Với kinh nghiệm nhiều năm của mình, ông Nguyễn Văn Tân, nhân viên nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nhận định: “Nếu thi thể của con người có sự tác động của dao kéo làm rách da thịt thì cũng rất khó nổi trong thời gian ngắn”.
Ông Tân ví dụ, với người chết đuối cũng giống như quả bóng, bên trong có chứa không khí. Quá trình ngấm nước, da thịt phân hủy sẽ làm cho nó trương và khí ở trong người vì thế mà nổi lên.
Nhưng với người đã tử vong trước khi chưa rơi xuống nước mà lại có sự tác động của dao kéo thì không khác gì quả bóng bị rách thì sẽ rất khó nổi.
Bên cạnh đó, ông rất băn khoăn: “Không biết chị Huyền có bị bác sĩ Tường phẫu thuật rạch ở ngực hay không. Nếu như thế, quả thật rất khó có thể nổi lên và có thể biến hình dạng trước khi cơ quan chức năng tìm thấy”.
Nếu thi thể có đụng đến dao kéo rất khó có thể nổi sớm được. |
Trong kinh nghiệm gần 30 năm làm việc trông coi tử thi ở nhà tang lễ, ông Tân cho biết thêm: “Những nạn nhân bị vứt xuống nước, khi bị ngấm nước và chịu tác động từ môi trường nước chảy, va đập sẽ bị phân hủy nhanh hơn. Nếu không sớm tìm thấy trong thời gian tới, e chừng càng về sau sẽ càng khó tìm hơn”.
Cùng chung nhận định này, ông Vũ Ngọc Hướng, nhân viên trông coi nhà xác ở bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), cũng cho biết: “Thông tin về bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường phi tang thi thể bệnh nhân được tôi theo dõi trong suốt ngày qua. Có thông tin cho rằng bác sĩ đã tiêm thuốc gì đó vào người bệnh để che giấu việc tìm xác, nhưng theo tôi thì không phải. Bởi khi bệnh nhân đã tử vong thì việc tiêm thuốc vào người gần như vô hiệu vì không thể truyền đi khắp cơ thể được”.
Đồng thời, ông Hướng cũng nhận định: “Có thể thi thể của chị Huyền sẽ nổi trong thời gian tới khi đã có sự ngấm nước và trương lên. Nhưng sợ rằng chờ đến lúc đó thì phần thi thể sẽ bị phân hủy từ môi trường bên ngoài khiến cho nó tan rã nhanh, việc tìm kiếm sẽ vô cùng khó khăn”.
Không có chuyện rạch
Theo quan điểm của bác sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội), nếu làm đúng kỹ thuật thì không phải rạch bụng ra, chỉ làm 2 hoặc 3 lỗ nhỏ rồi đưa que hút vào bên trong thành bụng, tiến hành hút. Sau khi phẫu thuật xong thì sẽ tiến hành khâu hết các lỗ đó lại, nên cơ thể không thể có lỗ hở được.
Ông Sơn khẳng định: “Quy trình của việc phẫu thuật nâng ngực bằng bơm mỡ tự thân đầu tiên là tiêm dung dịch đặc biệt vào trong thành bụng làm cho mỡ loãng ra sau đó dùng ống hút để hút mỡ thừa. Sau đó sẽ tách tế bào mỡ loại bỏ nước, các thành phần khác và tế bào mỡ chết ra rồi bơm lên ngực bằng cách chọc một đường rất nhỏ qua da rồi bơm mỡ hút được vào tuyến vú”.
Nói về những rủi ro của phẫu thuật này thì ông Sơn khẳng định rằng: “Phẫu thuật gây mê thì độ rủi ro cũng giống như các phẫu thuật thẩm mỹ khác, nếu kiểm soát tốt thì tỉ lệ thành công cao, khó có các biến chứng”.
Còn theo quan điểm của ông Sơn thì chuyện bệnh nhân phẫu thuật xong mà tử vong rơi xuống nước có nổi lên được hay không thì ông không dám khẳng định.
Đến nay đã hơn 10 ngày, các cơ quan chức năng cùng gia đình đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm xác chị Lê Thị Thanh Huyền nạn nhân bị Nguyễn Mạnh Tường ném xác xuống sông Hồng.
Hàng chục km sông đã được “bới” tung lên với rất nhiều những biện pháp khác nhau, từ lặn xuống mò đáy sông, dò sào, dò lưỡi câu cho đến ngoại cảm. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, xác chị Huyền vẫn bặt vô âm tín. |
Theo Đất Việt