TAND TP.Biên Hòa (Đồng Nai) ngày 7/3 cho biết đã nhận được cáo trạng và toàn bộ hồ sơ liên quan vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh do VKSND TP.Biên Hòa chuyển sang.
“Hiện chưa có lịch đưa vụ án ra xét xử vì thẩm phán vẫn đang nghiên cứu hồ sơ”, đại diện của TAND TP.Biên Hòa nói.
Theo cáo trạng, đại diện theo ủy quyền của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam là ông Lê Phi Long đã yêu cầu bồi thường tổng số tiền thiệt hại gần 9 tỷ đồng.
Cáo trạng của VKSND TP.Biên Hòa cũng xác định Trần Văn Giang, Phan Thế Thượng và bà Nguyễn Thu Hồng (vợ Thượng) là những người liên đới phải bồi thường thiệt hại cho Tổng Công ty đường sắt Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Cầu Ghềnh bị sà lan tông sập. |
Theo kết luận điều tra, khoảng 8h ngày 19/3/2016, Phan Thế Thượng biết rõ tàu kéo số hiệu SG-3745, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không bố trí định biên thuyền viên theo quy định, Trần Văn Giang không có bằng thuyền trưởng. Thế nhưng Thượng vẫn giao cho Giang điều khiển tàu kéo số hiệu SG-3745 đẩy sà lan số hiệu SG-5984 chờ cát từ sông Cổ Chiên thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh đến sông Đồng Nai thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai.
Khoảng 11h30 ngày 20/3/2016, Giang điều khiển tàu kéo số hiệu SG-3745 đẩy sà lan hiệu SG-5984 chở cát đến khu vực cầu Ghềnh thuộc địa phận TP.Biên Hòa (Đồng Nai).
Do Giang không biết cách đưa phương tiện qua khoang thông thuyền của cầu Ghềnh một cách an toàn, đã để thành bên trái sà lan số hiệu SG-5984 va chạm vào mặt ngoài trụ cầu số 2. Hậu quả là cầu Ghềnh sập, gây thiệt hại về tài sản với tổng trị giá 21 tỷ đồng.
Bị can Phan Thế Thượng. |
Trần Văn Giang bị truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy quy định tại điều 212 khoản 3 BLHS.
Phan Thế Thượng bị truy tố về tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn quy định tại điều 214 khoản 3 BLHS và tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy quy định tại các điều 215 khoản 3 BLHS.
Theo Pháp Luật TP.HCM