Đề nghị hủy án sơ thẩm
Mở đầu phần tranh luận, luật sư Trương Vĩnh Thủy (bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn) cho rằng bị cáo Phấn không phạm tội.
Bên cạnh đó, luật sư cho rằng HĐXX xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm vào tháng 9/2016, đã ra quyết định khởi tố vụ án, xác định hành vi của một số bị cáo được đưa ra xét xử tại phiên tòa này lại tham gia HĐXX phiên tòa này là không vô tư, khách quan.
Luật sư Thủy cho rằng nguyên nhân thua lỗ dẫn đến tổng tài sản, vốn chủ sở hữu sụt giảm so với sổ sách như cáo trạng là do tại thời điểm tháng 2/2012, ngân hàng Đại Tín trích dự phòng rủi ro bổ sung, xuất toán lãi 5.978 tỉ đồng. Như vậy tại thời điểm mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, vốn chủ sở hữu chưa âm mà còn 3.132 tỉ đồng nên chưa đủ căn cứ để cho rằng số tiền mua nhà được lấy từ nguồn tiền gửi của khách hàng như quy kết.
Ngày26/10 các luật sư bào chữa cho bà Phấn tiếp tục trình bày quan điểm bào chữa. |
Luật sư cho rằng hành vi của Hứa Thị Phấn và những người liên quan chưa thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Từ đó, ông Thủy đặt ra câu hỏi: “Có phải vì ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại ngân hàng Xây Dựng với giá 0 đồng mới xảy ra vụ án này không?”
Tiếp đó, luật sư Lưu Văn Tám (bào chữa cho bà Phấn) cho rằng theo kết luận điều tra cho thấy, bị cáo Phấn khi tiếp xúc với CQĐT ở trong trạng thái khó tiếp xúc. Tuy nhiên, bà Phấn vẫn ký đơn kháng cáo trong vụ án OceanBank và có nhiều đơn tố cáo, kiến nghị khác. Viện kiểm sát đánh giá bà Phấn là không khai báo thành khẩn và có thái độ trốn tránh là chưa chính xác.
Theo luật sư Tám, trong suốt quá trình điều tra, diễn biến sức khỏe của bà Phấn ngày càng xấu hơn. Ngày 3/5/2018, luật sư đã có đơn xin giám định sức khỏe trước khi xét xử nhưng bị từ chối.
Theo ông, việc HĐXX quyết định xét xử vắng mặt bà Hứa Thị Phấn đã vi phạm điều 290 của Bộ Luật tố tụng hình sự. Đồng thời vi phạm thủ tục tố tụng hình sự vì đã tước đi quyền lợi của bị cáo theo điều 61 bộ luật trên.
Liên quan đến khoản vay của nhóm Phương Trang, Luật sư Tám cho biết mối quan hệ giữa bà Phấn và nhóm Phương Trang chỉ có chính họ là người biết rõ nhất. Việc HĐXX lại cho phép những người đứng đầu trong nhóm này (cả pháp nhân và cá nhân) mà chỉ có người đại diện tham dự sẽ không mang lại kết quả và sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những người có liên quan.
Từ những vấn đề chưa được làm rõ, luật sư Tám đề nghị HĐXX hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho Viện KSND Tối cao để điều tra lại.
Vũ “nhôm” liên quan gì tới Hứa Thị Phấn?
Theo hồ sơ vụ án, từ ngày 31/5/2010 đến ngày 29/6/2010, ngân hàng Đại Tín đã giải ngân bằng tiền mặt 880 tỉ đồng, nhưng công ty Phương Trang xác định chỉ nhận 500 tỉ đồng.
Cụ thể trên hồ sơ vay và chứng từ giải ngân đã ký, ngân hàng Đại Tín đã giải ngân cho công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn Phú Gia 300 tỉ đồng nhưng công ty Phương Trang chỉ thực nhận 199 tỉ đồng.
Đối với việc giải ngân khoản vay 300 tỉ đồng của công ty cổ phần Địa ốc Kỷ Nguyên, thực tế công ty Phương Trang chỉ nhận 211 tỉ đồng.
Tương tự, trên hồ sơ Ngân hàng Đại Tín đã giải ngân 110 tỉ đồng cho công ty TNHH Thành Đăng (nay là công ty TNHH bất động sản bất động sản Phương Trang) nhưng thực tế công ty Phương Trang chỉ nhận 90 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa cho bà Phấn) cho rằng ngân hàng Đại Tín đã giải ngân đủ 110 tỉ đồng cho công ty Phương Trang. Hồ sơ thể hiện phía công ty Phương Trang đã giải ngân 2 khoản tiền.
Cụ thể, khoản giải ngân thứ nhất là khoản lĩnh tiền mặt do ông Phạm Quốc Tuấn nhận 30 tỉ đồng vào ngày 26/5/2010, khoản giải ngân thứ 2 là 80 tỉ đồng cho công ty Thành Hiếu.
Sau đó từ Công ty Thành Hiếu đã chuyển trả cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") 30 tỉ đồng tiền mua đất ở Đà Nẵng, còn 50 tỉ đồng chuyển qua ngân hàng khác để rút tiền mặt.
Theo luật sư Thơ, Vũ “nhôm” là người thụ hưởng tiền của công ty Phương Trang vay của ngân hàng Đại Tín. Vì vậy, luật sư Thơ đề nghị HĐXX đưa Vũ “nhôm” vào tố tụng trong vụ án với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Ngày 26/10, phiên tòa tiếp tục tranh luận.
Theo Dân Trí