Yêu cầu này được đưa ra sau khi luật sư của Nguyễn Xuân Sơn yêu cầu HĐXX triệu tập bà Võ Thị Thanh Xuân tới phiên tòa nhằm làm rõ những vấn đề trong việc kê biên tài sản mang tên hai vợ chồng Nguyễn Xuân Sơn để khắc phục hậu quả của vụ án.
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra hồi tháng 9/2017, bà Võ Thị Thanh Xuân cũng đã được TAND TP.Hà Nội triệu tập. Tại đó, trước cáo buộc Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt 246 tỷ đồng, bà Xuân khẳng định sẵn sàng đền bù thiệt hại thay cho chồng, nhưng xin HĐXX không kê biên ngôi biệt thự tại khu đô thị (KĐT) Ciputra.
“Tài sản của hai vợ chồng tôi được hình thành từ trước giai đoạn anh Sơn làm ngân hàng. Tôi có nghe nói anh Sơn chiếm đoạt và làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng, giả sử anh Sơn bị quy buộc vào tội này thì tôi, với tư cách người vợ chăm lo cho gia đình, tôi sẵn sàng dùng tài sản riêng của tôi xin được bồi hoàn tối đa có thể để chồng tôi được hưởng khoan hồng”.
Về ngôi biệt thự tại KĐT Ciputra, bà Võ Thị Thanh Xuân nói: “Hiện nay ngôi nhà tôi đang ở cùng mẹ chúng tôi (tại KĐT Ciputra) là mẹ liệt sĩ, mua trước khi anh Sơn về ngân hàng. Đó là nguồn tiền của mẹ tôi, mẹ tôi năm nay 92 tuổi nên anh chị em chúng tôi đã thỏa thuận cho mẹ tôi ở ngôi nhà đó. Xin HĐXX không kê biên để mẹ tôi có chỗ dưỡng già và có nơi để thờ cúng”.
Đối với cổ phiếu và căn hộ của Nguyễn Xuân Sơn do em họ của Sơn là Nguyễn Xuân Thắng đứng tên, bà Xuân kiến nghị HĐXX cứ xử lý theo quy định của pháp luật để khắc phục những hậu quả do chồng bà gây ra.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại phiên tòa phúc thẩm ngày 18/4. |
Tại bản án sơ thẩm số 330/2017/HS-ST ngày 29/09/2017 của TAND TP.Hà Nội, HĐXX buộc Nguyễn Xuân Sơn phải nộp số tiền 69 tỷ đồng để sung công quỹ Nhà nước. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phải bồi hoàn cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) số tiền 49 tỷ đồng, buộc bị cáo phải bồi hoàn cho Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương 197 tỷ đồng.
Nguyễn Xuân Sơn cũng phải chịu liên đới cùng với Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch OceanBank) và Nguyễn Minh Thu (cựu Tổng Giám đốc OceanBank) bồi hoàn cho Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương số tiền 991 tỷ đồng, trong đó Nguyễn Xuân Sơn chịu 200 tỷ đồng.
Để đảm bảo quá trình thi hành án, HĐXX quyết định tiếp tục duy trì lệnh kê biên tài sản của Nguyễn Xuân Sơn gồm:
Quyền sử dụng 120m2đất và tài sản gắn liền với đất thuộc thửa đất số 180A theo tờ bản đồ số 31. Thửa đất tọa lạc tại số 31A, ngách 31/46 đường Xuân Diệu (tổ 16, cụm Tây Hồ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội), đứng tên Nguyễn Xuân Sơn và Võ Thị Thanh Xuân theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất số 10103111042 do UBND TP Hà Nội cấp ngày 18/01/2001;
Quyền sử dụng 342m2đất và tài sản gắn liền với đất tọa lạc tại số 21, Lô D2, khu đô thị Nam Thăng Long (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội), đứng tên Nguyễn Xuân Sơn và Võ Thị Thanh Xuân theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI 711990 do UBND quận Tây Hồ cấp ngày 12/12/2007;
Quyền sở hữu căn hộ số 2006 tòa nhà N07/B2 thuộc dự án Nhà ở để bán cho cán bộ chiến sĩ Bộ Công an tọa lạc tại Khu đô thị mới Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) do Nguyễn Xuân Thắng (em họ Sơn) đứng tên;
Phong tỏa toàn bộ giá trị cổ phần, cổ phiếu, tài khoản của Nguyễn Xuân Thắng để đảm bảo cho việc thi hành án của Nguyễn Xuân Sơn.
Trước đó, Nguyễn Xuân Sơn đã tự nhận mình là nhà đầu tư có tiếng trên thị trường chứng khoán. Có thời điểm, tổng vốn đầu tư của cá nhân Sơn vào các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, sàn vàng,… lên đến cả trăm tỷ đồng.
Cũng tại bản án sơ thẩm số 330/2017/HS-ST ngày 29/9/2017, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Xuân Sơn 17 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Tử hình về tội “Tham ô tài sản”; Chung thân về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp, buộc Nguyễn Xuân Sơn phải chấp hành hình phạt chung của 3 tội là Tử hình. Trong đơn kháng cáo bản án sơ thẩm trên, Nguyễn Xuân Sơn kêu oan đối với tội Tham ô tài sản.
Ngoài vụ án này, Nguyễn Xuân Sơn cũng là bị cáo trong 2 vụ án khác với tư cách Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Cả hai vụ án này đều đã xử cấp sơ thẩm và Nguyễn Xuân Sơn đều đã có đơn kháng cáo.
Trong vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại PVN và PVC, Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên phạt 9 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’’, đồng thời phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường cho PVN số tiền 119,804 tỷ đồng, chia theo kỳ phần, Sơn phải chịu bồi thường 7,5 tỷ đồng.
Còn tại vụ án gần đây nhất, vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank do Đinh La Thăng là người đứng đầu, Nguyễn Xuân Sơn bị HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt 30 tháng tù; buộc phải bồi thường cho PVN 15 tỷ đồng trong tổng số 800 tỷ đồng PVN đã mất sau khi OceanBank bị NHNN mua lại với giá 0 đồng.
Theo Infonet