|
Ông Đinh La Thăng trong lần hầu tòa tháng 1.2018 (ảnh TTXVN). |
Cách đây đúng một năm (tháng 3.2017), TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ đại án OceanBank với bị cáo Hà Văn Thắm và các đồng phạm, ngay ngày đầu tiên đã xảy ra sự bất thường. Đó là một bị cáo trong vụ án bị bệnh hiểm nghèo đang phải điều trị không tham dự phiên tòa được. HĐXX đã phải tạm đình chỉ vụ án với bị cáo này để xử lý sau.
Tiếp đến, trong quá trình xét hỏi với các bị cáo thấy xuất hiện những tình tiết chưa được làm rõ, HĐXX đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Từ kết quả điều tra bổ sung, có người bị truy tố thêm tội, có những người bị thay đổi tội danh có mức án nặng hơn.
Đến cuối tháng 8.2017, vụ án Hà Văn Thắm được TAND TP.Hà Nội xét xử trở lại, cũng trong ngày đầu tiên có đến 3 bị cáo có đơn xin vắng mặt vì lý do sức khỏe, đang phải điều trị. Đáng chú ý, trong quá trình diễn ra phiên tòa, Cơ quan điều tra – Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng để điều tra về hành vi sai phạm liên quan đến OceanBank. Tiếp sau đó Cơ quan điều tra còn khởi tố 3 vụ án hình sự khác để điều tra.
Có thể nói, đối với những vụ án có tính chất phức tạp, khi xét xử yếu tố bất ngờ có thể xảy ra. Chưa rõ phiên xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm có xảy ra yếu tố bất thường không. Cách đây hơn 2 tháng, trong phiên tòa xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm liên quan đến sai phạm khi triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, mọi việc diễn ra bình thường. Tại phiên tòa đó, có một số luật sư bận tham gia bào chữa cả vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm trong TP.HCM. Tuy nhiên Hội đồng xét xử của TAND TP. Hà Nội cũng đã tạo điều kiện để các luật sư tham gia cả trong hai vụ án.
Trong vụ án xử ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT/HĐTV của PVN vì sai phạm trong việc PVN góp vốn và làm mất vốn tại OceanBank có 7 bị cáo. Tất cả cùng bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999. Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, trong số 7 bị cáo có 3 người được hưởng tại ngoại. Những người này tự đến phiên tòa theo giấy triệu tập, còn 4 bị cáo đang bị tạm giam, trong đó có ông Đinh La Thăng.
Chủ tọa xử phiên tòa này là thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu. Nữ thẩm phán này từng là chủ tọa phiên tòa xử các bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà vừa kết thúc ít ngày trước đó. Năm trước, thẩm phán Thu cũng là chủ tọa một phiên tòa rất được dư luận chú ý. Đó là phiên xử cựu đại biểu Quốc hội Châu Thi Thu Nga và đồng phạm.
Trong vụ án này ông Đinh La Thăng có 5 luật sư bào chữa, trong đó có 3 luật sư đã từng bào chữa cho ông trong vụ án xử tháng 1.2018. Tại phiên tòa đó, ông Đinh La Thăng bị tuyên phạt 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bồi thường 30 tỷ đồng. Sau đó ông Đinh La Thăng có đơn kháng cáo bản án này.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, sau khi PVN không được thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt, bị cáo Đinh La Thăng khi đó với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN đã chỉ đạo bị cáo Nguyễn Xuân Sơn làm việc với một số tổ chức tín dụng để thỏa thuận việc góp vốn, trong đó có Oceanbank. Thực hiện chủ trương góp vốn vào tổ chức tín dụng, tháng 9.2008, Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) đã trao đổi, bàn bạc và thống nhất về việc PVN góp vốn để trở thành cổ đông chiến lược của OceanBank. Thực hiện thỏa thuận, PVN đã nhiều lần góp vốn với tổng số tiền lên đến 800 tỷ đồng vào OceanBank. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng này của PVN đã bị mất hoàn toàn khi OceanBank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua lại với giá 0 đồng. Hành vi của ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong việc góp vốn trên được xác định là hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. |
Theo Dân Việt