Thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt; để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội; được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình hưởng ứng, đánh giá cao; được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, có những vụ án, các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tiến hành tố tụng đã để nghi can án trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố, truy tố xét xử.
Nhìn lại những vụ án tham nhũng đã bị phát hiện và xử lý, các chuyên gia và người dân đều hoan nghênh tinh thần không khoan nhượng của Đảng trong phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế nhất định.
Theo Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, các vụ án tham nhũng còn 4 vấn đề tồn tại là điều tra kéo dài, có bị can chạy trốn, tỷ lệ trả điều tra bổ sung cao, thu hồi tài sản thấp.
Để các nghi can tham nhũng, bỏ trốn như vừa qua, liệu có sự thiếu trách nhiệm của cơ quan thực thi pháp luật. (Ảnh minh họa, nguồn Zing)
Dẫn ra vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy đến ông chủ Nhật Cường là Bùi Quang Huy và mới đây là cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa trốn ra nước ngoài khi đang chuẩn bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can, chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu nhận định: “Có thể thấy việc bỏ trốn ra nước ngoài khi hành vi phạm tội bị vỡ lở đang là xu hướng của tội phạm tham nhũng chức vụ trong thời gian hiện nay. Điều này xuất phát từ một thực tế là khi đối tượng đã phạm tội tham nhũng chức vụ luôn chuẩn bị sẵn một tâm thế nếu sự việc bị phát giác thì sẽ bỏ trốn ra nước ngoài.
Với điều kiện tài chính có được do phạm tội tham nhũng chức vụ, họ hoàn toàn có khả năng ổn định cuộc sống ở một đất nước khác. Việc bỏ trốn ra nước ngoài cũng sẽ hạn chế, thậm chí cản trở hoạt động truy nã người phạm tội về quy án của các cơ quan chức năng Việt Nam”.
Vì sao các nghi can, thậm chí là bị can trong những vụ án tham nhũng lớn lại có thể trốn ra nước ngoài như vậy? Trả lời câu hỏi này, hầu hết các chuyên gia pháp lý đều cho rằng, pháp luật của chúng ta đã có lỗ hổng trong việc áp dụng các biện pháp tiền tố tụng cũng như biện pháp ngăn chặn trong Luật Tố tụng hình sự.
Bà Nguyễn Thị Hằng - Giảng viên Học viện Tư pháp lý giải, Luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về biện pháp ngăn chặn bằng cách cấm xuất cảnh khi đang trong quá trình xác minh điều tra. Trong khi đó, Khoản 1 Điều 109 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định, chỉ được áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người bị buộc tội. Khái niệm “người bị buộc tội” chỉ gồm người bị bắt, bị can, bị cáo.
“Mâu thuẫn ở đây là đối với những trường hợp trong khi cơ quan điều tra nhận được đơn tố giác và kiến nghị khởi tố, đang trong quá trình xác minh điều tra, mặc dù có căn cứ cho rằng, hành vi của họ có liên quan đến tội phạm nghiêm trọng thì cũng chưa áp dụng được Điều 124 cấm xuất cảnh, vì vướng ở Điều 4” - Giảng viên Học viện Tư pháp Nguyễn Thị Hằng cho hay.
Ở một góc nhìn khác, nhiều người cho rằng, lỗ hổng để các nghi can tham nhũng bỏ trốn như vừa qua không thể chỉ đổ lỗi cho sự mâu thuẫn, sơ hở của pháp luật mà cơ bản là sự thiếu sót, thiếu trách nhiệm của cơ quan thực thi pháp luật.
Sai phạm của bà Thoa diễn ra trong một thời gian dài, bà Thoa cũng từng bị kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền. Như vậy, các sai phạm của nữ lãnh đạo này đã được nắm rõ nhưng khi cơ quan điều tra khởi tố thì bà Thoa đã bỏ trốn khiến công an phải ra quyết định truy nã thì phải có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý cán bộ và cơ quan tư pháp trong quản lý giám sát mọi di biến động của nữ nghi phạm này.
Luật sư Nguyễn Thanh Bình- Đoàn luật sư Hà Nội nêu quan điểm: “Cơ quan chức năng có thể thiếu sự kiểm tra, giám sát hoặc thiếu đề cao cảnh giác cho nên họ lợi dụng kẽ hở đó để bỏ trốn. Ngoài ra còn có những tiêu cực và rò rỉ thông tin nhất định trong nội bộ của các cơ quan chức năng”.
Vấn đề đặt ra hiện nay là cần sớm làm rõ và chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, sơ hở về pháp luật và thực thi pháp luật. Đồng thời áp dụng nhiều giải pháp quản lý cán bộ thực sự hiệu quả hơn.
Theo VOV