“Nhờ anh nói giúp với mọi người, cho em xin lỗi!”
Nói như Trung tá Nguyễn Sỹ Chương, cán bộ phụ trách đội trinh sát Trại giam số 3, người đồng hành cùng tôi trong suốt buổi chiều trò chuyện với Lê Văn Luyện, thì con người ta, dù có gai góc, lỳ lợm đến đâu cũng dễ bị xúc động bởi tình máu mủ, ruột rà. Một kẻ có “chọc trời, khuấy nước” đi chăng nữa, khi ta chạm vào nơi sâu thẳm, nơi dành cho gia đình thì họ cũng khó tránh khỏi rưng rưng.
Ấy thế cho nên, cứ nghĩ một kẻ lạnh lùng như Lê Văn Luyện, chắc gì hắn đã có chút rung động trước những nỗi đau. Nhưng, qua cuộc trò chuyện, không khó để nhận ra rằng, điều ám ảnh hắn nhiều nhất trong những ngày này, và có lẽ trong chuỗi ngày sắp tới, là nỗi ân hận, day dứt vì đã “cõng” theo người thân vào vòng lao lý.
Nỗi đau ấy, không còn là thứ mà riêng một mình hắn mang theo vào trại. Còn bố hắn, chú hắn, bác hắn, anh họ hắn…, nỗi đau cứ ngấm dần, tàn phá cả một đại gia đình.
Nhưng ngẫm cho cùng, Luyện cũng như một số trẻ vị thành niên khác, khi chúng phạm tội có một phần lỗi rất lớn từ các bậc làm cha, làm mẹ. Sao họ mãi thờ ơ và mãi chưa chịu công nhận một cái sự thật: giờ đây, có quá nhiều tội ác được gây nên bởi đám trẻ sống lệch lạc, bầy đàn như hoang thú.
Họ đã ở đâu và làm gì khi những đứa con, đứa cháu của mình sống lang chạ, dạt nhà đi bụi, gà gật miên man bất tận trong các nhà nghỉ, quán game, quán chát? Để rồi từ đó, những đứa trẻ còn quá non nớt kia dễ bề trượt ngã vào vũng tối…
Cuối buổi trò chuyện, khi biết được tên mình đã trở thành biểu tượng của cái ác và sự dã man để đám nhầng nhầng “tóc xanh, tóc đỏ”, một lũ quái đản, lạc loài học tập, Luyện cúi đầu hối hận. Có lẽ, khi đủ thời gian bình tâm tĩnh trí, hắn đã biết ăn năn, hối cải phần nào.
Có sự thay đổi lớn lao đó trong con người Luyện, một phần cũng nhờ công tác giáo dục của các cán bộ trại giam. Bởi, ngay từ khi Lê Văn Luyện mới về cải tạo tại đây, Ban giám thị đã dành cho hắn sự quan tâm nhất định. Không chỉ đơn thuần là hắn vừa gây nên vụ án kinh thiên động địa, được dư luận quan tâm, mà còn bởi cái nhân cách, nhận thức lệch lạc, lối sống sai lầm của hắn. Thế cho nên, ngay từ những ngày đầu, các cán bộ quản giáo đã thường xuyên tiếp xúc trò chuyện nhằm cảm hóa, giáo dục, uốn nắn, dần đưa hắn trở về con đường sáng.
Trung tá Chương cũng cho rằng, với những đối tượng như Lê Văn Luyện, do không nhận được sự quan tâm, giáo dục một cách đúng mực, nên giờ đây, việc cải tạo hắn sao cho thành người lương thiện đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng anh tin, với bề dày truyền thống cũng như kinh nghiệm cảm hóa phạm nhân, các cán bộ Trại giam số 3 sẽ đưa Luyện về được đến bến hoàn lương.
Trước khi theo chân cán bộ quản giáo ra khỏi phòng để quay về đội sản xuất, Luyện ngập ngừng, nấn ná rất lâu. Tôi tự hỏi, hắn còn điều gì muốn nói? Trong ánh mắt ngoái nhìn của hắn, có chút gì đó vừa như nuối tiếc, vừa như níu kéo. Có thể, vì tôi đến từ “thế giới bên ngoài”, lại có thể ngồi nghe “tự sự” của hắn suốt buổi chiều hanh hao gió cát, nên hắn lưu luyến gì chăng?
Lần chần mãi rồi Luyện cũng cất lời, giọng như gió thoảng, “nhờ anh nói hộ với mọi người, cho em xin lỗi!”. Ánh mắt hắn cụp xuống rất nhanh. Nhưng, nhìn sâu vào đôi mắt đã có phần hoảng hốt ấy, tôi mong rằng, rồi đây, khi được học tập và cải tạo tại Trại giam số 3 này, Lê Văn Luyện sẽ thoát khỏi những tiếng “ru hồn” của quỷ sứ.
Em sợ không được “nhìn mặt” ông bà lần cuối!
- Vào trại, Luyện hay nghĩ đến ai nhất?
- Mẹ và em trai. Em nhớ nhất thằng út. Lúc em bị bắt, nó mới có 3 tuổi, ngộ lắm…! (Mắt rưng rưng)
- Còn ai nữa?
- Em cũng nhớ với thương ông bà nội. Ngày trước, thỉnh thoảng em cũng ngủ với ông. Khi em bị bệnh, bà hay cho tiền. Ít thôi, tại nghèo mà. Giờ ở nhà, chắc cũng khổ với “người ta”…
- Không thương bố à?
- Có. Nhưng, bố còn trẻ, dù sao cũng là đàn ông, còn ông bà già rồi, chả biết sống được đến bao giờ.
- Luyện có mong được ông bà vào thăm không?
- Có chứ! (giọng đang sôi nổi chợt chùng xuống)… Nhưng, chắc cũng khó, đường xa thế này. Nhiều lúc, em cứ sợ từ giờ không được gặp mặt ông bà lần nào nữa!
- Luyện cứ cố gắng cải tạo rồi cũng sẽ đến ngày mãn hạn!
- Ông em hơn bảy mươi rồi. Bà hay đau lưng, mắt mũi kèm nhèm, chả biết có “đợi” em được không! Ngày trước đi phụ hồ, mấy lần em định lúc nào có tiền thì mua cho ông bà cái quạt điện mới…
- Nếu bây giờ gặp ông bà nội, Luyện nói gì?
- Em xin lỗi. Nhưng, cũng có lúc em sợ gặp người thân, thương lắm! Hôm trước khi vào đây, em gặp mẹ. Mẹ khóc mãi. Em khóc ít thôi, sợ mẹ lo. Mẹ về, em mới khóc…
- Từ khi vào “trại 3”, Luyện còn khóc lần nào nữa không?
- Mới vài lần, toàn vào ban đêm, tại phòng đông người. Em cứ nghĩ linh tinh rồi khóc, nhưng chỉ một lúc thôi…
“Nhưng ngẫm cho cùng, Lê Văn Luyện cũng như một số trẻ vị thành niên khác, khi chúng phạm tội, có một phần lỗi rất lớn từ các bậc làm cha, làm mẹ. Sao họ mãi thờ ơ và mãi chưa chịu công nhận một cái sự thật: giờ đây, có quá nhiều tội ác được gây nên bởi đám trẻ sống lệch lạc, bầy đàn, như hoang thú. |
Theo Congly