|
Một nhóm trẻ tổ chức sinh nhật. |
Thu hút giới trẻ
Rất đỗi tình cờ, chúng tôi gặp chị Hạnh (ngụ quận Gò Vấp) đi tìm con tại một Beer Club. Chị Hạnh, năm nay 45 tuổi, là nhân viên nhân sự của một công ty cung cấp thực phẩm tại TP.HCM. Vào Beer Club, chị chỉ hớp một vài ngụm bia, rồi sầu não kể: “Khổ quá mấy chú, thằng con đang đợi vào đại học nó tỉ tê với tôi chuyện 12 năm “cày” nên giờ thi xong tôi cũng cho nó “thư giãn” với bạn bè. Thương con, tôi cũng chiều, cho nó tiền đi chơi. Vui đâu chưa thấy, chỉ thấy chiều tối nào đám bạn cũng ghé rủ nó đi “xả stress”, rồi ngày nào cũng về 1-2 giờ sáng, say đứ đừ. Sự dồn nén bật tung ra bởi có người chia sẻ, chị Hạnh “tuôn” ra một… trời tâm sự. Chị kể rằng, thấy con mình ngày càng sa đà ăn nhậu, chị theo dõi thì tá hỏa khi biết con mình đã “lậm” mấy cái Beer Club, còn cặp bồ với một nữ tiếp thị bia, đêm nào cũng say bí tỉ và dính vào “nàng tiên nâu”...
Với ưu thế “giá mềm”, các Beer Club không chỉ giới văn phòng mà học sinh, sinh viên cũng chọn Beer Club làm điểm đáp sau các cuộc vui. Độ tuổi đến Beer Club ngày càng trẻ hóa do những kẽ hở trong việc kiểm soát và sự bùng nổ không điểm dừng của mô hình ăn chơi này.
Nhiều tốp bạn trẻ tổ chức sinh nhật, họp nhóm ngay tại Beer Club với hình ảnh các thiếu nữ váy cũn cỡn, áo hai dây phô diễn cơ thể như thiêu đốt người nhìn. Nếu nhóm thực khách nào không có bạn nữ đi cùng, các “chuyên viên” nhậu dưới dạng chim mồi sẽ đến tham gia phục vụ cho vui. Nhìn những thiếu nữ ăn mặc khêu gợi tự tin dốc ngược chai bia tu ừng ực hay nâng cốc uống trong tiếng hò reo, khuyến khích của những người xung quanh, những kẻ tửu lượng kém cỏi như chúng tôi bỗng cảm thấy… “tủi thân”.
|
Tan ca, các DJ sẵn sàng đi “vui vẻ” với khách. |
Để “khuyến khích” các thượng đế trẻ nâng cao tửu lượng, các Beer Club không ngừng cạnh tranh bằng các chương trình khuyến mãi lớn, hạ giá các tháp bia hay khuyến mãi “mua một tặng một” để thu hút thực khách. Nhìn những tuổi teen tụm năm tụm bảy cạnh các tháp bia lớn, “sành điệu” hơn thì cầm chai, cầm lon liên tục cụng ly, hò hét, lắc lư theo âm thanh kích động của những DJ mới thấy sự nguy hiểm của trào lưu ăn chơi mới này.
“Nồi cơm” các băng nhóm
Hòa (34 tuổi), cựu quản lý một Beer Club, quận 3 cho biết, một Beer Club có lợi nhuận cả trăm triệu đồng mỗi đêm là bình thường. Đó là chưa kể ngày lễ, Tết, cuối tuần thì lợi nhuận còn cao hơn gấp bội. “Đây chính là mảnh đất màu mỡ để các băng nhóm giang hồ làm “căn cứ hậu cần”, thu tiền bảo kê. Do đó, ngay từ khi chưa khai trương, bất cứ một Beer Club nào cũng phải tính đến khoản “hụi chết” này. Nếu không thì khó bề làm ăn yên ổn với các băng nhóm giang hồ cát cứ trên địa bàn.
Cũng theo Hòa, tình cảm hơn là các băng giang hồ cử người đến để “xin” chủ nhà hàng cho thầu bãi giữ xe để… kiếm cơm. Nếu chủ nhà hàng từ chối thì lập tức các băng nhóm này sẽ có hình thức “xử lý” khác. Còn nếu đồng ý thì giá giữ xe tại các nhà hàng này sẽ hoàn toàn bị thả nổi, không theo một quy định cụ thể nào. Giá xe máy một lượt gửi từ 10 - 20 ngàn đồng, vì dân chơi “nhậu cả triệu thì “xá chi” vài chục ngàn đồng lẻ. Còn nếu là “xế hộp” thì tuỳ theo “mác” xe, tuỳ theo đời, tuỳ theo giá mà… chém. “Tụi nó rất biết cách “nhìn mặt đặt tên” không “sẩy” đi đâu bao giờ.”, Hòa cho biết.
Lực “điên”, tay anh chị gốc Bắc một thời “ngụ” ở các quán bar, Beer, Club trên địa bàn TP.HCM nay đã “gác kiếm” kể: “Dưới trướng ngày đó toàn anh em “tay dao, tay kiếm”. Mình đứng ra xin các nhà hàng, quán nhậu để đám đàn em có đất làm ăn. Còn riêng mình và mấy thằng đệ thân tín thì “ôm” hai cái Beer Club ở quận trung tâm để “giữ an ninh”. Lực tiết lộ, mỗi đêm ở hai cái Beer Club thu khoảng 10 triệu đồng, nhưng số tiền đó phần lớn thỏa mãn cho những cơn ghiền “hàng đá” cùng đám “ong ve”. Đó là chưa kể chuyện “kiếm thêm” trong việc dắt mối cho chân dài vui vẻ với đại gia.
|
Là nơi trao đổi tình tiền giữa chân dài với đại gia. |
Theo Lực, nếu chủ nhà hàng không chịu “phương án”…xin giữ xe thì sẽ có vô số cách khác. “Truyền thống” nhất là kéo nguyên “băng” cả chục người vô nhà hàng, trà trộn ăn nhậu rồi kiếm cớ “cà khịa” rồi tổ chức đánh nhau khiến khách hoảng sợ. Chiêu này vô cùng hữu hiệu. Mặc dù, nhà hàng có cả chục bảo vệ cũng không bằng giang hồ… thứ thiệt. Bảo vệ nào mà nhúng tay vào là đi về khuya bị “no đòn” ngay. Còn khách, chỉ cần một vài vụ đánh nhau, chém người là họ truyền tai nhau không dám bước tới lần nữa.
Còn Hùng “đầu bò”, tay anh chị từng bảo kê các tụ điểm ăn chơi triết lý: “Chiêu “dằn mặt” các nhà hàng Beer Club “dịu dàng” theo kiểu “ném đá giấu tay” là “khủng bố” các bãi xe. Xe hơi hàng hiệu khách gửi chiếc bị bẻ kính chiếu hậu, chiếc thân xe thì bị “cào” ngang dọc, xe gắn máy thì bị rạch nát yên xe, mất nón bảo hiểm khiến khách hàng một đi không trở lại. Mà sự thật thì chả chủ nhà hàng nào chơi dại khi lắc đầu với đám giang hồ đến “chào hỏi”. Thuyền lớn thì sóng lớn. Chủ quán thường “cho” phần râu ria để giữ “nồi cơm” của mình. Hơn nữa, khi “cho” tụi nó thì mình cũng “nuôi” sự… bảo kê, để đám giang hồ khác nể mặt không gây phiền hà, rắc rối cho việc làm ăn của nhà hàng”.
Trộn giữa nhà hàng và vũ trường
Theo một chuyên gia trong ngành Thực phẩm và Ðồ uống, mô hình Beer Club được thị trường đón nhận vì kết hợp thành công được hai yếu tố gồm: Ăn uống và vui chơi. Nếu như mô hình nhà hàng hay quán ăn truyền thống chỉ đáp ứng về nhu cầu ăn uống. Còn quán bar, vũ trường chủ yếu đáp ứng nhu cầu vui chơi, thì Beer Club cùng lúc đáp ứng được cả 2 nhu cầu này.
“Nếu so với phân khúc hạng sang là quán bar, vũ trường với đối tượng là những người có khả năng tài chính cao, thì Beer Club lại hướng đến người bình dân, khả năng tài chính hạn chế. Chỉ cần trong túi có vài trăm ngàn đồng là bạn có thể đến vui chơi tại một Beer Club, so với con số vài triệu đồng khi muốn đến quán bar. Một điểm quan trọng khác làm nên sự thành công của Beer Club là có thiết kế đáp ứng được yêu cầu giải trí, tạo ra một không gian khác lạ để khách hàng có thể tận hưởng cảm giác uống bia thoải mái. Do vậy, phần lớn các Beer Club hút khách đều có thiết kế vừa phải ấn tượng, mạnh mẽ nhưng vẫn giản đơn và có một chút “bụi”, chuyên gia này cho biết thêm.
Theo luật sư Nguyễn Văn Trường, TP.HCM có hàng trăm quán Bar, vũ trường và Beer Club đăng ký kinh doanh loại hình dịch vụ nhà hàng ăn uống, bán rượu, bia, nước giải khát có cồn thuộc đối tượng quản lý của ngành công thương. Một số hành vi vi phạm phổ biến tại các quán bar, Beer Club như hoạt động vui chơi giải trí quá giờ được phép. Ngoài ra, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm, kinh doanh rượu, chiếm dụng lòng đường hè phố làm nơi trông giữ xe… Vừa qua, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ khái niệm giữa “quán bar” và “beer club” để quản lý.
Việc thu nhập “khủng” hàng đêm tại các Beer Club khiến các băng nhóm giang hồ thèm thuồng, xâu xé. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để chúng làm “căn cứ hậu cần”, thu tiền bảo kê, đảm bảo “an ninh” cho quán. |
Theo Tiền Phong