Liên quan đến vụ cài 10 thỏi thuốc nổ trong cây ATM tại TP.Uông Bí (Quảng Ninh), trả lời VTC News, chuyên gia tội phạm học, Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng đối tượng cài thuốc nổ khả năng để chiếm đoạt tiền trong ATM. Đó có thể là người địa phương, thông thuộc địa bàn và có am hiểu về thuốc nổ trong khai thác mỏ.
"Thủ phạm không dùng mìn để ám sát hay giết người, mà hành động đó có thể nằm trong chuỗi các vụ tấn công vào cây ATM nhằm mục đích lấy tiền", Trung tá Hiếu nói.
Khu vực cây ATM bị cài 10 thỏi mìn. |
Ba giả thuyết
Trung tá Đào Trung Hiếu đưa ra các giả thuyết về động cơ của kẻ đặt mìn. Thứ nhất, thủ phạm nhằm vào việc phá cây ATM để chiếm đoạt số tiền bên trong két của ATM.
Thứ hai, ông Hiếu cho rằng không loại trừ khả năng khủng bố. Tuy nhiên, bối cảnh nơi diễn ra vụ việc là khu chung cư của công nhân mỏ than, không phải địa điểm chính trị, kinh tế có ảnh hưởng lớn đến đời sống an ninh trật tự.
"Thông thường nếu thủ phạm đặt mục tiêu khủng bố thì thường nhằm vào các công sở, các cơ quan có thể gây tiếng vang về chính trị", ông Hiếu nói.
Thứ ba là mâu thuẫn thù tức mang tính cá nhân. ATM là địa điểm công cộng, bất cứ ai có thể vào nên theo Trung tá Hiếu khả năng nhằm vào cá nhân nào đó để giải quyết mâu thuẫn thù tức là không cao.
"Nếu là nhà của một ai đấy, một công dân nào đấy bị gắn như vậy thì có thể là mâu thuẫn cá nhân", Trung tá Hiếu phân tích.
Từ phân tích trên, ông Hiếu nói: "Khả năng cao nhất của việc đặt mìm là thủ phạm muốn chiếm đoạt tiền trong ATM". Thời gian qua nhiều kẻ từng dùng thuốc nổ, mìn để thực hiện điều đó. Như vụ xảy ra ngày 22/12/2017 tại Nghệ An, thủ phạm cũng sử dụng mìn để úp vào cây ATM và khi nổ to quá, chúng không lấy được tiền. Tiếp đến ngày 15/1/2018 bọn chúng đặt mìn thì bị bắt.
Về ý kiến lượng thuốc nổ 2kg là quá lớn cho mục đích phá ATM lấy tiền, chuyên gia cho rằng có thể thủ phạm không đánh giá được mức độ công phá của khối thuốc nổ này là thế nào. Cũng có thể chúng nghĩ rằng phải dùng lượng thuốc nổ như vậy mới có thể phá tung két.
Chuyên gia tội phạm học, Trung tá Đào Trung Hiếu. |
Thủ phạm có thể là người địa phương
Nhận định ban đầu về nghi phạm, trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng, thủ phạm chắc chắn phải là người thông thạo địa bàn, không loại trừ khả năng là những công nhân mỏ than sống gần đó và phải là nhóm có ít nhất từ 2 người trở lên thực hiện hành vi.
"Thuốc nổ được thu giữ trong cây ATM được dùng trong việc khai thác mỏ. Cách thức lắp đặt thiết bị của thủ phạm tỏ ra rất là có nghề. Điều này cho thấy vụ việc có thể liên quan tới những người có công việc gắn với hầm mỏ, gắn với khai thác mỏ", ông Hiếu nói.
"Không loại trừ khả năng chính là địa phương và là người ở khu vực đó", Trung tá Hiếu nói thêm.
Từ đó, theo chuyên gia tội phạm học, hướng điều tra có thể tập trung vào số cư dân ở chung cư hoặc gần khu vực đó, những người có hiểu biết về thuốc nổ, khai thác mỏ và sử dụng thành thạo thuốc nổ hay những người có biểu hiện nợ nần.
Giải pháp phòng ngừa
Trước hàng loạt vụ đột nhập, phá két ATM để chiếm đoạt tiền, Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng ngành ngân hàng, các cơ quan chủ quản các cây ATM cần có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an cơ sở, nơi lắp đặt các trụ rút tiền.
Trước hết, các lực lượng chức năng cần triển khai các biện pháp lắp đặt thiết bị báo động kịp thời, những hiện tượng như hàn xì, nung nóng, khoan phá đập két đều phải được ghi lại chuyển ngay đến lực lượng chức năng, từ đó kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường của các trụ tiền để ngăn chặn và bắt giữ người vi phạm.
Thứ hai, các cây ATM rất dễ bị tấn công nếu như nó đứng biệt lập ở nơi vắng vẻ, xa khu dân cư. Ở những nơi này, ngoài việc bị tấn công phá hoại, cây ATM còn có thể bị gắn những thiết bị đọc trộm thông tin trên thẻ để làm giả.
Vì vậy, những cây ATM có tính biệt lập cần được chuyển về nơi an toàn, không nên lắp đặt tràn lan ở những nơi ít người qua lại, vắng vẻ để các đối tượng có thời gian thao tác, làm những chuyện không ai biết được.
Theo VTC