nặng. Qua điều tra, công an đã bắt 8 đối tượng, trong đó khởi tố 4 đối tượng về tội “Giết người” và “Gây rối trật tự công cộng”.
Vấn nạn mới Ông Phạm Ngọc Lân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, thừa nhận tình trạng côn đồ vào bệnh viện truy sát, gây rối thường xảy ra. Các đối tượng này rất manh động, sẵn sàng chống trả, đánh đập bảo vệ nếu ngăn cản. Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Đoàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, sau khi xảy ra vụ truy sát vừa qua, đội ngũ y - bác sĩ của bệnh viện rất hoang mang. Cũng từ vụ việc này, bệnh viện đang xây dựng quy chế phối hợp với Công an phường Nam Lý, TP.Đồng Hới để bảo vệ an ninh, trật tự trong bệnh viện. Bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên, cũng nhìn nhận tình trạng côn đồ vào các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đánh nhân viên y tế, uy hiếp tinh thần y - bác sĩ xảy ra thường xuyên. Có trường hợp nữ bác sĩ bị côn đồ tấn công phải ôm trụ tường tuột từ tầng 2 xuống đất để trốn. Gần đây, một số đối tượng nghiện ma túy vào thẳng bệnh viện để lấy bơm tiêm chích ma túy. “Đây là một vấn nạn mới mà chúng tôi không ngăn cản được” - bà Ngọc nói. Tại tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua cũng xảy ra một số vụ côn đồ vào bệnh viện truy sát. Bác sĩ Y Bliu Arul, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, nói: “Những vụ việc như trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp cứu cho bệnh nhân, gây tâm lý hoang mang cho đội ngũ nhân viên và người bệnh”. Rối loạn nhân cách, lệch chuẩn hành vi Nói về hiện tượng thanh niên “máu nóng”, sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn bằng dao búa, một lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai nhận xét: “Trong những vụ xảy ra gần đây, có những trường hợp mang tính chất giang hồ giải quyết mâu thuẫn với nhau nhưng hầu hết các vụ việc là do thanh niên mới lớn manh động, thích thể hiện, có suy nghĩ lệch lạc, coi thường pháp luật”. Luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng rượu bia, ma túy đá là những tác nhân trực tiếp đưa thanh thiếu niên đến con đường phạm tội. Rất nhiều vụ án chỉ vì những mâu thuẫn có thể giải quyết bằng lời nói nhưng họ sẵn sàng đâm chém nhau sau khi có chất kích thích trong người. Theo luật sư Mạch, môi trường gia đình cũng là tác nhân dẫn đến nhận thức sai lệch của thanh thiếu niên. “Thiếu niên hiện nay mất đi vai trò định hướng và giáo dục của gia đình. Họ sống buông thả vì cha mẹ không có trách nhiệm, thiếu quan tâm, giáo dục” - luật sư Mạch nhấn mạnh. TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, cho rằng các vụ án phản ánh một hiện tượng không bình thường trong đời sống xã hội hiện nay. Xã hội ngày càng nhiều các vụ án man rợ mà đối tượng gây án ngày càng trẻ cho thấy sự rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi, chai sạn cảm xúc. Khi gây án, chúng chỉ thể hiện “cái tôi” của mình theo bản năng, không cần tính tới hậu quả đối với nạn nhân, xã hội và cho chính bản thân mình. Việc này là hệ quả của sự tác động từ nhiều yếu tố tiêu cực, trong đó có yếu tố giáo dục, môi trường xã hội, ảnh hưởng của truyền thông. Mặt khác, hiểu biết về xã hội, pháp luật, ý thức công dân hạn chế cũng là nguyên nhân một số người phạm tội nghiêm trọng mà không nhận thức đầy đủ về tính chất, hậu quả hành vi của mình. Dưới góc nhìn xã hội học, TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học), cho rằng đã đến lúc dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh trong giáo dục thế hệ trẻ của gia đình, nhà trường và xã hội. Theo TS Bình, 70% tội phạm vị thành niên không được chăm sóc đầy đủ, không làm chủ bản thân. |
Theo NLĐ