Hà Văn Thắm: PVN từng có cơ hội thoát khoản lỗ 800 tỷ đồng

Thứ ba, 20/03/2018, 13:59
Nguyên chủ tịch ngân hàng Đại Dương cho biết, từng có đối tác muốn mua lại 20% cổ phần của PVN đúng với giá 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng bán cho đơn vị ngoài sẽ bị thiệt.

Hà Văn Thắm tại phiên tòa sáng nay.

Sáng 20/3, tại phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các luật sư nêu câu hỏi với những người liên quan để làm rõ khoản vốn góp 800 tỷ đồng của PVN bị thất thoát tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OJB).

Luật sư Phan Trung Hoài hỏi ông Nguyễn Ngọc Sự - nguyên Phó TGĐ PVN về chủ trương góp vốn vào OJB. Theo ông Sự, khi ngân hàng Hồng Việt của ngành dầu khí không được thành lập, ban trù bị Hồng Việt đã tiếp cận nhiều ngân hàng nhưng không tổ chức nào đáp ứng được yêu cầu của PVN.

“Có những ngân hàng giá cổ phiếu quá cao hoặc PVN không được tham gia quản lý, điều hành… nên tôi thấy tham gia sẽ bất lợi. Thời điểm đó rất nhiều ngân hàng khó khăn, muốn tìm đối tác chiến lược để tăng thêm sức mạnh. OJB cũng là một ngân hàng như vậy và được xếp hạng trung bình khá. Việc xếp hạng là đánh giá của ban trù bị Hồng Việt sau khi nghiên cứu toàn bộ tài liệu... Tôi ghi trong báo cáo, OJB là ngân hàng nhỏ, đang tìm cổ đông tầm cỡ như PVN” – ông Sự nói.

Bà Phan Thị Hòa - nguyên thành viên HĐTV PVN cho biết, tiền PVN đầu tư vào OJB nằm trong kế hoạch sử dụng vốn giai đoạn 5 năm của tập đoàn được duyệt trước đó. Vì vậy, khi Thủ tướng có văn bản yêu cầu cần đối vốn, PVN đã không làm lại.

Tiếp đến, luật sư Hoài đề nghị ông Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch OJB giải thích việc ban trù bị Hồng Việt đánh giá OJB là ngân hàng nhỏ vào năm 2008. Ông Thắm nói: “Vì tỷ lệ an toàn vốn thấp, OJB thiếu khoảng hơn 60 tỷ đồng trích lập dự phòng do OJB chỉ có vốn 1.000 tỷ… nếu tăng vốn lên 2.000 tỷ sẽ có tiền trích lập dự phòng”.

Về việc PVN có tìm hiểu OJB hay không, Hà Văn Thắm cho biết ngân hàng đã niêm yết nên công khai tất cả báo cáo tài chính trên mạng, ban trù bị Hồng Việt có thể tự lấy, tự làm đánh giá không cần tiếp xúc OJB. Cũng theo ông Thắm, khi Bộ Tài chính yêu cầu PVN làm rõ chứng khoán và tín dụng của OJB, ngân hàng này có trả lời tín dụng vẫn giữ, OJB không đầu tư vào chứng khoán. Hà Văn Thắm cũng đánh giá: “Bộ Tài chính chỉ khuyến cáo, không bắt báo cáo nên OJB không báo nữa vì thực trạng tài chính không thay đổi”.

Nói về thỏa thuận góp vốn ký với ông Đinh La Thăng vào tháng 9/2008, Hà Văn Thắm nói: “Các điều khoản PVN đưa tôi đều chấp nhận, anh Thăng nói muốn kiếm lời thì hợp tác với nhau chứ đừng kiếm lời từ cổ phiếu… Ký thỏa thuận để làm căn cứ báo cáo HĐQT và Thủ tướng. Ông Thăng nói nếu cậu đồng ý mà tớ báo cáo HĐQT và Thủ tướng xong cậu lại thôi sẽ thành trò đùa, phải ký”.

Cũng theo ông Thắm: “Tôi cũng phải xin ý kiến HĐQT và đại hội cổ đông nhưng chúng tôi đang rất cần cổ đông chiến lược nên đây là cơ hội tốt cho cả 2 bên… Ký trong một ngày chưa chắc đã là nhanh, tôi làm kinh doanh có cái lớn hơn còn quyết định nhanh hơn…. Quyết định này là chính và quan trọng nhất trong việc phát triển của OJB trong những năm sau đó”.

Hà Văn Thắm cũng phản biện kết luận thanh tra của NHNN năm 2012, nội dung OJB có thể lỗ. Nguyên chủ tịch OJB phản biện, kết luận thanh tra trên căn cứ theo tiêu chuẩn của 1 số nước, tổ chức AAA và đến nay vẫn chưa được áp dụng tại Việt Nam. “Nó chỉ là khuyến cáo thôi nên thanh tra không yêu cầu OJB truy thu cổ tức đã phát cho cổ đông. Thanh tra cũng chấp nhận báo cáo của OJB và kiểm toán công bố” – lời Hà Văn Thắm.

Được hỏi về lần tăng vốn điều lệ từ 3.500 lên 4.000 tỷ đồng năm 2011 dẫn đến việc PVN góp thêm 100 tỷ đồng sai quy định, Hà Văn Thắm cho biết việc này được đại hội cổ đông quyết định tại một cuộc họp có sự tham gia của đại diện tỉnh Hải Dương (OJB đăng ký ở Hải Dương) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN)… tham gia.

Ông Thắm nói: “Việc tăng vốn thêm 500 tỷ là yêu cầu của giám đốc NHNN, chị ấy nói với cổ đông, kết quả chưa đủ tốt, ngân hàng vẫn nhỏ nên nếu giờ các vị nhận cổ tức là ăn hơi non nên các vị tăng vốn đi. Từ đó chúng tôi tăng vốn đúng bằng cổ tức được chia”.

Hà Văn Thắm cũng khẳng định, OJB đã làm tất cả các nghiệp vụ để đảm bảo tính pháp lý cho việc tăng vốn như xin giấy phép tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước….

Đáng chú ý, Hà Văn Thắm cho biết PVN từng có cơ hội “thoát lỗ” khi có đối tác muốn mua lại 20% vốn của tập đoàn tại OJB. “Tôi được gặp trực tiếp, Thủ tướng nói em tìm đối tác bán đi cổ phần của PVN… Có đối tác phát văn bản cho PVN mua lại 20% với giá 800 tỷ”.

Ông Thắm nói thêm, từng nắm thông tin PVN báo cáo Thủ tướng việc thoái vốn nhưng NHNN cho rằng nên giao lại cổ phần cho NHNN, để bên ngoài mua sẽ thiệt và sau đó OJB được NHNN mua giá 0 đồng.

Hà Văn Thắm cũng đánh giá: “Việc mua này không đúng, đã được đưa trong bản án của tòa Hà Nội (xử sơ thẩm Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm) đề nghị xem xét lại... OJB có yếu kém không thì đều dựa trên kết luận thanh tra năm 2014, chúng tôi đã báo cáo ngân hàng trung ương rằng nợ xấu đã thu 8.000 tỷ… Cơ quan thanh tra cứ thấy vướng là trích lập bằng 0 hết nhưng nếu có tài sản thế chấp thì không thể bằng 0 được”. Ông Thắm lấy ví dụ khoản cho vay xấu nhất của OJB là khoản vay của Cty Trung Dung (của Pham Công Danh) khiến ông bị kết án vẫn có tài sản thế chấp giá trị lớn.

Tiếp đến, ông Thắm cho rằng không hợp lý khi đại diện OJB (nay là ngân hàng TNHH MTV Đại Dương) yêu cầu nhận 20 tỷ do Nguyễn Xuân Sơn giao Ninh Văn Quỳnh vì nếu giao tiền đó cho OJB, Nguyễn Xuân Sơn không còn tội tham ô nữa (ông Sơn bị tuyên án sơ thẩm tử hình).

Vị này phân tích, bản án tuyên cho mình và Nguyễn Xuân Sơn đã xác định bị cáo Sơn chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của PVN và các cổ đông khác của OJB (ông Thắm là cổ đông lớn nhất). Vì vậy, số tiền 20 tỷ đồng ông Quỳnh nhận phải được trả cho các cổ đông của OJB trước đây.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn