|
Nhiều sinh viên chạy Grab đứng chờ khách tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM |
Vậy người chạy Grab phải làm thế nào để tránh được những rủi ro trên đường mưu sinh?
Một tháng bị trộm, cướp 2 lần
Bạn Phạm Minh Thiện, sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, được gia đình dành dụm mua cho chiếc xe máy trả góp để thuận tiện cho việc đi học. Do gia cảnh còn khó khăn nên ngoài việc học trên lớp, mỗi khi có thời gian rảnh Thiện lại chạy Grab.
Có hôm học cả ngày Thiện phải chạy Grab vào buổi tối. Bình quân một tuần Thiện kiếm được gần 1 triệu đồng. Thiện chia sẻ: "Chạy ban ngày thì không sao, nhưng cứ chạy ban đêm là phập phồng sợ bị cướp nên chỉ dám chạy đến 24h. Sau giờ đó là tắt app không dám nhận thêm bất kỳ cuốc nào nữa".
Thế nhưng Thiện cũng từng hai lần bị trộm, cướp vào ban đêm khi chở khách đến tỉnh Bình Dương. "Một lần, khoảng tầm 23h, định chạy thêm chuyến cuối rồi về lại KTX. Sau khi đến hẻm vắng, hắn yêu cầu em xuống xe, hắn cầm dao chỉ vào em và hăm dọa, yêu cầu đưa túi tiền. May em có võ nên đã đánh trả và chạy thoát được", Thiện nhớ lại.
Sau lần thoát khỏi tên cướp, Thiện cẩn thận hơn nhưng lại bị khách hàng móc bóp mất hết tiền bạc, giấy tờ tùy thân. Đó là lần Thiện chở một người phụ nữ về Bình Dương, khi đến nơi người phụ nữ trả tiền rồi đi. Do trời khuya, Thiện bỏ nhanh tiền vào túi, về đến nhà mới phát hiện bị khách lấy bóp tiền...
|
Tranh thủ nghỉ nửa buổi học, Xuân Bình (sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) chạy Grab kiếm thêm tiền |
Sinh viên Trần Tiến Duy, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng thường xuyên chạy Grab để kiếm thêm thu nhập, đỡ gánh nặng cho gia đình. Để có phương tiện chạy Grab, gia đình Duy vay mượn mua chiếc xe máy trả góp.
Duy chia sẻ thời gian chạy Grab theo kiểu sáng học chiều chạy và ngược lại. Hôm nào học hai buổi thì Duy chạy Grab vào ban đêm. Số tiền kiếm được mỗi ngày, Duy dành dụm đóng học phí.
Duy cho biết khi mới chạy Grab, nhiều bạn sinh viên thường không lường trước được nguy hiểm. "Nhận những cuốc có tuyến đường xa, lúc đầu chạy mình cũng rất ham, có hôm 23h còn nhận cuốc xe đến tận Bình Chánh. Sau này nghĩ lại những vụ cướp, mình cảm thấy sợ, nhiều hôm khuya quá là mình nghỉ, không ráng chạy nữa", Duy nói.
Nâng cao cảnh giác
Trao đổi với PV, PGS.TS Trương Văn Vỹ, giảng viên xã hội học tội phạm, cho biết tài xế Grab luôn trang bị ít nhất điện thoại di động đắt tiền và xe máy có giá trị và đó là những tài sản gây chú ý đối với tội phạm.
Về tâm lý cơ bản, người chạy xe Grab khi có tín hiệu khách hàng thì luôn vui mừng để chạy kiếm tiền nên thường dẫn đến chủ quan mọi thứ.
Để đảm bảo an toàn cho mình, người lái xe Grab cần trang bị, học hỏi những kỹ năng sống nói chung và kỹ năng đối phó với tội phạm trực tiếp đến ngành nghề mà mình đang hoạt động.
Tuy tội phạm ngày nay tinh vi nhưng trong những trường hợp cụ thể, tội phạm sẽ có dấu hiệu nghi vấn mà người lái xe Grab cảm nhận được. Từ đó cần phải đề cao cảnh giác và có thể tiên lượng một vài tình huống xấu có thể xảy ra và cách ứng phó.
|
Sinh viên Lê Nhật Hào bị sát hại tại một khu đất trống xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM |
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM, cho biết đối với hoạt động của xe Grab hay những phương tiện giao thông thường xuyên hoạt động, di chuyển vào những khu vực hẻo lánh hay những khung giờ đường vắng, đường khuya thì lực lượng Công an TP đều có những hình thức tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho những cá nhân, tổ chức hoạt động liên quan.
Theo đó, lực lượng Công an TP luôn có những biện pháp nghiệp vụ, tuần tra kiểm soát ở những địa bàn hẻo hánh, khung giờ vắng mà Công an TP đánh giá là phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Từ đó bố trí lực lượng, tăng cường công tác tuần tra khép kín ở những khu vực này, kịp thời phát hiện, phòng ngừa và ngăn chặn xử lý những hoạt động của tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản.
Công an TP khuyến cáo, về phía những cá nhân, tổ chức hoạt động Grab, phải hết sức chú ý bảo vệ mình, nâng cao cảnh giác đối với những khách hàng yêu cầu chở đi giờ khuya, đến những địa điểm vắng hoặc có những biểu hiện nghi vấn trong quá trình tiếp xúc, di chuyển trên xe… để có cách chủ động phòng ngừa.
Đồng thời, liên kết chặt chẽ hoạt động hội, nhóm Grab, thông tin liên lạc cho nhau thường xuyên và hiệu quả. Khi có dấu hiệu khả nghi cần sớm thông tin cho cơ quan chức năng gần nhất để có hướng xử lý kịp thời, tránh rủi ro.
Nhiều sinh viên chạy Grab Trả lời về việc bảo vệ người lao động, hợp tác của đơn vị, nhằm tránh những trường hợp nguy hiểm xảy ra, đại diện Công ty Grab Việt Nam (Grab) cho biết hiện nay có một lượng lớn sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP tham gia chạy Grab kiếm thêm thu nhập. Grab luôn hỗ trợ, tạo điều kiện các bạn làm việc gần khu vực mình sinh sống. "Vừa qua, tài xế Grab là sinh viên bị sát hại là một điều vô cùng đáng tiếc. Grab tích cực phối hợp cung cấp thông tin cho công an làm rõ vụ việc, liên hệ gia đình lo hậu sự. Grab cũng liên hệ bên bảo hiểm để làm thủ tục bảo hiểm cho sinh viên trong vụ sát hại. Theo hợp đồng, mức bảo hiểm tối đa đối với tài xế Grabbike là 200 triệu đồng, tài xế Grabcar là 800 triệu đồng", đại diện Grab cho biết. |
Theo TTO