Phạm Nhật Vũ đã bắt tay lãnh đạo Bộ TTTT như thế nào?

Thứ ba, 03/09/2019, 17:28
Ông Vũ đã gửi công văn báo cáo và đề nghị ông Son cho ý kiến chỉ đạo về việc chuyển nhượng cho "đối tác nước ngoài" mua cổ phần của AVG.

Như  đã phản ánh CQĐT Bộ Công an vừa có kết luận điều tra vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG. CQĐT đề nghị truy tố hai cựu Bộ trưởng Bộ TTTT là ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và tội nhận hối lộ.

Ông Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch AVG CQĐT cũng bị đề nghị truy tố tội đưa hối lộ. Vụ trưởng vụ quản lý doanh nghiệp (Bộ TTTT) và nhiều lãnh đạo công ty Mobifone cùng bị truy tố về các tội danh trên. Trước đó ngày 13-4 ông Vũ bị bắt giam.

Ông Phạm Nhật Vũ- cựu chủ tịch AVG khi bị bắt.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 15-10-2014, ông Vũ đã gửi công văn để báo cáo và đề nghị ông Son cho ý kiến chỉ đạo về việc chuyển nhượng cho "đối tác nước ngoài".

Theo đó, đối tác nước ngoài sẽ mua cổ phần của AVG và dự kiến năm 2015 sẽ mua 75% với mức giá 525 triệu USD, cao hơn bảy lần so với giá cổ phần khi đó của AVG. Như vậy, AVG sẽ có giá tới 700 triệu USD nếu căn cứ vào giá mà “đối tác nước ngoài” hỏi mua.

Ông Vũ cũng thông báo đã nhận đặt cọc 10 triệu USD từ “đối tác nước ngoài” này. Sau khi nhận được công văn từ AVG, ông Son đã bút phê giao cho các vụ chức năng của Bộ TT&TT khi đó xem xét, thẩm định để trình Ban cán sự đảng Bộ TT&TT quán triệt.

Đến ngày 4-8-2015, cty AVG tiếp tục có văn bản gửi Tổng công ty Mobifone nói về mức giá mà AVG chào bán cho Mobifone là giá đối tác nước ngoài đã thống nhất mua 700 triệu USD. Công ty AVG đã nhận đặt cọc từ tháng 8-2014 để bán cho “đối tác nước ngoài”.

Tiếp đó, ngày 9-9-2015, ông Vũ có văn bản gửi cho công ty Mobifone với nội dung: “Chúng tôi đã hai lần chào bán cổ phần cho Mobifone với mức giá chào lần 1 là 600 triệu USD tính riêng cho hệ thống truyền hình. Và lần chào giá thứ 2 là 9.226,8 tỉ đồng (tương đương khoảng 400 triệu USD)… Số tiền bán 400 triệu USD thì các cổ đông AVG mới thu đủ vốn đầu tư ban đầu.

Vì vậy với mức đề nghị mua của Mobifone là 8.569,8  tỉ đồng đã tạo ra khoảng cách khá xa với đề nghị của AVG và các cổ đông AVG đang chưa hoàn vốn đầu tư. Mặc dù vậy, sau khi thống nhất ý kiến với các đại cổ đông, hệ thống truyền hình AVG bán cho Mobifone sẽ là 8.898,3 tỉ đồng”.

Phạm Nhật Vũ gửi văn bản cho ông Son "nổ" về đối tác nước ngoài mua AVG với giá 700 triệu USD. 

Cũng tại văn bản trên, ông Vũ nhấn mạnh: “Mức giá nêu trên là nỗ lực cuối cùng của chúng tôi để thể hiện thiện chí hợp tác và đảm bảo hài hòa quyền lợi các bên. Chúng tôi một lần nữa muốn được nhắc lại rằng, với giá bán nêu trên, các cổ đông AVG thực sự đã thiệt hại rất nhiều so với khoản tiền có thể thu được nếu bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, chúng tôi tin tưởng rằng đây sẽ là con số cuối cùng về giá mua-bán cổ phần mà các bên cùng thống nhất để có thể đi tới kết thúc giao dịch mua-bán cổ phần trong tháng 9-2015 này”.

10 ngày sau, ngày 18-9-2015, ông Lê Nam Trà cùng ban giám đốc công ty đã họp với ông Phạm Nhật Vũ. Tại cuộc họp này, bà Phan Thị Hoa Mai - Thành viên HĐTV Mobifone nêu ý kiến: “Kết quả định giá của tư vấn cũng như giá đề xuất của AVG có sự khác biệt lớn so với giá trị tài sản của AVG, đề nghị AVG cân nhắc giảm giá để giảm bớt sự khác biệt. Bà Mai cũng đưa ra theo sổ sách kế toán giá trị tài sản của mảng truyền hình chỉ hơn 629 tỉ đồng.

Bà Mai cũng đề nghị AVG cung cấp các tài liệu liên quan đến 2 mức giá chào mua 600 triệu USD và 700 triệu USD của các đối tác nước ngoài trước đó như đề xuất của đối tác, văn bản báo cáo Bộ TTTTcủa AVG và công văn trả lời của Bộ… làm cơ sở Mobifone tham khảo và giải trình trong hồ sơ dự án”.

Ông Vũ trả lời lại: “Quan điểm của AVG về việc mua bán cổ phần doanh nghiệp thực chất là việc mua-bán các cơ hội kinh doanh. Do vậy, Mobifone nên xem xét vào kết quả định giá chuyên nghiệp mà 3 đơn vị thực hiện định giá đã thuê để làm cơ sở đàm phán. Ngoài ra, AVG còn có các mức tham khảo quan trọng khác để Mobifone xem xét việc định giá phù hợp: mức giá đối tác nước ngoài đặt cọc để mua AVG là 700 triệu USD; Mức đầu tư để có một hệ thống như AVG hiện này dựa trên các tính toán cụ thể là 370 triệu USD, chi phi AVG đã đầu tư cho hệ thống đến nay là 400 triệu USD”.

Dù ông Vũ nêu vậy, nhưng tại cuộc họp này, phía ông Lê Nam Trà và Vũ đã ký biên bản thống nhất về giá mua theo đề xuất do chính ông Vũ đưa ra là 8.898,3 tỉ đồng cho 95% cổ phần AVG.

Đến ngày 24-9-2015, ông Lê Nam Trà đã trình cho Nguyễn Bắc Son mức giá 8.898,3 tỉ đồng mua lại 95% cổ phần AVG, đề xuất này được bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đồng ý. Dù chính trong báo cáo gửi ông Son, ông Trà thừa nhận mức giá này gấp 15 lần giá trị sổ sách mảng truyền hình của AVG (chỉ 629,7 tỉ đồng)...

TTCP chỉ ra việc Phạm Nhật Vũ “nổ” đối tác nước ngoài

Dù Phạm Nhật Vũ luôn nói về đối tác 700 triệu USD nhưng Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra trong quá trình thanh tra, cả AVG và Bộ TTTT đều không cung cấp được tài liệu liên quan đến việc AVG đàm phán và nhận đặt cọc 10 triệu USD với “đối tác nước ngoài”.

AVG cho biết không lưu trữ bất kỳ chứng từ liên quan nào. Mobifone có nêu tên một đơn vị, nhưng các cơ quan, đơn vị nêu trên đều không cung cấp được tài liệu để chứng minh đã thực hiện giao dịch đàm phán, nhận đặt cọc 10 triệu USD như đã đề cập!

Theo kết luận TTCP, Mobifone đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG; lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá; trình Bộ TTTT phê duyệt dự án đầu tư.

Trong đó Mobifone tự ý chỉ định các công ty thẩm định giá, dựa vào các báo cáo thẩm định này, có thời điểm định giá AVG lên đến 33.000 tỉ đồng sau đó qua nhiều lần thẩm định, thương lượng, phía AVG đưa ra mức giá gần 8.900 tỉ đồng để chuyển nhượng 95% cổ phần của AVG cho Mobifone.

Các thỏa thuận này đều được báo cáo cho lãnh đạo Bộ TTTT (hai ông Son, Tuấn) và được đồng ý phê duyệt dự án, cũng như thỏa thuận giá chuyển nhượng.

Theo TTCP, khi báo cáo đề xuất đầu tư chuyển nhượng cổ phần AVG và lập Dự án đầu tư trình Bộ TTTT phê duyệt, Mobifone đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ, đánh giá không đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG, thậm chí còn đánh giá khả quan về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG.

Thực tế AVG thua lỗ liên tục, tại thời điểm xác định giá trị của AVG ngày 31-3-2015 là rất xấu, tổng tài sản là hơn 3.260 tỉ đồng nhưng nợ phải trả là hơn 1.266 tỉ đồng; từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ, số lỗ lũy kế đến ngày 31-3-2015 là 1.632,909 tỉ đồng (bằng 45% vốn điều lệ).

Việc thua lỗ, kém năng lực của AVG đều được ông Son, Tuấn biết. Bản thân Phạm Nhật Vũ cũng không hề giấu lỗ, không những vậy các bên liên quan cùng bắt chặt tay thổi giá AVG. Điểm sai phạm khác nữa, khi lựa chọn phương án đầu tư, Mobifone không khảo sát, không lựa chọn đơn vị chuyên kinh doanh dịch vụ truyền hình để tư vấn phương án kinh doanh, không xây dựng phương án đầu tư mới để có căn cứ so sánh.

Mobifone đã lập và trình Bộ TTTT phê duyệt dự án khi không loại trừ 2 khoản đầu tư ngoài ngành của AVG thế hiện sự thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái quy định.

Để xảy ra những sai phạm trên trách nhiệm thuộc về ông Lê Nam Trà và cá nhân, lãnh đạo thuộc Hội đồng thành viên, kế toán trưởng Mobifone. Những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của Mobifone đã gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn Nhà nước tại Mobifone khoảng hơn 7.000 tỉ đồng, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và các năm tiếp theo.

Trong đó, lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 so với 2015 là 321,7 tỉ đồng, số lỗ lũy kế đến 2017 là hơn 1.900 tỉ đồng, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa Mobifone.

Đáng chú ý, trước đó Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra Quyết định số 236/2015 ngày 21-12-2015, do ông Trương Minh Tuấn - Thứ trưởng Bộ TTTT phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước.

Theo PLO

Các tin cũ hơn