>> Cảnh báo băng nhóm nước ngoài lừa đảo đủ chiêu trò
>> Giả làm nhân viên siêu thị đi lừa đảo
>> Giả danh cán bộ Bộ tư lệnh, lừa đảo tiền tỉ
>> Bình Thuận: Giả danh công an để lừa đảo
Xuyên suốt nhiều vụ lừa đảo, nổi lên vai trò của một số công chứng viên Phòng Công chứng tỉnh Bình Dương, tuy nhiên, những cá nhân sai phạm đã bị bỏ ngoài vòng tố tụng...
Nguyễn Thanh Bình và đồng bọn tại phiên tòa
Bỏ nghề dạy học đi làm "siêu lừa”
Nguyễn Thanh Bình gây nhiều ấn tượng với người đối diện nhờ vẻ bảnh bao, giọng nói hoạt bát, tự tin và quá khứ từng là một trí thức. Năm 1994, Bình tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương và sau đó làm thầy giáo tại Trường tiểu học xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo, thấy khó giàu lên được nên Bình xin nghỉ dạy ra ngoài làm ăn. Năm 2007, Bình "trúng mánh” bất động sản và dùng tiền cho vay với lãi suất cao, từ 5 đến 6%/tháng...
Sau một năm phất lên thành "đại gia”, việc kinh doanh bất động sản của Bình dần trở nên ế ẩm do thị trường đóng băng. Tuy nhiên, Bình vẫn sẵn sàng cho vay tiền khi con nợ có các tài sản thế chấp.
Điều kiện cho vay tiền là người vay phải thế chấp bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) kèm theo giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu gia đình. Thấy việc thu gom các sổ đỏ quá dễ dàng, Bình nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bình tổ chức làm giả các loại giấy tờ như: CMND của người đứng tên sổ đỏ, làm giả con dấu của chính quyền địa phương (UBND) và giả chữ ký của các phó chủ tịch phường phụ trách địa chính.
Sau cùng, Bình "tuyển” các bác tài chạy xe ôm, ba gác đóng giả người đứng tên sổ đỏ đến các phòng công chứng nhà nước và văn phòng công chứng tư nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương ký tên vào giấy ủy quyền hay hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thế chấp vay tiền dưới hình thức bán đất.
Với thủ đoạn trên, Bình thực hiện hàng chục vụ cầm cố, thế chấp sổ đỏ vay tiền, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của nhiều người ở Bình Dương, TP.HCM. Tổng cộng có 27 nạn nhân sập bẫy, trong đó Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương mới làm rõ được 8 vụ, xác định Bình và đồng bọn chiếm đoạt hơn 6,8 tỷ đồng.
Dễ như lừa ... Công chứng viên(!)
Trong nhiều vụ lừa đảo nổi lên vai trò, trách nhiệm của một số công chứng viên các phòng công chứng nhà nước số 1, số 2 và Văn phòng công chứng Tân Uyên. Các công chứng viên đã ký công chứng nhiều giấy tờ giả, hoàn tất các hợp đồng chuyển nhượng đất "ảo”, tạo điều kiện cho Bình lừa đảo số tiền lớn.
Trong vụ lừa đảo bà Nguyễn Thị Ngọc Yến (SN 1954, ngụ P. Bình Trị Đông, Q. Bình Tân, TP.HCM) chiếm đoạt 1,8 tỷ đồng, Bình làm giả hồ sơ chuyển nhượng đất, làm giả "hợp đồng ủy quyền” của vợ chồng của ông Nguyễn Văn On (SN 1964, ngụ P.Phú Mỹ, thị xã Thủ Dầu Một) rồi đến Phòng công chứng số 1, tỉnh Bình Dương ký hợp đồng chuyển nhượng cho bà Yến. Công chứng viên thiếu kiểm tra, không phát hiện được những giấy tờ giả trong hồ sơ.
Cũng tại Phòng công chứng số 1, Bình làm giả hồ sơ trong vụ chuyển nhượng đất cho Vũ Hữu Trí, nhờ Lâm Văn Dũng đóng giả chủ đất là ông Nguyễn Văn Hoàng đến ký hợp đồng.
Ngoài ra, Lâm Văn Dũng còn đến Phòng công chứng số 1 để đóng giả ông Nguyễn Văn Niệm để chuyển nhượng cho bà Phan Thị Tường Hòa. Mặc dù Dũng hiện diện nhiều lần với nhiều "vai diễn” khác nhau nhưng vẫn dễ dàng qua mặt được công chứng viên Phòng công chứng số 1.
Luật sư Nguyễn Minh Tường (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nhận định, sự dễ dãi có hệ thống của công chứng viên đã tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Thanh Bình thực hiện thành công nhiều vụ lừa đảo.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã không đề cập đến vai trò, trách nhiệm của các công chứng viên liên quan đến vụ án. Sự "lọt lưới pháp luật” đó khiến các nạn nhân không khỏi bức xúc, nghi ngại tiêu cực. Qua thẩm vấn, Nguyễn Thanh Bình và đồng phạm đều thừa nhận hành vi phạm tội.
Vị đại diện Viện kiểm sát nhận định vụ án là bài học cảnh giác cho nhiều người, hàng chục nạn nhân của siêu lừa Nguyễn Thanh Bình đều vì hám lợi trước mắt, cho Bình vay tiền hưởng lãi suất cao, từ 5 đến 10% tháng, trong khi lãi suất ngân hàng hiện tại chỉ 9%/năm. Bình làm gì ra lãi ở mức 5%/tháng để có tiền cho các chủ nợ?
Qua vụ án, người dân cần nâng cao cảnh giác khi thực hiện các giao dịch cho vay, chuyển nhượng bất động sản. Tòa đã tuyên phạt Nguyễn Thanh Bình 16 năm tù, Lâm Văn Dũng 10 năm tù, và các bị cáo khác từ 4 đến 8 năm tù.
Theo Daidoanket