Vụ biệt thự tai tiếng: Làm gì có chuyện vi phạm lại xin hợp thức hóa như thế được!

Thứ ba, 01/03/2022, 16:41
Trong tuần này, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ có báo cáo trình lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng và đề xuất xử lý các cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ biệt thự số 09 lô B (quận Cầu Giấy) có nhiều vi phạm.

Sáng 1-3, liên quan đến công trình biệt thự số 09 lô B (khu biệt thự 5,2ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) có nhiều vi phạm mà Báo Người Lao Động liên tục phản ánh thời gian qua, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, cho biết việc xử lý đối với công trình này nhiều ban ngành đã có chỉ đạo.

"Chúng tôi đã lập các biên bản, làm hết cỡ để giải quyết vấn đề này. Tinh thần xử lý là phải quyết liệt, chúng tôi đã gửi các văn bản lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý" - Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy nói.

Vụ biệt thự tai tiếng: Làm gì có chuyện vi phạm lại xin hợp thức hóa như thế được! - Ảnh 1.

Công trình được phát hiện vi phạm và bị đình chỉ từ khi mới xây tầng 1

Vụ biệt thự tai tiếng: Làm gì có chuyện vi phạm lại xin hợp thức hóa như thế được! - Ảnh 2.

... nhưng sau gần 1 năm, biệt thự này đã hoàn thiện và hiện đã có người vào ở trước sự bất lực của chính quyền quận Cầu Giấy

Hiện đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Xây dựng và Sở Nội vụ Hà Nội đang hoàn thiện báo cáo, dự kiến trong tuần này đoàn sẽ có báo cáo trình lãnh đạo Sở Xây dựng.

Sáng 1-3, nguồn tin từ đoàn kiểm tra liên ngành cho hay phía Sở Nội vụ đã có văn bản gửi đoàn kiểm tra liên ngành để tổng hợp báo cáo. Sở Nội vụ đã đề xuất xem xét trách nhiệm từ nhiều phía, tập trung trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức tại quận Cầu Giấy.

Về câu hỏi "có cửa hợp thức hóa hoặc phạt cho tồn tại các vi phạm tại công trình này hay không?", vị này cho biết các vi phạm phải được xử lý đúng theo quy định. "Việc xử lý sau này quận Cầu Giấy sẽ đề xuất lên UBND TP.Hà Nội quyết định. Làm gì có chuyện vi phạm mà lại xin hợp thức hóa như thế được" - nguồn tin nói.

Nguồn tin cũng cho hay tinh thần xử lý là các vi phạm tại công trình này là phải lập hồ sơ xử lý dứt điểm. "Việc xử lý các vi phạm tại biệt thự này không khó. Trong báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành thể hiện rất chi tiết, cụ thể, ví dụ như đề xuất ra sao và xử lý thế nào là rất rõ ràng, không có chuyện mập mờ như quận Cầu Giấy. Chắc chắn không có chuyện đấy được..." - nguồn tin cho hay.

"Trong vụ việc này, không ai dám làm trái, phải làm cho nghiêm, làm đến nơi đến chốn. Thành uỷ, UBND TP.Hà Nội và báo chí đang rất quan tâm đến vụ việc. Bên Sở Nội vụ sau khi nhận được tài liệu từ đoàn kiểm tra thì đã đối chiếu các quy định, khi đối chiếu thấy những ông nào (cá nhân, tổ chức) có vi phạm là đề xuất xử lý, còn những gì chưa rõ thì kiến nghị tiếp" - một nguồn tin khác khẳng định.

Trả lời Báo Người Lao Động trước đó, ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, cho biết các vi phạm tại công trình này sẽ được xử lý theo đúng quy định. Quận đang chờ đoàn kiểm tra hướng dẫn, xử lý.

Theo ghi nhận, tại biệt thự này, hiện 2 hàng rào do lực lượng chức năng dựng xung quanh công trình này đã bị chủ đầu tư cho phá dỡ toàn bộ. Biệt thự này đã sáng đèn vào buổi tối.

Một người dân sống gần biệt thự này cho biết từ ngày 31-1-2022 (tức 29 Tết Nguyên đán), toàn bộ hàng rào do chính quyền dựng đã được phá dỡ. Biệt thự này được trang hoàng đẹp và có nhiều người ở trong dịp Tết.

Liên quan đến việc xử lý công trình này, Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện của Quốc hội, Thanh tra Bộ Xây dựng, UBND TP.Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội... đã có nhiều văn bản đề nghị thông báo kết quả xử lý, xử lý nhưng đến nay, công trình biệt thự này vẫn chưa được xử lý, gây bức xúc trong dư luận.

Theo UBND quận Cầu Giấy, ngày 11-2-2020, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CT 262107 cho hộ gia đình ông Phạm Văn Duyên và bà Vũ Thị Thu Hà tại địa chỉ số 9, nhà B, khu biệt thự 5,2ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy; diện tích 300m2.

Theo quy hoạch được phê duyệt, lô đất số 9 nêu trên được quy định về quy mô xây dựng công trình là 3 tầng, mật độ xây dựng tối đa 33%, hệ số sử dụng đất 1,00. Ngày 12-11-2020, UBND quận Cầu Giấy đã cấp Giấy phép xây dựng số 638/GPXD cho ông Phạm Văn Duyên và bà Vũ Thị Thu Hà với quy mô 3 tầng nổi, mật độ xây dựng 25,2%.

Hiện, công trình xây dựng trên có quy mô 3 tầng nổi + tầng áp mái + tầng hầm; mật độ xây dựng khoảng 50% tương ứng với diện tích sàn xây dựng khoảng 150m2 (sai quy mô số tầng và mật độ xây dựng so với giấy phép xây dựng được cấp).

Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết khu đất trên có vị trí thuộc phạm vi Quy hoạch mặt bằng dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở 5,23ha tại khu đô thị mới Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Bản vẽ Quy hoạch mặt bằng tỷ lệ 1/500 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tạo quỹ đất ở, nhà ở phục vụ các đối tượng chính sách theo Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg ngày 3-2-2000 của Thủ tướng Chính phủ đã được Kiến trúc sư Trưởng TP.Hà Nội (nay là Sở Quy hoạch Kiến trúc) chấp thuận ngày 22-7-2002.

"Do vậy, đề nghị Phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy đối chiếu với Quy hoạch mặt bằng đã được phê duyệt nêu trên để xem xét, giải quyết. Trường hợp, áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng (QCVN 01:2021/BXD) có sự thay đổi về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (mật độ xây dựng, tầng cao công trình) so với Quy hoạch mặt bằng của dự án đã được phê duyệt trước đây, cần thực hiện thủ tục điều chỉnh Quy hoạch mặt bằng tỷ lệ 1/500 nêu trên theo quy trình, quy định hiện hành, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định" - Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nêu rõ.

Buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết UBND TP.Hà Nội, Sở Xây dựng đã có nhiều văn bản đôn đốc, đề nghị UBND quận Cầu Giấy tổ chức xử lý công trình vi phạm theo quy định; cơ quan báo chí đã có nhiều bài viết, công dân có đơn phản ánh vi phạm trật tự xây dựng tại công trình. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, công trình vi phạm trên vẫn chưa được xử lý dứt điểm theo quy định mà hiện trạng mặt ngoài công trình đã được thi công hoàn thiện (lắp cửa, sơn...).

"Từ những nội dung nêu trên, để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Sở Xây dựng đề nghị UBND quận Cầu Giấy chỉ đạo UBND phường Yên Hòa chủ trì, phối hợp các phòng, ban chức năng của quận: Áp dụng các biện pháp để ngăn chặn, đình chỉ có hiệu lực, hiệu quả việc ngừng thi công xây dựng công trình; yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện nội dung Thông báo số 143/TB-UBND ngày 18-5-2021 của UBND quận Cầu Giấy về việc thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm; đồng thời hoàn thiện hồ sơ vi phạm theo quy định làm cơ sở để xử lý dứt điểm công trình vi phạm trật tự xây dựng; chấn chỉnh công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn và tiếp tục xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan được giao nhiệm vụ nhưng không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; đề nghị UBND quận Cầu Giấy thường xuyên cập nhật tình hình, kết quả xử lý vi phạm báo cáo UBND TP, đồng thời gửi Sở Xây dựng để tổng hợp chung" - Sở Xây dựng Hà Nội nêu rõ.

Theo NLĐO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích