|
Trong phần xét hỏi, bị cáo Đinh Ngọc Hệ trình bày rất nhiều nội dung chứng minh mình không phạm tội, thậm chí cựu phó tổng giám đốc (TGĐ) Tổng Công ty Thái Sơn còn khẳng định bị thuộc cấp vu khống.
|
Bị cáo Út "trọc" tại tòa ngày 30-10. |
Út “trọc” cho rằng cơ quan tố tụng cáo buộc mình chủ mưu trong việc sử dụng xe biển xanh 80A và biển đỏ sai mục đích là không có cơ sở. Bởi khi bị cáo xin ý kiến chủ trương về việc sử dụng xe (cho thuê, cho mượn, phục vụ đối ngoại...) thì các lãnh đạo tổng công ty đều đồng ý.
Về việc thế chấp hàng loạt xe, Út “trọc” đưa ra nhiều lý do như Luật Doanh nghiệp cho phép, tài sản là do các cổ đông bỏ tiền ra mua, được tổ chức tín dụng ngân hàng đồng ý, pháp luật không cấm… để chứng minh rằng thế chấp là hoàn toàn đúng.
Đối với cáo buộc Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng hưởng lợi 6 tỉ đồng và đề nghị truy thu số tiền này, cựu thượng tá quân đội tiếp tục khẳng định luật cho phép, tài sản hình thành do các cổ đông bỏ tiền ra mua, biển số xanh chỉ là để nhận diện xe chứ chiếc xe đó không phải tài sản của Nhà nước... Hơn thế, khi cho thuê công ty đều hạch toán đầy đủ, đóng thuế cho Nhà nước.
Còn về nội dung giao xe cho các cá nhân ngoài xã hội, gây ảnh hưởng tới uy tín của quân đội, Út “trọc” nói đã xin chủ trương mục đích sử dụng xe và được đồng ý; những cá nhân/doanh nghiệp được giao xe đều có nhân thân tốt, không sai phạm gì, đều làm ăn chân chính…
“Quá trình giao và sử dụng xe không để xảy ra vi phạm Luật Giao thông đường bộ, chấp hành đúng luật lệ, không để xảy ra vi phạm pháp luật, không chở hàng giả. Việc nói làm mất uy tín là không có cơ sở, đơn thư tố cáo là vu khống tôi…” - Út “trọc” nói trước tòa.
Bị cáo này khẳng định bản thân không có quyền lợi gì tại Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng. Đến khi thoái vốn của Tổng Công ty Thái Sơn tại công ty nay cũng không để xảy ra thất thoát. “Việc cơ quan tố tụng truy tố tôi thấy oan và khắc nghiệt quá. Mong HĐXX công tâm xem xét” - Đinh Ngọc Hệ nhắc lại nhiều lần.
Về vấn đề hợp thức trái phép số xăng dầu kém chất lượng, Út “trọc” tiếp tục khẳng định mình bị vu khống. Các cơ quan tố tụng cáo buộc bị cáo có vai trò chỉ huy, chỉ đạo làm hợp đồng giả nhưng thực tế bản thân không biết, không chỉ đạo gì. Khi tiếp cận hồ sơ vụ án, bị cáo cũng thấy lời khai của các bị cáo còn lại có nhiều mâu thuẫn.
Trong số này, bị cáo Hệ cho rằng lời khai của Trần Văn Lâm (cựu TGĐ điều hành Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) là hoàn toàn vu khống. Bị cáo phủ nhận việc cùng với Lâm đến gặp ông Lê Thanh Cung (cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) để nhờ giúp đỡ.
“Từ trước tới giờ bị cáo chưa nhờ bất cứ điều gì ở anh Cung, không điện thoại bất cứ việc gì hết. Bị cáo có gặp anh Cung nhưng vì chuyện hoàn toàn khác” - Út “trọc” nói, đồng thời khẳng định lỗi lớn nhất trong vụ việc thuộc về cơ quan quản lý thị trường vì đã không truy xuất đến cùng, việc lấy lý do “sợ làm mất uy tín quân đội” là hoàn toàn không hợp lý.
Như vậy, lời khai của Đinh Ngọc Hệ và thuộc cấp Trần Văn Lâm có nhiều điểm trái ngược nhau. Trước đó, Lâm nói mình được bổ nhiệm chỉ là “bù nhìn”, trên thực tế mọi quyền hành tại công ty đều do ông Hệ chỉ đạo. Đến lượt mình, bị cáo Hệ phủ nhận “không biết, không chỉ đạo” đồng thời “tố” Trần Văn Lâm vu khống.
Đối với tội danh liên quan đến sử dụng bằng giả, Đinh Ngọc Hệ giữ nguyên quan điểm như phiên sơ thẩm trước đó, rằng lỗi ở đây là vô ý chứ không phải cố ý vì bị cáo tin tưởng các “anh em xã hội” nếu nộp tiền là có thể có bằng...
Được triệu tập với tư cách người làm chứng, ông Cung Đình Minh (phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn) khẳng định phần lớn lời khai của bị cáo Đinh Ngọc Hệ đều sai.
Theo PLO