Truy tố 10 bị can đường dây bán logo xe "vua" ở TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương

Thứ sáu, 09/02/2018, 13:57
Cáo trạng VKSND Tối cao xác định Nguyễn Văn Thới cùng 9 đồng phạm đã bán logo xe "vua" để bảo kê cho xe quá tải lưu thông trên các tuyến đường thuộc các tỉnh, thành Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM thu lời bất chính 23 tỉ đồng.

Ngày 9-2, Viện KSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố 10 bị can gồm: Nguyễn Văn Thới, Trần Quốc Thái, Lê Thị Cẩm Vân, Mai Văn Thái Em, Trần Trọng Nhân, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Minh Thiên, Nguyễn Mai Hữu Nhân (cùng trú tại TP.HCM); Huỳnh Tấn Thắng (trú tại tỉnh Long An) và Nguyễn Cảnh Chân (Công an bị loại ngũ, trú tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) trong vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ" xảy ra tại 3 tỉnh, thành Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM. Trong số này, Nguyễn Cảnh Chân bị truy tố về hành vi môi giới hối lộ, 9 bị can còn lại phạm tội đưa hối lộ.

Một xe tải sau khi gỡ logo "Gagare Thành Đô"

Theo cáo trạng, từ tháng 1-2014 đến tháng 8-2015, Nguyễn Văn Thới cùng các đồng phạm khác đã cấu kết với một số tài xế, chủ xe thường lưu thông trên các tuyến đường thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM để góp tiền đưa hối lộ cho thanh tra giao thông (TTGT), Cảnh sát giao thông (CSGT) để xe chở quá trọng tải khi đi qua các địa bàn nêu trên không bị xử phạt. Để thực hiện hành vi này Thới, Thái đã tổ chức in, bán logo cho các chủ xe, lái xe để dán vào đầu xe làm ký hiệu cho những người nhận hối lộ nhận biết khi kiểm tra.

Cáo trạng xác định Nguyễn Văn Thới làm nghề kinh doanh vận tải, trong quá trình kinh doanh do các xe ôtô của Thới chở hàng quá tải nên thường bị TTGT và CSGT các tỉnh, thành Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM phát hiện xử phạt. Quá trình xử phạt, Thới đã quen biết một số cán bộ, qua đó đặt vấn đề sẽ nộp tiền và dán ký hiệu logo lên các đầu xe để một số cán bộ TTGT, CSGT khi làm nhiệm vụ nhận biết và không xử phạt.

Sau đó, Trần Quốc Thái là người trực tiếp đi lấy các logo từ hiệu in mang về cho Thới và mang số logo đi bán cho các lái xe, chủ xe với giá từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng 1 logo. Qua đó, Thái hưởng chênh lệch từ 300.000-400.000 đồng mỗi logo bán ra.

Ngoài ra, Thái còn giúp Thới thuê xe ôm đi canh gác các tuyến đường mà tổ tham mưu đặc biệt của Phòng CSGT Công an TP. HCM tuần tra kiểm soát rồi nhắn tin cho Thới và người mua logo biết để tránh các tuyến đường này. Hàng tháng Thái bán logo và quản lý khoảng 200 xe ôtô được hưởng lợi từ 60-80 triệu đồng/tháng. Tính đến thời điểm Thái bị bắt đã hưởng lợi 360 triệu đồng.

Theo cáo buộc, từ tháng 1-2014, Thới và Thái đã đặt in logo chữ "68" để dán lên kính đầu xe ôtô của lái xe, chủ xe có nhu cầu mua với giá 2,5 triệu đồng/logo/tháng và cam kết khi dán logo trên đầu xe thì không bị TTGT, CSGT các tỉnh, thành Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM xử phạt lỗi chở hàng quá tải. Nếu bị lập biên bản phạt các lái xe mang về thì Thới sẽ nộp phạt thay. Đến tháng 4-2015, Thới bỏ logo số "68" chuyển sang sử dụng logo in chữ "Garage Thành Đô". Hàng tháng, Thới lập danh sách các xe mua logo bằng cách ghi biển số các xe vào giấy để theo dõi.

Từ tháng 1-2014 đến tháng 8-2015, Thới và Thái đã bán cho khoảng 15.000 lượt xe ô tô thu lời bất chính gần 23 tỉ đồng, Thới dùng một phần số tiền này để đưa hối lộ.

Cụ thể, Thới đã đưa hối lộ 79 lần với tổng số tiền gần 5 tỉ đồng, trong đó lần đưa ít nhất là 9 triệu đồng, lần đưa nhiều nhất là 150 triệu đồng. Thới còn nhờ một người em họ 12 lần chuyển cho Nguyễn Cảnh Chân, cán bộ đội 1 phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai, hơn 1,2 tỉ đồng để đưa cho một số cán bộ CSGT Công an tỉnh Đồng Nai. Sau đó, Chân đã 12 lần đưa số tiền gần 1 tỉ đồng cho lãnh đạo phòng, đội CSGT Công an tỉnh Đồng Nai và giữ lại 300 triệu để sử dụng cá nhân. Ngoài ra, Thới và Thái đưa cho các đội, trạm hơn 1,3 tỉ đồng. Riêng Thái còn đưa 39 lần với tổng số tiền hơn 2,2 tỉ đồng và hưởng lợi 360 triệu đồng.

Số tiền còn lại gần 18 tỉ đồng, Thới đã sử dụng nộp phạt cho các xe đã mua logo nhưng vẫn bị xử phạt, trả tiền thuê người canh khi tổ tham mưu đặc biệt kiểm tra và bản thân hưởng lợi 1,3 tỉ đồng (Hiện số tiền này gia đình Thới đã nộp lại cho cơ quan điều tra).

Ngoài ra, Lê Thị Cẩm Vân và các bị can còn lại bán logo thu được gần 8 tỉ đồng và đã 16 lần đưa hối lộ với tổng số tiền là hơn 600 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 7 tỉ đồng, Vân sử dụng trả tiền thuê người theo dõi tổ tham mưu đặc biệt khi kiểm tra và trả tiền nộp phạt cho các chủ xe đã mua logo mà bị xử phạt. Riêng Vân hưởng lợi gần 1,6 tỉ đồng.

Cáo trạng lần này thay thế cáo trạng số 12/VKSTC-V2 ngày 19-5-2017 của Viện KSND Tối cao.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn