Chạm trán nghẹt thở giữa Cảnh sát đường thủy với cát tặc sông Đồng Nai

Thứ tư, 14/06/2017, 16:02
Khi bị bắt quả tang một số cát tặc đã dùng cây sào dài để đẩy ca nô của Cảnh sát đường thủy (CSĐT) không cho tiếp cận với ghe, dùng ống nước to xịt lên để ca nô chìm hoặc đánh chìm ghe rồi tẩu thoát.

Cảnh sát đường thủy bắt cát tặc trong đêm 9.6

Để tránh bị CSĐT và cảnh sát môi trường lập biên bản vì khai thác cát trái phép trên sông, cát tặc thường tìm đủ cách để đối phó như: thuê người cảnh giới, theo dõi di chuyển của CS từ trạm. Trường hợp bị bắt quả tang, những người này sẽ dùng mọi chiêu thức để thoát thân và không quên tìm cách làm khó lực lượng chức năng trong quá trình xử lý.

Trung tá Nguyễn Sinh Thu, Trưởng trạm CSĐT Cát Lái, thuộc Phòng CSĐT (PC68, Công an TP.HCM) cho biết trong 5 năm (2012 - 2016), đơn vị đã phát hiện và lập biên bản 58 vụ khai thác cát trên địa bàn đảm trách. Trong đó, nhiều nhất là năm 2016 với 17 trường hợp bị bắt quả tang đang khai thác cát trái phép bằng 38 ghe gỗ cùng 112,5m3 cát.

Nổ súng chỉ thiên trên sông đêm

Khuya 2.6, tại khu vực ngã ba sông Rạch Giáng - sông Đồng Nai, tổ công tác của Trạm CSĐT Cát Lái phát hiện 3 thanh niên đang có mặt trên một ghe bơm cát đang bơm cát qua một ghe gỗ BS LA 06337 (có 1 nam, 1 nữ trên ghe này).

Khi thấy tổ công tác đang điều khiển ca nô tiến sát mạn ghe để kiểm tra thì ba thanh niên trên thách thức và dùng vòi bơm xịt mạnh về hướng ca nô cảnh sát để chống đối. Do vậy, tổ công tác đã nổ 3 phát súng AK chỉ thiên để răn đe, trấn áp. Thấy CSĐT nổ súng, ba thanh niên đã nhảy xuống sông, bơi vào bờ bỏ trốn.

Mới đây nhất, khuya 9.10, tổ công tác Thủy đội phối hợp cùng Trạm CSĐT Cát Lái đã phát hiện hai ghe bơm hút cát không số đang bơm hút cát trái phép cũng tại khu vực trên. Đáng nói, xung quanh hai ghe bơm hút cát còn có nhiều ghe khác có dấu hiệu tiếp tay vận chuyển cát trái phép.

Cát tặc thường chọn thời điểm đêm khuya hoặc tối vì dễ tẩu thoát

Tổ công tác đã điều khiển ca nô cập mạn hai ghe để yêu cầu kiểm tra phương tiện nhưng nhóm cát tặc trên tàu không hợp tác. Tổ công tác đã nổ 3 phát súng chỉ thiên để trấn áp. Nghe tiếng súng, nhóm cát tặc đã nhảy xuống sông tìm đường bơi vào bờ để tẩu thoát.

Trong lúc lực lượng chức năng vẫn đang kiểm tra ghe, nhóm cát tặc bơi lại để cướp ghe nên tổ công tác tiếp tục bắn 3 phát súng AK để răn đe. Trước khi bỏ chạy, một cát tặc đã rút “lỗ lù” làm chìm một tàu khai thác cát nhằm gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xử lý.

“Thủ đoạn” của cát tặc
Theo trung tá Thu, trong năm 2016, cát tặc khá lộng hành ở nhánh chính của sông Đồng Nai thuộc địa bàn quận 9 nên thủy đội đã cử cán bộ lập chốt trực tại khu vực này. Từ khi có chốt của thủy đội, cát tặc không dám manh động ở nhánh sông chính nhưng lại dùng ghe nhỏ di chuyển vào các rạch nhỏ để tiếp tục khai thác cát.

Ghe hút cát bị tạm giữ tại Trạm CSĐT Cát Lái
Cát tặc cũng rất tinh vi, thường chọn khu vực giáp ranh để gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc truy đuổi. Ban ngày, nhóm cát tặc đậu ghe ở khu vực bên kia sông thuộc địa phận Đồng Nai, tối đến cát tặc cũng thuê người cảnh giới, canh CS tại chốt trạm, thấy CS xuống ca nô là nhóm bỏ chạy.
Trung tá Thu kể: “Khi phát hiện lực lượng chức năng, nhóm người trên các ghe khai thác cát trái phép thường nhảy xuống sông để bơi vào bờ chạy trốn hoặc rút “lỗ lù” để đánh chìm ghe. Do vậy, các vụ bắt cát tặc thường ít khi bắt được người, trường hợp ghe bị đánh chìm cũng khó khăn trong việc trục vớt, có trường hợp lực lượng cứu hộ - cứu nạn phải trục vớt nửa tháng mới xong do phải canh con nước”.
Ngoài ra, theo trung tá Thu, việc lập biên bản xử lý với những trường hợp cát tặc bắt được cũng khá khó khăn vì đây đa phần là những người ở miền Tây có hoàn cảnh gia đình khó khăn đi hút cát thuê.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích