"Ăn nem" với Việt kiều, vợ kiện chồng để trả con cho cha ruột

Thứ tư, 24/10/2018, 14:05
Đó là câu chuyện xảy ra ở Hà Nội. Người mẹ đã kiện chính chồng mình ra tòa để trả con cho cha ruột...

Chị Đào Thu Hà và anh Phùng Minh Nhất là vợ chồng, kết hôn tự nguyện. Anh chị có con chung vào năm 2010 và đến năm 2014 thì phát sinh mâu thuẫn.

Lòng dạ đàn bà

Trong thời gian này chị Hà gặp anh Đào Xuân Huy, Việt kiều Úc, quan hệ tình cảm với nhau.

Sau khi anh Huy trở lại Úc thì chị Hà báo anh Huy biết mình có thai. Rồi chị Hà làm đơn xin ly hôn với anh Nhất và được tòa xử ly hôn vào tháng 6-2016.

Đến tháng 10-2016 chị Hà sinh một bé gái và thời điểm chị Hà sinh con nằm trong thời hạn 300 ngày sau ly hôn với anh Nhất - Luật hôn nhân của Việt Nam quy định trong thời hạn này thì về mặt pháp lý đứa bé vẫn được coi là con của anh Nhất.

Chị Hà đặt tên con là Đào Hương Ly theo họ của mình nhưng trong giấy khai sinh vẫn ghi tên người cha là anh Nhất.

Cú sốc của anh Việt kiều

Ly hôn xong, chị Hà nhắn cho anh Huy đề nghị anh trở lại Việt Nam nhận bé Ly. Anh Huy rất bất ngờ với thông tin này dù được chị Hà báo là đã có thai với anh ngay từ khi mới cấn bầu nhưng anh vẫn không chắc chắn đó là con mình.

Ở Úc, anh Huy cũng đã có vợ con, chuyện quan hệ với chị Hà là lén lút. Tuy nhiên anh hứa nếu đứa bé đúng là con mình thì anh sẽ nhận con.

Có mặt tại phiên tòa, anh Huy cho biết anh đã làm giám định ADN và đó là con của anh chứ không phải của anh Nhất.

Anh cũng bảo đảm mình sẽ có trách nhiệm với đứa bé. Vấn đề lớn của anh là không biết giải thích với vợ con ở Úc như thế nào về việc mình "có con ngoài luồng" vì sợ gây ra cú sốc lớn đối với họ.

Khi con mình là máu mủ của kẻ khác

Khi cung cấp bản khai trước tòa, anh Nhất cho biết cuộc sống hôn nhân của anh và chị Hà chỉ hạnh phúc thời gian đầu, thời gian sau phát sinh nhiều mâu thuẫn.

Khi chị Hà có bầu đứa thứ hai, anh vẫn tưởng là con của anh vì hai người vẫn còn quan hệ sinh lý. Vậy nên anh rất ngạc nhiên tại sao chị Hà lại một mực đòi ly hôn trong khi mới có thai.

Lúc đó, người nhà cũng nghi ngờ nhưng anh Nhất không bao giờ nghĩ đứa bé là con người khác.

Sau khi ly hôn xong, chị Hà sinh con, anh và gia đình vẫn trông nom cháu bé như con ruột. Khi đứa bé đầy tháng, chị Hà giấu chồng tự đi làm giấy khai sinh cho con.

Anh Nhất chỉ biết được sự thật bé Ly không phải là con mình khi chị Hà làm đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu xác định cha cho bé Ly.

"Nếu mẹ cháu đã khẳng định đó không phải là con tôi thì tôi tin. Tôi cũng không cần phải giám định ADN làm gì cho tốn kém. Và giờ tôi đã hiểu vì sao cô ấy muốn ly hôn với tôi dù mâu thuẫn vợ chồng không có gì là nghiêm trọng" - anh Nhất nói tại phiên tòa xét xử vụ kiện oái oăm này.

Sau phiên tòa, anh Nhất quay lại cuộc sống độc thân khi đã 37 tuổi và chăm sóc đứa con trai lớn. "Tôi không biết mình còn niềm tin vào phụ nữ nữa hay không?" - anh Nhất buồn rầu nói.

Còn về chị Hà, chị có hứa sau khi ra nước ngoài với anh Huy sẽ tìm cách đưa con trai lớn đi theo, hiện giờ chị mong anh Nhất chăm sóc cho con. Như vậy, đứa con trai lớn thực sự sẽ phải xa mẹ hoặc xa cha trong hành trình trưởng thành.

Anh Nhất không nói anh có cho con đi với mẹ hay không, nhưng anh bảo: "Sai lầm của người mẹ khiến đứa con chung của chúng tôi phải chịu cảnh bất hạnh. Không biết có khi nào cô Hà chịu nghĩ về điều này cho con không?".

Sau khi có kết quả giám định ADN, tòa đã ra quyết định công nhận anh Huy là cha ruột của bé Ly để chị Hà cầm bản án của tòa về địa phương làm thủ tục thay tên cha cho con gái.

Đối mặt với họ hàng

Chuyện buồn vì gia đình con cái đối với anh Nhất cũng không quan trọng bằng việc họ hàng nội ngoại mỗi khi gặp đều đề cập về quan hệ giữa hai người.

Rồi những người họ hàng khi không có anh Nhất đều nói về việc anh bị cắm sừng đến mức bị vợ bỏ: "Thực ra, lâu nay đàn ông phản bội đàn bà thì nhiều, chứ đàn bà có chồng rồi ít khi phản bội đàn ông. Vậy nên đối với tôi và họ hàng mà nói, đây là nỗi nhục không thể nuốt trôi và tôi cũng không hiểu được mục đích cuối cùng của cô ấy là gì.

Nếu không còn yêu thương nữa tại sao vẫn sinh hoạt vợ chồng với tôi, nếu toan tính về việc được ra nước ngoài sinh sống mà không có tình yêu thì liệu cô ấy có hạnh phúc hay không?".

Nhưng đau đầu nhất đối với anh Nhất chính là đối diện với họ hàng nội ngoại. Nhà anh sống trong một làng khoa bảng nức tiếng ở Hà Nội, ở đó từng viên gạch, từng con ngõ đều mang đậm dấu vết lịch sử.

"Khi bố mẹ tôi chọn dâu, tôi chọn vợ nào ai nghĩ đến ngày phải xảy ra cớ sự thế này" - anh Nhất nói. Người trong nhà thì buồn, người trong họ đàm tiếu. Bạn bè thì hỏi bị cắm sừng sao không biết.

"Làm thằng đàn ông bị vợ cắm sừng mà không biết thì ngu quá!" - ông trưởng họ mắng như thế.

Bi kịch của đàn ông

"Thực tình, bởi nghĩ đứa trẻ là con mình nên tôi cũng yêu thương và chăm sóc như con ruột. Lúc cô ấy sinh, không hề nói nó không phải là con tôi nên tôi và gia đình lo lắng chăm sóc cháu mà chẳng mảy may nghi ngờ gì.

Đến khi tôi nhận thông báo mình bị kiện ra tòa mới ngỡ ngàng với những gì xảy ra. Nó phũ phàng đến mức tôi cảm tưởng mình như rơi từ trên đỉnh núi xuống vực sâu vậy.

Mới đây thôi, trong phiên tòa xử ly hôn, cô ấy mang bụng bầu ra tòa, tôi và tòa hết lời khuyên can nhưng cô ấy không chịu. Cô ấy cứ khăng khăng nếu tôi và cô ấy tiếp tục sống chung thì ảnh hưởng đến đứa trẻ trong bụng vì tâm trạng của cô ấy không tốt.

Trong phần cấp dưỡng nuôi con, tòa còn yêu cầu tôi cấp dưỡng cho đứa bé đến khi 18 tuổi vì tôi có thu nhập ổn định, còn cô ấy thì không" - anh Nhất kể lại.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn