Bà Nguyễn Thị Huệ (ngụ ấp Tân Trung, xã Tân Hòa, Tân Châu) trình bày tháng 2/2013, TAND huyện Tân Châu, Tây Ninh xét xử, tuyên buộc hai cá nhân khác phải có nghĩa vụ trả cho bà hơn 2 tỷ đồng.
Sai sót nhỏ, hậu quả lớn
Khi bà Huệ có đơn yêu cầu, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Tân Châu đã tổ chức THA, phong tỏa tài khoản của người phải THA tại một ngân hàng. Sau đó THADS huyện ra quyết định khấu trừ hơn 2 tỷ đồng trong tài khoản trên để đảm bảo cho việc THA.
Bỗng nhiên người thứ ba khiếu nại cho rằng số tiền trong tài khoản của người phải THA có liên quan đến họ. Xét thấy đây là vụ việc phức tạp nên Chi cục THADS huyện đã đề nghị Cục THADS tỉnh Tây Ninh rút hồ sơ lên để tổ chức THA.
Ngày 6/11/2013, cục trưởng Cục THADS tỉnh Tây Ninh ra quyết định THA theo hướng chuyển số tiền đã bị phong tỏa trên để THA cho bà Huệ theo đúng tinh thần bản án. Lúc này chấp hành viên trực tiếp giải quyết vụ việc là ông Nguyễn Văn Hoàng phát hiện đơn yêu cầu THA của bà Huệ ghi sai năm 2013 thành 2012.
Từ sai sót này, ông Hoàng đề nghị cục trưởng Cục THADS tỉnh thu hồi quyết định THA đã ban hành. Ông cũng đề nghị cấp trên hủy quyết định THA của Chi cục THADS huyện, đồng thời ra quyết định trả lại cho người phải THA số tiền mà cơ quan THA đang tạm giữ.
Đề nghị này được cục trưởng Cục THADS tỉnh chấp thuận. Vì thế sau khi được gỡ phong tỏa thì người phải THA đã rút hết số tiền trong tài khoản. Cho rằng đây là việc làm trái pháp luật, bà Huệ khiếu nại và được Tổng cục THADS thụ lý giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Huệ vẫn đang chờ tiền bồi thường của cơ quan THA. |
Ra quyết định trái luật
Theo Tổng cục THADS, việc bà Huệ ghi nhầm năm trong đơn yêu cầu THA là có thật. Tháng 2/2014, qua làm việc với đoàn công tác của Tổng cục, bà Huệ cho biết bà chủ yếu làm ăn sinh sống ở Campuchia nên khá hạn chế viết chữ Việt.
Đơn yêu cầu THA là con gái bà viết thay nên ghi nhầm lẫn, phần bà chỉ ký tên phía dưới. Tổng cục cho rằng thiếu sót này là của Chi cục THADS huyện vì lúc nhận đơn yêu cầu THA này đã thiếu kiểm tra để hướng dẫn đương sự làm lại đơn.
Việc cục trưởng Cục THADS tỉnh căn cứ điểm c khoản 1 Điều 137 Luật THADS để thu hồi quyết định THA là chưa phù hợp. Bởi điều luật này chỉ cho phép thu hồi khi căn cứ quyết định THA không còn, trong khi bà Huệ không rút đơn yêu cầu THA và bản án của tòa đang có hiệu lực.
Cục trưởng Cục THADS tỉnh căn cứ điểm a khoản 3 Điều 37 Luật THADS để hủy quyết định THA của Chi cục cũng chưa phù hợp pháp luật và thực tế khách quan vụ việc. Bởi theo quy định trên thì chỉ hủy được khi quyết định THA ban hành không đúng thẩm quyền, trong khi trước đó Chi cục đã ra quyết định THA đúng thẩm quyền.
Từ đó Tổng cục THADS chấp thuận khiếu nại của bà Huệ và kết luận rằng việc thu hồi và hủy quyết định THA của Cục trưởng Cục THADS tỉnh là trái pháp luật.
Chờ Bộ Tài chính rót tiền
Sau khi có kết luận của Tổng cục, tháng 5/2014, bà Huệ yêu cầu Cục THADS tỉnh bồi thường thiệt hại vì đã có lỗi làm mất tài sản THA của bà. Ngày 24/3/2016, cơ quan này ra quyết định chấp thuận bồi thường cho bà Huệ số tiền hơn 1,8 tỷ đồng.
Thế nhưng từ đó đến nay Cục chưa trả tiền bồi thường cho bà Huệ dù bà đã nhiều lần yêu cầu. Bà Huệ bức xúc: “Đã hơn một năm trôi qua nhưng mỗi lần hỏi thì họ cứ bảo tôi chờ mà chẳng biết chờ đến bao giờ…”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Tây Ninh Lê Văn Tiễn cho biết phải chờ Bộ Tài chính chuyển tiền thì mới trả cho bà Huệ được.
Theo ông Tiễn, vụ việc này Cục đã giải quyết rất khẩn trương và đầy đủ theo nguyện vọng của bà Huệ trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên. Cục cũng đã báo cáo và chuyển toàn bộ hồ sơ bồi thường cho Tổng cục thẩm định và phê duyệt bồi thường cho bà Huệ. Hiện Tổng cục cũng đang trình Bộ Tài chính để cấp kinh phí bồi thường cho bà Huệ.
Cũng theo ông Tiễn, số tiền bồi thường này Cục không chi trả trực tiếp mà phải thông qua kênh bồi thường nhà nước. “Hiện chỉ còn khâu cuối cùng là chờ Bộ Tài chính cấp tiền nữa là xong. Bản thân chúng tôi cũng chưa biết khi nào sẽ có tiền để trả cho bà Huệ…” - ông Tiễn cho biết.
Cá nhân vi phạm đang bị điều tra
Cục trưởng Cục THADS tỉnh Tây Ninh Lê Văn Tiễn cho biết thêm liên quan đến những cá nhân trực tiếp làm sai trong vụ việc của bà Huệ thì cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đang điều tra làm rõ. Về phía mình, Cục cũng đã tiến hành kiểm điểm các cá nhân liên quan. Ngoài ra, có một người đã về hưu, một người đã chuyển công tác nên không thuộc quyền quản lý kiểm điểm của Cục.
Riêng chấp hành viên Nguyễn Văn Hoàng là người trực tiếp thụ lý việc THA của bà Huệ thì đang THA hình phạt tù vì liên quan đến sai phạm trong một vụ án khác.
Theo Pháp Luật TP.HCM