Án mạng trong đêm từ cơn ghen vô cớ .

Thứ ba, 08/10/2013, 13:25
Đêm khuya, làm việc vất vả, chị M. chủ hàng cháo rủ anh Th. sang nhậu vài chai cho vui. Khi cuộc nhậu đang nửa chừng, Trần Văn Phước, kẻ thầm thương trộm nhớ chị M. xuất hiện, cơn ghen nổi lên, Phước đã gây nên cái chết oan uổng cho anh Th.

Án mạng trong đêm

Trần Văn Phước (SN 1966, phường 7, quận 10, TP.HCM) là tài xế xe ôm có nhiều tiền án, tiền sự, cũng là kẻ có số má nên được mọi người đặt biệt danh là Phước “đầu lâu”.
Cách đây khoảng chừng một năm, đến  quán cháo trên đường 3/2 (quận 10, TP.HCM), Phước thấy cô chủ Lê Thị Ngọc M. ăn nói dễ thương nên đem lòng thương mến. Cảm nhận được tình cảm của Phước, trái tim chị M. cũng xao xuyến. Người phụ nữ đem chuyện tình cảm bày tỏ với người thân. Biết quá khứ của Phước là kẻ bất hảo, vào tù ra tội nhiều lần, sợ chị M. sau này sẽ khổ nên gia đình ra sức ngăn cản.Tuy nhiên, do chị M. cũng có chút tình cảm với Phước nên không thể nói lời dứt khoát.
Khoảng 22h ngày 3/11/2011, Phước đến quán cháo của chị M. để dọn giúp. Tới nơi, Phước thấy chị M. đang ngồi nhậu cùng với anh Phan Văn Th. Mặc dù chưa bao giờ chị M. nhận lời yêu của Phước, nhưng, gã tự cho rằng, chị M. là của mình nên nổi cơn ghen. Ngay lập tức, hắn chạy vào tát chị M. và lớn giọng quát: “Em ở với anh như vợ chồng, thế mà còn ngồi nhậu nhẹt với người đàn ông khác nữa hả?”. Phần vì ngại với anh Th., phần vì không muốn mọi chuyện rắc rối xảy ra tại quán nên chị M. bỏ đi.
Di ảnh của nạn nhân (Ảnh: Huy Linh)
Thấy vậy, Phước lớn giọng: “Th., mày đừng rủ M. uống bia nữa. Cứ để M. chuyên tâm vào việc buôn bán”. Anh Th. ngẫm, mình sửa xe gần quán của chị M., rảnh rỗi, ngồi uống với nhau chai bia, chẳng phải chuyện to tát gì, thế mà lại bị Phước lớn tiếng chửi mắng nên hết sức tức giận. Anh Th. liền cự cãi khiến hai bên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau bị thương. Nhiều người dân đứng gần đó thấy đánh nhau liền chạy đến ngăn cản hai bên mới chịu dừng lại.
Phước gọi cho cháu là Nguyễn Hoàng Ch. đến chở đi băng bó vết thương thì thấy anh Th. cũng được một thanh niên chở trên xe máy với vẻ mặt ngang ngược. Phước tức giận, liền bảo cháu chở đến nhà của Th. để hỏi vì sao lại nhìn mình bắng ánh mắt như vậy.
Tuy nhiên, khi đến nơi, anh Th. không có nhà, hai chú cháu đành trở về. Đến khoảng 0h15 phút ngày 4/11/2011, Ch. chở Phước trở lại quán của chị M. nhưng chị M. vẫn chưa về. Cơn tức giận trong lòng vẫn chưa nguôi, càng ngẫm, Phước càng giận, nên bảo cháu chở mình trở lại nhà anh Th. Để Ch. đứng đợi ở đầu hẻm, Phước đi bộ vào nhặt một vỏ chai thủy tinh để làm hung khí, đến nhà anh Th., gã gõ cửa rồi nói: “Mày quá đáng lắm nghe Th.”
Anh Th. đang ngủ, nghe Phước lớn giọng liền cầm một khúc củi chạy ra cự cãi. Trong lúc mâu thuẫn, anh Th. dùng khúc củi đánh vào đầu Phước. Không chịu lép vế, Phước dùng vỏ chai thủy tinh đâm vào người anh Th. để trả đũa. Dù đau đớn, anh Th. vẫn lấy khúc củi đánh vào đầu Phước nhưng không trúng và bị trượt chân té ngã. Thấy anh Th. bị ngã, máu chảy lênh láng, Phước liền chạy ra đầu hẻm, bảo Ch. chở về. Trên đường đi, gã đã vứt bỏ hung khí. Anh Th. được người thân phát hiện đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, nạn nhân đã tử vong.
Sau đó, Ch. nghe Phước kể là vừa mới đâm anh Th. nên khuyên ra đầu thú. Đến bệnh viện băng bó vết thương xong, Phước nghe lời cháu đến công an phường 12 (quận 10) khai nhận hành vi mình gây ra. Phước bị khởi tố về tội giết người. Riêng Ch., mặc dù liên quan đến vụ án, nhưng do không biết Phước nhờ chở đến nhà anh Th. là để đánh nhau và sau khi sự việc xảy ra đã chở hung thủ đến cơ quan công an đầu thú nên không xử lý.
Những giọt nước mắt nghẹn đắng
Mới đây, TAND TP.HCM đã đưa Phước “đầu lâu” ra xét xử về tội giết người. Đứng trước vành móng ngựa, Phước thừa nhận, cái chết của anh Th. là do mình gây ra. Tuy nhiên, gã cho rằng, mình chỉ đâm “hù” chứ không hề có ý định sát hại nạn nhân. Bên cạnh đó, khi ẩu đả lần đầu xảy ra, mọi chuyện đã được giải quyết. Tuy nhiên, khi gã chuẩn bị đi băng bó vết thương thì lại bắt gặp ánh mắt “hình viên đạn” của anh Th. nên mới nảy sinh ý định đến nhà để hỏi cho rõ.
Bị cáo tại tòa (Ảnh Huy Linh)
Nghe đến đây, vị chủ tọa hỏi: “Anh Th. nhìn bị cáo ngang ngược là nhìn thế nào? Nếu mọi chuyện đã được giải quyết đúng như lời bị cáo khai thì tại sao bị cáo lại đến tìm nạn nhân đến hai lần? Không chỉ thế, khi đến nhà anh Th. nếu bị cáo không định sát hại nạn nhân thì tại sao lại cầm thêm chai thủy tinh, cũng là hung khí gây nên án mạng?”. Trước những câu hỏi dồn dập của vị chủ tọa, Phước chỉ biết cúi đầu im lặng rồi lí nhí: “Bị cáo không có ý định sát hại anh Th.”
Có mặt tại phiên tòa, chị của anh Th. khẳng định, khi vụ án xảy ra, đứa con nhỏ của mình thấy hai người đàn ông chạy vào, đồng thời nghe họ bàn nhau: “Đâm cho nó chết” chứ không phải chỉ một mình Phước như trong cáo trạng khẳng định. Bên cạnh đó, chị cũng tỏ ra khá uất ức và băn khoăn, không hiểu vì sao, con gái của mình đã khai điều này với cơ quan điều tra mà khi phiên tòa diễn ra, cháu lại không được mời với tư cách là một nhân chứng. “Tôi đề nghị Phước phải khai đồng phạm của mình ra”, người phụ nữ lớn giọng.
Đại diện Viện kiểm sát phải nhẹ nhàng giảng giải để giải đáp thắc mắc phía gia đình bị hại: “Trong biên bản giám định pháp y, nạn nhân chỉ có một vết thương ở cổ, cũng chính là vết thương khiến anh Th. tử vong.
Khi điều tra sự việc, cơ quan công an cũng có lấy lời khai của cháu bé. Tuy nhiên, ngoài lời khai của cháu thì không còn bất kì một nhân chứng nào khác khẳng định điều này. Trong pháp lý, không thể chỉ lấy lời khai của một người để khẳng định điều đó đúng hay sai mà phải dựa vào nhiều bằng chứng, chứng cứ khác. Bên cạnh đó, tại cơ quan công an, cũng như trong phiên tòa hôm nay, bị cáo thừa nhận mình phạm tội một mình nên không mời cháu lên làm nhân chứng”.
Ngồi ngay hàng ghế đầu tiên dành cho gia đình bị hại, vợ anh Th. nghẹn ngào cho biết, mình và chồng yêu nhau trong một khoảng thời gian dài mới cưới. Chị sinh được cho anh hai người con, một trai và một gái. Hàng ngày, anh Th. đi sửa xe ở đường 3/2, số tiền kiếm được, ngoại trừ chi phí cơm nước, anh đưa về hết cho vợ để chăm lo cho gia đình. Khi hay tin chồng mình bị đâm trọng thương, chị đau đớn, hy vọng anh sẽ được cứu sống. Tuy nhiên, chỉ một khoảng thời gian ngắn sau, chính chị là người nhận được thông báo chồng đã trút hơi thở cuối cùng.
Trước đây, có chồng, cuộc sống gia đình đã bần hàn, từ khi anh Th. tử vong, khó khăn lại càng gấp bội. Do anh chị nghèo khó nên phải thuê phòng trọ ở. Từ ngày chồng qua đời, chủ nhà thương tình hoàn cảnh éo le nên cũng chỉ lấy tiền thuê trọ cho có lệ. Mỗi ngày, chị phải thức dậy từ sớm để đi làm công nhân. Tuy nhiên, sức bỏ ra thì nhiều, tiền lương lại rất thấp, không đủ chi phí cho hai con ăn học.
Giờ nghị án kết thúc, HĐXX nhận định, hành vi của Phước mang tính man rợ, đã gây nên cái chết cho nạn nhân, đem lại đau thương, mất mát lớn cho gia đình bị hại. Gia đình bị cáo chưa bồi thường cho gia đình bị hại. Bên cạnh đó, bị cáo có nhân thân xấu, có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản, 1 tiền án về tội cố ý gây thương tích, 1 tiền án về tội cướp giật tài sản. Tuy nhiên, tòa cũng xét những tình tiết giảm nhẹ: ra đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận nên tuyên phạt Phước tù chung thân.
Chỉ cần bị cáo hối lỗi trước những gì đã xảy ra

Từ ngày xảy ra sự việc đến nay, gia đình bị hại chưa một lần đến thăm hỏi, thắp cho nạn nhân một nén nhang. “Trong một khoảng thời gian dài, tôi mong chờ phía gia đình bị hại đến thắp cho chồng một nén nhang, nhưng vô vọng”, vợ của anh Th. chia sẻ. Tuy nhiên, chị cũng không yêu cầu bị cáo mạng đền mạng vì: “Chồng tôi chết thì cũng đã chết rồi. Tôi không hy vọng Phước phải bị tử hình mà chỉ cần bị cáo hối lỗi, sau này ra tù sẽ sống tốt là được”.

Theo ĐS&PL

Các tin cũ hơn