|
Phần lớn khu đất 10,5ha trong vụ "siêu lừa" Dương Thanh Cường thuộc quy hoạch Khu đô thị mới Nam Sài Gòn. |
Như đã đề cập, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao mới hoàn tất bản cáo trạng vụ án lừa đảo chiểm đoạt tài sản và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Southernbank - sau này sáp nhập vào Sacombank).
Theo đó truy tố 10 bị can gồm Dương Thanh Cường, nguyên Tổng giám đốc Công ty Bình phát; Chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Phát; Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam cùng 8 bị can khác là cấp dưới của ông Trầm Bê.
Cơ quan Điều tra Bộ Công an đã tiến hành xác minh về pháp lý và thực trạng 10,5ha đất nông nghiệp mà Dương Thanh Cường sử dụng làm tài sản thế chấp, kết quả khu đất có diện tích 10,5ha thể hiện trên 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) gồm 54 thửa đất.
Trong đó, có 47 thửa đất thuộc quy hoạch Trung tâm kỹ thuật cao - Khu chức năng số 14 thuộc xã Phong Phú, huyện Bình Chánh và phường 7, quận 8, TP.HCM.
Về pháp lý Khu chức năng số 14, ngày 8/12/1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 749 về việc phê duyệt quy hoạch chung Khu đô thị mới Bình Chánh - Nhà Bè, Nam TP.HCM.
Ngày 16/11/1996, Thủ tướng ban hành Quyết định 865 về việc thu hồi và giao cho Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (nay là Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng) thuê đất để góp vốn đầu tư liên doanh với nước ngoài xây dựng phát triển 5 cụm đô thị (khu A, B, C, D, E) trong Khu đô thị mới Bình Chánh - Nhà Bè, Nam TP.HCM. Trong đó khu C được quy hoạch là Khu trung tâm kỹ thuật cao.
Ngày 4/9/1999, UBND TP có Quyết định 6555 về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị mới Nam TP.
Ngày 28/12/2012, UBND TP có Quyết định 6692 về việc duyệt đồ án quy hoạch chi tiết (quy hoạch phân khu) xây dựng Khu đô thị mới Nam TP. Hiện chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho Công ty Phú Mỹ Hưng.
6 thửa đất nằm trong quy hoạch thuộc Dự án nhà ở Khu dân cư Hồng Quang - khu 13a - Khu chức năng số 13 đã có Quyết định số 4592 ngày 6/11/2002 của UBND TP về thu hồi và giao đất cho Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 CN miền Nam, nay là CTCP Xây dựng Công trình và Đầu tư Địa ốc Hồng Quang để đầu tư xây dựng và kinh doanh khu nhà ở tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh và phường 7, quận 8, TP.HCM, thuộc Khu đô thị mới Nam TP.
Các thửa đất trên Công ty Hồng Quang đã thực hiện việc đền bù xong với tổng số tiền hơn 438 triệu đồng và 2 nền đất tái định cư 06A18 diện tích 100m2; 61A18 diện tích 158,6m2.
1 thửa đất còn lại không thuộc quy hoạch Khu đô thị mới Nam TP mà thuộc chức năng quy hoạch đất dân cư hiện hữu cải tạo và đường giao thông.
Cơ quan Điều tra xác định việc Công ty Thanh Phát nhận chuyển nhượng 23 quyền sử dụng đất nông nghiệp của các hộ dân là không đúng quy định của pháp luật đất đai nên không thể chuyển giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng đất sang tên Công Ty Thanh Phát. Hiện nay 23 GCNQSDĐ đang bị kê biên theo Lệnh kê biên 23 ngày 9/11/2018 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Tại bản án phúc thẩm 702 ngày 18/11/2019 đối với Dương Thanh Cường về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Agribank CN 6, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xét xử và quyết định tiếp tục kê biên 23 GCNQSDĐ và các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đảm bảo thi hành án cho Agribank CN 6 đối với nghĩa vụ của Dương Thanh Cường với số tiền 171,2 tỷ đồng trong tổng số tiền cường có nghĩa vụ bồi thường cho Agribank.
Đồng thời tòa kiến nghị CQĐT Bộ Công an tiếp tục duy trì quyết định kê biên phần giá trị còn lại (sau khi trừ đi 171,2 tỷ đồng) để đảm bảo việc khắc phục hậu quả, bồi thường của Cường đối với Ngân hàng Phương Nam trong vụ án này.
Theo kết luận của Hội đồng Định giá tài sản trong Tố tụng Hình sự TP.HCM thì khu đất 10,5ha ghi trên 23 GCNQSDĐ tại thời điểm tháng 4/2017 có tổng giá trị hơn 582 tỷ đồng.
Theo Cơ quan điều tra, toàn bộ 23 GCNQSDĐ này đã được Dương Thanh Cường thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam để đảm bảo cho khoản vay của Công ty Bình Phát được xác định là vật chứng trong vụ án này.
Theo BizLive