|
Công an TP.HCM kiểm tra, xử lý hàng chục container hàng lậu |
Từng phát hiện 78 container “mất tích”
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, qua điều tra, Cục điều tra chống buôn lậu (ĐTCBL) phát hiện từ tháng 7.2015 - 1.2016, Công ty TNHH kinh doanh thương mại Tuấn Phát (trụ sở ở Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) đăng ký vận chuyển 180 container hàng gạch men tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1, 2, 3 (thuộc Cục Hải quan TP.Hải Phòng) đưa về cảng ICD Gia Thụy (TP.Hà Nội). Sau khi được Hải quan Hải Phòng phê duyệt vận chuyển, có 78/180 container được vận chuyển ra khỏi cảng. Tuy nhiên, Công ty Tuấn Phát không vận chuyển số container trên đến cảng ICD Gia Thụy đúng theo quy định mà tự ý đưa hàng hóa vào nội địa tiêu thụ.
Dù 78 container ra khỏi cảng trong thời gian khá dài nhưng các chi cục không phát hiện hàng hóa chưa được xác nhận trên hệ thống ở chi cục hải quan nơi hàng đến để truy tìm nên Tổng cục Hải quan (TCHQ) chỉ đạo Cục Hải quan TP.Hà Nội, Cục Hải quan TP.Hải Phòng xem xét kiểm điểm trách nhiệm 18 cán bộ liên quan, trong đó cảnh cáo 8 trường hợp, khiển trách 10 trường hợp.
Do vụ việc có dấu hiệu của tội buôn lậu, ngày 22.7.2016, Cục ĐTCBL khởi tố vụ án buôn lậu và chuyển cho Cơ quan CSĐT, Công an TP.Hà Nội tiếp tục điều tra làm rõ.
Năm 2017, phát hiện 32 container hàng lậu
Ngày 28.12, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (thuộc Cục Hải quan TP.HCM) cho biết, trong năm 2017, Chi cục đã thực hiện khám xét, phát hiện 32 container hàng lậu, do 25 doanh nghiệp nhập khẩu qua cảng Cát Lái, Q.2. Trong đó, có 27 container chứa máy móc, thiết bị đã qua sử dụng; số còn lại chứa động cơ, hộp số xe hơi, đồ gia dụng đã qua sử dụng, đặc biệt có tổng cộng gần 1,5 tấn ngà voi. Một số vụ đã được khởi tố hình sự, số vụ còn lại đang xem xét, xử lý.
Tại buổi Tổng kết công tác quản lý thị trường (QLTT) năm 2017 chiều qua 28.12, đại diện Chi cục QLTT TP.HCM thông tin, trong năm 2017, cơ quan này đã xử lý 5.158 vụ, thu nộp ngân sách gần 119 tỉ đồng; tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông có tổng trị giá gần 112 tỉ đồng, tăng hơn 237% so năm 2016. Hiện trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng hơn 49 tỉ đồng.
QLTT TP.HCM cũng nhận định việc kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ nhập khẩu, hết hạn sử dụng và không đảm bảo chất lượng... vẫn còn quá nhiều phức tạp. Các vi phạm về an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống, chợ tự phát vẫn được phát hiện thường xuyên, gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng và dư luận xã hội.
|