Chuyện 'người hùng' Đắk Lắk tố tiêu cực

Thứ hai, 27/03/2017, 09:16
TAND tỉnh Đắk Nông đang xử vụ Trần Minh Lợi (trú Đắk Lắk) cùng 7 bị cáo khác trong vụ đưa và nhận hối lộ…

Đại diện VKS đã đề nghị tòa phạt bị cáo Lợi 5 - 6 năm tù, dự kiến sáng mai (27/3) phiên xử tiếp tục phần tranh luận trước khi tòa đưa ra phán quyết.

Trong vụ án này, trước sau Trần Minh Lợi cho rằng mình không phạm tội mà chẳng qua chỉ là chống tiêu cực. Đúng, sai vụ này sẽ do tòa phán quyết nhưng ở góc độ chống tiêu cực, tôi muốn kể một câu chuyện rất khác của một người cũng ở Đắk Lắk, đó là chuyện tố tiêu cực của ông Nông Văn Thụt.

Bị cáo Trần Minh Lợi trình bày phần tranh luận tại tòa.

1.

Ông Thụt là người dân tộc Nùng, sinh năm 1969, trú xã Cư Yang, huyện Ea Kar, Đắk Lắk. Trong một vụ tai nạn giao thông, chẳng may ôtô do ông cầm lái va quẹt với xe đạp của một phụ nữ khiến người này qua đời. Ông Thụt bị khởi tố, đến cuối tháng 10/2016 thì nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Sau đó, ông Thụt nhiều lần nhận được cuộc gọi vòi tiền của bà Trương Thị Hoa, Phó Chánh án TAND huyện Ea Kar, cũng là người thụ lý vụ án. Bà Hoa gợi ý ông phải đưa 120 triệu đồng để được xử án treo, nếu không sẽ bị tuyên từ năm đến 15 năm tù. Sau nhiều lần thương lượng, bà Hoa hạ giá xuống còn 80 triệu đồng.

Trước lời gợi ý này, ông Thụt đã bí mật ghi âm các cuộc gọi. Sau khi vay mượn đủ số tiền, ông cẩn thận chụp lại số seri và làm đơn tố cáo gửi kèm chứng cứ đến các cơ quan chức năng qua đường bưu điện. Xong, ông Thụt gặp bà Hoa để đưa tiền.

Với bằng chứng này, bà Hoa đã bị cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố, điều tra về tội Nhận hối lộ. Và điều đặc biệt của vụ này là ông Thụt đã không bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ, bởi đơn giản ông đã tố cáo vụ việc trước khi đưa tiền. Điều này rất khác với trường hợp đưa tiền rồi sau đó gây sức ép, khống chế người nhận để đạt được mục đích nào đó, thậm chí chỉ tố cáo sau khi mục đích của việc đưa tiền “bôi trơn” đã đạt được hoặc không đạt được.

2.

Tội đưa hối lộ hoàn thành từ thời điểm người đưa hối lộ đã đưa tiền, tài sản và yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa. Tuy nhiên, theo khoản 6 Điều 289 BLHS, người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội; người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Nói một cách dễ hiểu, giới hạn an toàn nhất để bạn không bị dính vào tội đưa hối lộ là bạn phải tố cáo vụ việc trước khi bạn đưa tiền cho người nhận, tức trước khi tội phạm hoàn thành. Đây cũng là cách an toàn mà hơn 10 năm trước, báo Pháp Luật TP.HCM từng có bài viết hướng dẫn cách thức an toàn này. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ điều này để làm “bửu bối” khi hữu sự. Thậm chí đã từng có trường hợp một bạn đọc ở TP.HCM sau khi đưa hối lộ cho thẩm phán mà không đạt được mục đích nên đã tố cáo, hậu quả là người này phải lãnh án tù một cách đáng tiếc.

3.

Ông Thụt mới chỉ học tới lớp 4 rồi nghỉ. Không biết ông đã tự mày mò, tìm hiểu như thế nào mà lại tỏ tường đường đi nước bước để tự bảo vệ mình một cách tuyệt đối.

Nhưng điều quan trọng hơn, ông đã không chủ động gợi ý, không thúc đẩy tội phạm xảy ra để thực hiện việc chống tiêu cực. Ở đây, ông Thụt chỉ phản vệ trước cái xấu, trong ý thức công dân hết sức có trách nhiệm: Chống tiêu cực để bảo vệ mình và làm trong sạch bộ máy nhà nước.

Ở cái nghĩa này, với tôi, ông Thụt đã là một người hùng.

Đáng tiếc là trong vụ án giao thông mà ông là bị cáo, tòa sơ thẩm đã tuyên phạt ông 18 tháng tù. Trong khi lẽ ra ông được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 29 BLHS 2015 vì phía bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm cho ông. Hy vọng trong phiên phúc thẩm tới, TAND tỉnh Đắk Lắk sẽ xem xét thấu đáo điều này.

Theo Pháp Luật TP.HCM

Các tin cũ hơn