Khởi tố, tạm giam, khám nhà nguyên Giám đốc Ban QLDA đường thủy nội địa

Thứ tư, 31/10/2018, 11:55
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Văn Thông, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đường thủy nội địa, về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đang tiến hành điều tra, giải quyết vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

Bị can Phạm Văn Thông.

Theo cổng thông tin điện tử Bộ Công an, C01 đang tiến hành điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 40/QĐ-C01-P4 ngày 29/10/2018, xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, số 4 Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Quá trình điều tra vụ án, ngày 29/10/2018, C01 đã tiến hành các biện pháp tố tụng: Ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Văn Thông, nguyên Giám đốc Ban QLDA đường thủy nội địa, về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 Bộ Luật hình sự năm 2015; Thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam và khám xét chỗ ở đối với bị can Phạm Văn Thông.

Cùng ngày, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có các quyết định phê chuẩn các quyết định tố tụng nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Thông tin trên báo điện tử VnExpress, theo kết luận của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, ông Thông đã nhận hơn 4,8 tỷ đồng của 15 nhà thầu từ cuối năm 2015 đến 2016. Số tiền này được ông Thông chi tổ chức hội nghị, hội thảo, chi tiền ăn cho cán bộ, công chức và người lao động... tại Cục Đường thủy nội địa. Việc chi được các lãnh đạo Cục phê duyệt hoặc các cá nhân tự lấy tiền từ ông Thông. Ông Thông khai việc đưa tiền thực hiện theo "chỉ đạo miệng" của một Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa.

Việc thu tiền của các nhà thầu, duyệt chi cho hội nghị, hội thảo, ăn uống, tiếp khách... của Cục Đường thủy nội địa bị Thanh tra Bộ Giao thông đánh giá là "vi phạm pháp luật ở mức độ nghiêm trọng". Đây là lỗi chủ quan của các cá nhân tham mưu cùng lãnh đạo Cục, do sự thiếu hiểu biết pháp luật ở tất cả các cấp.

Trước kết luận trên của Thanh tra Bộ Giao thông, đầu tháng 9/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu chuyển kết quả xác minh về tiêu cực kèm các tài liệu liên quan đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn