Người nghiện ma tuý liên tiếp gây thảm án: Chuyên gia tội phạm học chỉ rõ nguyên nhân

Thứ hai, 06/05/2019, 12:01
Chuyên gia tội phạm học Bộ Công an cho rằng hiện nay cách quản lý, xử lý người nghiện gặp nhiều bất cập dẫn đến nhiều vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra.

Thời gần đây, TP.HCM liên tiếp phá nhiều đường dây ma tuý “khủng” xuyên quốc gia, tuồn hàng vào TP.HCM để tiêu thụ.

Song song đó, nhiều vụ án mạng nghiêm trọng cũng đã xảy ra do hung thủ sử dụng ma tuý đá.

Điển hình là vụ án mạng nghiêm trọng ở huyện Hóc Môn, TP.HCM khiến 4 người chết (1 người ở Long An và 3 người ở TP.HCM) do Nguyễn Hoàng Nam (26 tuổi, ngụ TP.HCM) gây ra.

Mới đây, 3 người trong một gia đình ở quận Bình Tân cũng bị sát hại dã man do chính người thân trong gia đình lên cơn ngáo đá.

Quản lý người nghiện bất cập

Trước thực trạng trên, chia sẻ với PV, trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học Bộ Công an) cho rằng hiện nay cách quản lý, xử lý người nghiện gặp nhiều bất cập dẫn đến nhiều vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra.

Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học Bộ Công an) chỉ ra những bất cập trong quản lý, xử lý người nghiện ma tuý.

Theo trung tá Đào Trung Hiếu, những năm gần đây tình trạng tội phạm ma tuý diễn biến phức tạp mà.

Hiện số lượng người nghiện ma tuý đang tồn tại trong xã hội là rất lớn. Nó không chỉ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người sử dụng ma tuý gia tăng mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra mất an ninh trật tự, nhiều vụ trọng án liên tiếp xảy ra, khiến người dân bất an, lo lắng.

Chính vì thế, cần phải có giải pháp quản lý người nghiện, tránh gây hậu hoạ với cộng đồng.

Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết, công tác quản lý người nghiện hiện tồn tại rất nhiều bất cập về mặt chính sách.

Cụ thể, trước năm 2009, hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý được quy định tại Điều 199 Bộ luật Hình sự được coi là tội phạm, bị xử lý hình sự nên việc sử dụng công cụ răn đe rất hiệu quả.

Tuy nhiên, lần sửa đổi luật năm 2009 lại không coi người nghiện là tội phạm mà coi họ là người bệnh. Khi đó, những người nghiện, người bệnh được dùng biện pháp khác xử lý, không phải xử lý hình sự.

“Đây là một chủ trương nhân văn, tuy nhiên đã đem lại hệ luỵ đối với xã hội là việc trấn áp loại tội phạm này không còn”, trung tá Đào Trung Hiếu nhận định.

Ngoài ra, trung tá Đào Trung Hiếu cho biết việc quản lý và tổ chức cai nghiện hiện nay gặp rất nhiều bất cập trong quy định của pháp luật có sự chồng chéo, cản trở nhau.

Luật phòng chống ma tuý đòi hỏi người nghiện phải tự giác khai báo tăng tính cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

Đây là một điều không khả thi trên thực tế vì Điều 103 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về đưa người vào cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc để có giấy xác nhận tình trạng nghiện.

Tuy nhiên, người nghiện không hợp tác để tiện theo dõi, ban hành văn bản ghi nhận triệu chứng xác định tình trạng nghiện, đưa vào cơ sở bắt buộc. Chính vì thế, cấp công an cơ sở gặp nhiều khó khăn trong báo cáo, lập hồ sơ quản lý.

“Quan điểm của tôi đứng trước những vụ án rùng rợn do kẻ nghiện ma tuý gây ra, đứng trước nỗi lo an ninh của toàn xã hội, chúng ta nên có nhưng chế tài nghiêm khắc đối với nhóm đối tượng này. Chúng ta phải nhìn vào sự thật để có biện pháp, thực hiện nghiêm ngặt, tăng cường chế tài, tăng cường quản lý cơ quan chức năng; hãy xây dựng ra hành lang pháp lý để quản lý hữu hiệu.

Cần thiết phải xem xét lại việc tội phạm hoá hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý. Khi tội phạm hoá hành vi này, chúng ta đã tác động cầu, chặn cầu thì người nghiện sẽ giảm, chứ như hiện nay cầu rất dẫn tới kích thích hành vi mua bán, vận chuyển ma tuý”, Trung tá Đào Trung Hiếu nêu quan điểm.

Ngoài những giải pháp trên, vị chuyên gia tội phạm học Bộ Công an còn đề nghị cơ quan chức năng, nâng cao công tác tuyên truyền đến người dân, tăng cường công tác đấu tranh, triệt phá đường dây tội phạm mua bán, tàng trữ ma tuý, chặn đứng nguồn cung

TP.HCM mạnh tay với ma tuý

Trước tình trạng ma tuý diễn biến phức tạp, UBND TP.HCM vừa thông qua chương trình công tác năm 2019 của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm ở thành phố.

Theo kế hoạch, trong 13 nội dung và biện pháp thực hiện, UBND TP.HCM nhấn mạnh đến giải pháp tăng cường rà soát, phân loại và quản lý người nghiện ma túy, đặc biệt là người nghiện ma túy đá ở thành phố; đa dạng các mô hình điều trị nghiện ma túy; đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng ở các khu vực trọng điểm, phức tạp về tệ nạn ma túy.

Chuyên gia tội phạm học Bộ Công an cho rằng hiện nay cách quản lý, xử lý người nghiện gặp nhiều bất cập.

Lực lượng công an sẽ làm nòng cốt tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an quản lý chặt chẽ, xác định khu vực phức tạp, nơi tội phạm hoạt động liên quan đến ma túy.

Đồng thời, công an liên tục tổ chức truy quét, phát hiện, tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến, khu vực trọng điểm; điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm ma túy, những người lợi dụng internet để giới thiệu, mua bán, khuyến khích sử dụng ma túy.

Công an tăng cường quản lý các vũ trường, nhà nghỉ, quán bar, lễ hội âm nhạc… không để xảy ra tình trạng lợi dụng để tổ chức sử dụng ma túy.

Song song với đó, công an cần tăng cường phát hiện và lập hồ sơ xử lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định; quản lý chặt chẽ người cai nghiện ma túy tại cộng đồng, những người đang giáo dục tại địa phương; thường xuyên rà soát, lập hồ sơ quản lý và báo cáo thống kê định kỳ hàng năm về người sử dụng ma túy, người nghiện…

Công an TP.HCM tăng cường kiểm duyệt, điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trang web, trang mạng xã hội giới thiệu, mua bán, khuyến khích sử dụng ma túy.

Bộ đội Biên phòng TP.HCM được yêu cầu phối hợp với công an tăng cường tuần tra, kiểm soát, giám sát các tàu thuyền cập bến cảng, bến sông, các chốt trực để kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm ma túy, mại dâm, tội phạm mua bán người qua biên giới nhằm mục đích mại dâm.

UBND TP.HCM đề nghị Tòa án nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án có liên quan đến phạm tội về ma túy và đẩy nhanh tiến độ xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tháo gỡ những vướng mắc trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

TP.HCM yêu cầu người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị không để xảy ra tình trạng thiếu trách nhiệm hoặc bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm, tệ nạn ma túy lộng hành. Địa phương, đơn vị nào để tình hình phức tạp kéo dài, gây dư luận bức xúc trong nhân dân thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, UBND TP.HCM xác định đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, trong đó tập trung hướng đến nhóm đối tượng có nguy cơ cao như học sinh, sinh viên, người lao động không có việc làm ổn định, các chủ cơ sở và nhân viên làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội.

Theo VTC

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích