Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Thủ tướng đồng ý cho góp vốn?

Thứ ba, 20/03/2018, 09:40
Bị cáo Đinh La Thăng khai, vì ngân hàng Hồng Việt của ngành dầu khí không được hoạt động nên PVN phải đầu tư vào OJB, đổi lại việc OJB tiếp nhận Hồng Việt. Việc này giống như PVN “gả đi một cô gái xinh đẹp nhưng đã có chồng”.


Chiều 19/3/2018, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN) cùng 6 đồng phạm.

An ninh nghiêm ngặt

Ngày 19/3, TAND TP.Hà Nội xét xử bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng hầu tòa về tội danh trên có 6 bị cáo khác nguyên là lãnh đạo PVN gồm Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Ban Tài chính kế toán và Kiểm toán; Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó TGĐ và các thành viên HĐTV là Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức. Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh bị truy tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

An ninh phiên xử được thắt chặt, lực lượng công an lập nhiều chốt bảo vệ quanh khu vực tòa. Cảnh sát cũng cấm các phóng viên chụp ảnh trong khuôn viên tòa và trong phòng xử. Báo chí được theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi trực tiếp tại một phòng riêng. Tại phần khai mạc phiên tòa, các luật sư nêu ý kiến HĐXX cần triệu tập thêm đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước… để làm rõ việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OJB). Luật sư của ông Nguyễn Xuân Sơn đề nghị xem xét tư cách tham gia tố tụng của thân chủ mình liên quan hành vi chiếm đoạt tài sản của Ninh Văn Quỳnh do ông Sơn đã bị tuyên tử hình trong vụ OJB.

Đại diện VKSND cũng đề nghị HĐXX triệu tập người vắng mặt, đại diện các cơ quan tổ chức như luật sư yêu cầu; trường hợp họ vắng mặt không lý do, tòa cần áp dụng các quyết định tố tụng để buộc họ có mặt. Sau khi hội ý, HĐXX đồng ý việc tiếp tục triệp tập các đương sự. Về tư cách của Nguyễn Xuân Sơn, chủ tọa cho biết sẽ thể hiện trong bản án.

Trái luật các tổ chức tín dụng

Bước sang phần xét hỏi, kiểm sát viên công bố cáo trạng cho thấy, năm 2008, ông Đinh La Thăng biết rõ OJB đang khó khăn nhưng vẫn ký với Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch OJB thỏa thuận PVN góp 20% vốn vào ngân hàng này. Tổng cộng, ông Thăng và các đồng phạm đã gửi 800 tỷ đồng của PVN vào OJB qua 3 lần góp vốn. Số tiền này bị thất thoát khi OJB thua lỗ, buộc Ngân hàng Nhà nước phải mua lại. Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai đưa cho Ninh Văn Quỳnh hàng trăm tỷ đồng từ nguồn tiền của OJB để “cảm ơn” các lãnh đạo PVN đã yêu cầu các thành viên sử dụng dịch vụ của ngân hàng. Ông Quỳnh bác bỏ, nói chỉ nhận 20 tỷ đồng và đã khắc phục.

Tiếp đến, bị cáo Đinh La Thăng được cách ly khi các cấp dưới của ông trước đây trả lời HĐXX. Trước tiên, bị cáo Vũ Khánh Trường khai trong các lần PVN góp vốn ứng với việc tăng vốn điều lệ của OJB đều có sự đồng ý của ông Thăng nhưng chưa có ý kiến Thủ tướng. Ông Trường lấy ví dụ 3 tháng sau khi ký nghị quyết góp vốn bổ sung giai đoạn 2 (300 tỷ đồng), ông Thăng mới ký văn bản trình Thủ tướng. Tuy vậy, bị cáo Trường cho rằng: “Thời điểm đó chưa cần báo cáo Thủ tướng vì nghị quyết chỉ chấp thuận phương án tăng vốn, khi chuyển tiền mới cần báo cáo”.

Các bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm và Phan Đình Đức đều cho rằng việc đồng ý góp vốn cũng như ký nghị quyết chi tiền là do nhiệm vụ, trách nhiệm, không biết hoặc chưa cập nhật quy định mới của pháp luật.

Ông Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, việc đầu tư vào OJB rất tốt vì lợi nhuận của ngân hàng này trong năm 2009 - 2010 lớn; các cơ quan chức năng đã cho phép PVN nắm giữ 20% vốn của OJB. Về việc năm 2011, Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực quy định 1 tổ chức chỉ được nắm tối đa 15% cổ phần của một tổ chức tín dụng nhưng PVN không thoái vốn mà góp thêm 100 tỷ đồng để nắm giữ 20% cổ phần, ông Sơn giải thích, có thể giữ tỷ lệ cao hơn mức 15% nếu Thủ tướng quyết định và việc PVN nắm vốn tại OJB đã được Thủ tướng cho phép trước đó.

Góp vốn như “gả gái xinh nhưng đã có chồng”

Tương tự, bị cáo Đinh La Thăng cũng khẳng định việc góp vốn được Thủ tướng đồng ý. Nguyên Chủ tịch PVN thừa nhận việc ký thỏa thuận hợp tác với OJB: “Việc này xuất phát từ việc ngân hàng Hồng Việt không được thành lập, khi ký xong thỏa thuận thì OJB sẽ tiếp nhận con người, trang bị từ Hồng Việt. Trong thỏa thuận ghi rõ 2 bên sẽ hoàn thiện các thủ tục để báo cáo cơ quan chức năng… Thỏa thuận được ký ngày 18/9/2018”.

Chủ tọa nhắc lại văn bản của bị cáo Nguyễn Ngọc Sự - nguyên Phó TGĐ PVN (bị khởi tố trong vai trò Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp tàu thủy SBIC). Nội dung, ông Sự khẳng định OJB là ngân hàng nhỏ, gặp khó khăn… Ông Thăng giải thích: “Báo cáo của anh Sự nói rất rõ thực trạng của OJB… quy mô vốn thấp, khả năng thanh khoản thấp nên người ta có nhu cầu tăng vốn thì PVN mới có cơ hội góp vốn. Góp vốn xong thanh khoản sẽ tăng…”.

Về thỏa thuận ký với Hà Văn Thắm, bị cáo Thăng khai: “Thỏa thuận 18/9 không có ý nghĩa về mặt pháp lý… chỉ có hiệu lực khi được HĐQT thông qua, nếu không thì không có giá trị”. Ông Đinh La Thăng cũng thừa nhận ký nghị quyết về việc góp vốn trước khi xin ý kiến Chính phủ.

Chủ tọa hỏi, việc đầu tư có phải xin ý kiến Thủ tướng? Bị cáo Thăng khai: “Việc này là đầu tư ra ngoài Công ty mẹ, theo quy định thì trước khi đầu tư nhất là đầu tư vào tổ chức tài chính phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả các nghị quyết của PVN bị cáo ký đều tuân thủ quy định của pháp luật… Không có quy định phải ký nghị quyết trước hay sau khi xin ý kiến Thủ tướng, chỉ có quy định khi đầu tư ra ngoài phải được Thủ tướng đồng ý và PVN làm đúng theo điều đó. Thực tế, sau khi Thủ tướng đồng ý 3 tháng thì TGĐ PVN mới chuyển tiền vào OJB và quyết định chuyển tiền ghi rõ căn cứ vào sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ”.

Chủ tọa tiếp tục đặt câu hỏi về việc Bộ Tài chính từng yêu cầu PVN báo cáo tình hình OJB trước khi góp vốn. Bị cáo Thăng khai: “Trong nội dung văn bản của Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho PVN góp vốn. Công văn của Bộ Tài chính không trả lời PVN mà trả lời Thủ tướng khi Thủ tướng có văn bản hỏi ý kiến… công văn ghi gửi PVN chỉ để biết, không phải để PVN trả lời…”.

Nói thêm về ngân hàng Đại Dương, ông Đinh La Thăng đánh giá: “OJB có vốn nhỏ nhưng nếu tăng vốn gấp đôi thì khả năng huy động vốn của nó sẽ tăng lên nhất là khi có đối tác lớn như PVN. Thực tế PVN đầu tư vào OJB đem lại hiệu quả rất lớn”.

Theo ông Thăng, PVN đánh giá OJB bằng văn bản của bị can Nguyễn Ngọc Sự: “Văn bản này đánh giá OJB kém nhưng chốt hạ là chất lượng trung bình khá vì nó nhỏ, muốn nó lớn lên phải tăng vốn. Lúc đó, việc góp vốn ngân hàng rất khó do Chính phủ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên PVN không được thành lập ngân hàng… Việc báo cáo của anh Sự là đúng, phân tích của HĐQT là đúng và hiệu quả của OJB chứng minh chủ trương góp vốn là hoàn toàn đúng đắn”. Ông Thăng cũng khẳng định, việc PVN góp vốn vào OJB vì ngân hàng Hồng Việt không được thành lập. Sau khi góp vốn, OJB phải tiếp nhận cơ sở của Hồng Việt và việc này giống như PVN “gả đi một cô gái xinh đẹp nhưng đã có chồng”.

Về phần mình, đại diện OJB đề nghị, trong vụ án có hành vi của Ninh Văn Quỳnh chiếm đoạt tiền từ Nguyễn Xuân Sơn, đây là tiền của OJB nên đề nghị trả lại ngân hàng. Hôm nay (20/3), tòa tiếp tục làm việc.

Cũng tại tòa, đại diện PVN trả lời HĐXX đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng căn cứ tài liệu, chứng cứ giải quyết vụ án theo đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho Tập đoàn Dầu khí. Chủ tọa hỏi yêu cầu cụ thể của nguyên đơn dân sự, nhưng đại diện PVN không nói thêm. Về tiền cổ tức được chia, vị này cho biết từ 2009 – 2013, PVN được OJB chia hơn 241 tỷ đồng, đây là lợi tức hợp pháp.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn