Cùng nhìn lại những vụ tranh chấp bất động sản ầm ĩ nhất năm 2013 vừa qua:
1. Chung cư B5 Cầu Diễn
Dạng trang chấp: Chiếm dụng vốn của khách hàng
Cao trào: Chủ đầu tư bị khởi tố và bắt giam
Dự án chung cư B5 Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội do liên doanh công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (40% vốn) và Tập đoàn Housing (60% vốn) đồng chủ đầu tư. Theo hồ sơ pháp lý, dự án này có diện tích hơn 22.000 m2 được xây dựng trên ô đất ký hiệu 14 thuộc quy hoạch chi tiết khu đô thị Thành phố giao lưu tại địa chỉ B5 Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội.
Điều đáng nói là tổ hợp chung cư CT5 đã được các cơ quan chức năng xác định là đất dùng để xây dựng nhà tái định cư thế nhưng thời điểm cuối năm 2009, 2010, liên doanh này đều chào bán cho khách hàng với bản thiết kế “tự vẽ” bao gồm 6 tòa nhà chung cư cao 28 đến 32 tầng với gần 2.000 căn hộ thương mại. Dự án từng làm mưa làm gió trên thị trường địa ốc hồi năm 2010 với giá góp vốn dao động từ 10-15 triệu đồng/m2, tiền chênh cả vài trăm triệu mỗi căn.
Theo phản ánh của khách hàng, Tập đoàn Housing đã thực hiện huy động vốn của 400 khách hàng mua nhà cá nhân, bán buôn cho một số sàn giao dịch bất động sản với số lượng tiền huy động là 470 tỷ đồng. Về phía công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội do ông Nguyễn Văn Tuẫn nguyên chủ tịch kiêm tổng giám đốc đã huy động của hơn 200 khách hàng với số tiền là 100 tỷ đồng. Như vậy, ước tính số tiền huy động vốn trái phép này đã lên tới gần 600 tỷ đồng.
Sau hơn 3 năm nhận tiền góp vốn của khách hàng, hiện dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, mới giải phóng mặt bằng được khoảng 60%. Vì vậy, nhiều khách hàng đã có Đơn xin rút vốn khỏi dự án vào giữa 2012. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay những công văn gửi đến khách hàng chỉ là những lời hứa suông của chủ đầu tư, với đủ các lý do trì hoãn việc hoàn trả lại tiền vay, mặc dù những Hợp đồng góp vốn hay Thỏa thuận vay vốn hết hạn vào cuối 2012.
Ngày 28/9/2013, Cơ quan cảnh sát điều tra C46 Bộ Công an đã thực hiện khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng với ông Nguyễn Văn Tuẫn, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội về hành vi cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Chung cư 409 Lĩnh Nam
Dạng tranh chấp: Chiếm dụng vốn của khách hàng
Cao trào: Chủ đầu tư bị bắt
Dự án chung cư 409 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có tên thương mại là Vinhhung Dominium, được xây dựng trên khu đất rộng hơn 1,2 ha do Công ty TNHH Kinh doanh nhà Vĩnh Hưng làm chủ đầu tư.
Công trình có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 1/2011. Đến cuối năm 2010, công ty Vĩnh Hưng đã tiến hành huy động vốn thông qua sàn giao dịch bất động sản của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà và thương mại Hạ Long, có chi nhánh tại Hà Nội. Tại thời điểm đó, dự án này đã thu hút được hàng trăm nhà đầu tư bỏ tiền mua căn hộ.
Tuy nhiên, không lâu sau lễ khởi công, chủ đầu tư đã không có động thái nào tiếp theo, dự án có vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng này trở nên “án binh bất động” với cả khu đất hơn 1,2 ha cỏ mọc um tùm. Đến lúc này, nhiều nhà đầu tư mới đi tìm chủ đầu tư để đòi lại tiền đặt cọc.
Đại diện nhóm khách hàng cho hay, sau khi phát hiện chủ đầu tư không thực hiện những cam kết trong hợp đồng, phần lớn khách hàng đã tìm đến công ty để đòi lại số tiền đặt cọc ban đầu, nhưng cũng chỉ nhận được những cú “đá bóng” qua lại giữa hai công ty Hạ Long và Vĩnh Hưng.
3. Chung cư Tricon Tower
Dạng tranh chấp: Chiếm dụng vốn của khách hàng
Cao trào: Khách hàng hoang mang khi không thể liên lạc được với chủ đầu tư dự án
Tricon Towers tọa lạc tại Khu đô thị Splendora, Hoài Đức, Hà Nội. Dự án từng được quảng cáo là dự án đẳng cấp gồm ba tòa tháp cao 44 tầng với 732 căn hộ cao cấp với tổng mức đầu tư 145 triệu USD. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư Minh Việt.
Kế hoạch ban đầu là chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà cho khách từ cuối năm 2011 đến đầu 2012. Tuy nhiên, đến nay dự án mới xây xong móng và tầng hầm, sau đó đắp chiếu suốt nhiều năm qua. Tính đến nay, chủ đầu tư đã khất việc bàn giao căn hộ khoảng 5 lần.
Từ năm 2012, khi dự án chậm tiến độ bàn giao, nhóm khách hàng đã nhiều lần đến trụ sở Minh Việt để đòi nhà. Tháng 6/2012, một nhóm khách hàng đã đóng tiền vào dự án này đã bao vây trụ sở gây áp lực, chủ đầu tư phải trả lời bằng văn bản với nội dung phân trần về những khó khăn của mình, đồng thời hứa hẹn đến tháng 6/2014 sẽ giao nhà. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án vẫn không có thêm động tĩnh gì.
Cho tới thời điểm cuối tháng 7/2013, 128 khách hàng mua dự án này cho biết họ đã nộp tiền vào dự án này tổng cộng gần 400 tỷ đồng, tuy nhiên dự án chậm tiến độ đến hơn một năm. Không những thế, việc không thể liên lạc với đại diện chủ đầu tư khiến những khách hàng này hết sức hoang mang. Được biết, trụ sở của chủ đầu tư dự án tại Dịch Vọng, Cầu Giấy cũng đã ngừng hoạt động.
4. Dự án Usilk City
Dạng tranh chấp: Dự án chậm tiến độ, chiếm dụng vốn
Cao trào: Khách hàng tự quản lý dòng tiền cho dự án
Dự án Usilk City tọa lạc tại đường Lê Văn Lương kéo dài (Hà Đông, Hà Nội) do Cty CP Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư, từng được quảng cáo rầm rộ với quy mô 13 tòa nhà cao hiện đại từ 25 - 50 tầng và mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào năm 2009, kế hoạch sẽ bàn giao vào năm 2012-2013 và được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn, thay đổi bộ mặt của quận mới Hà Đông.
Tuy nhiên, sau khi đóng tiền mua dự án, nhiều khách hàng đã phải "ôm hận" vì tiến độ thi công chậm, liên tục dừng triển khai. Đa số các tòa nhà tại đây vẫn ở dạng móng và bị đắp chiếu trong suốt thời gian dài. Hồi tháng 9/2012, BIDV cũng cho biết sẽ rót 300 tỷ đồng cho dự án này. Tuy nhiên, sau đó, Usilk City vẫn xây dựng cầm chừng.
Sau 2 năm chậm bàn giao căn hộ, đa số khách hàng đóng phần lớn tiền mua nhà tại cụm CT1, Dự án Usilk City rất sốt sắng trong việc nhận bàn giao nhà. Thế nhưng, việc chủ đầu tư Sông Đà Thăng Long (STL) gần như “sức cùng, lực kiệt”, lại thêm một bộ phận khách hàng không chịu đóng tiền khiến việc triển khai dự án đi vào bế tắc.
Sau nhiều lần đàm phán kể cả tổ chức các Hội nghị khách hàng, đến cuối tháng 7/2013 dự án đã có lối thoát với việc áp dụng một mô hình đặc biệt chưa hề có tiền lệ.
Đó là việc, khách hàng ra tay “trục vớt” dự án bằng việc sẽ trực tiếp tiếp quản và quản lý dòng vốn triển khai dự án. Phương án này đã được khoảng hơn 200 người mua nhà tại đây thống nhất với mong muốn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện căn hộ tại dự án.
5. Chung cư Petroland
Dạng tranh chấp: Chậm tiến độ, chiếm đoạt vốn
Cao trào: Khách hàng bị nhốt khi đi đòi quyền lợi
Dự án Mỹ Phú tọa lạc tại quận 7, TPHCM do Công ty cổ phần đầu tư dầu khí Mỹ Phú làm chủ đầu tư. Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) bán căn hộ từ năm 2010. Theo hợp đồng, thời hạn bàn giao căn hộ là tháng 6/2012 (được cộng trừ 3 tháng). Tuy nhiên, đến tháng 7/2013 dự án vẫn không nhúc nhích.
Bức xúc vì đã đóng từ 800 triệu đến 1,4 tỷ đồng (tương đương 70% giá trị căn hộ) nhưng chưa được giao nhà, sáng 1/8/2013 hàng chục khách hàng kéo đến tòa tháp Petro Tower yêu cầu doanh nghiệp làm rõ tình trạng của dự án. Tuy nhiên, khi họ vào bên trong cao ốc này thì thang máy bị khóa. Lãnh đạo doanh nghiệp bận họp nên khách phải chờ ở sảnh thang máy đến tận trưa.
Khách hàng treo băng rôn yêu cầu Công ty Petroland và Công ty Mỹ Phú nhanh
chóng thi công dự án để bàn giao nhà
Một khách hàng bị kẹt lại sảnh thang máy tầng 7 tòa nhà cho biết, bà kiểm tra thang bộ dành cho thoát hiểm bị khóa, thang máy mất điện. Mọi người đập cửa văn phòng của Công ty hạ tầng và đô thị dầu khí thì nhân viên làm ngơ.
Gần đây nhất, sáng 22-10, gần 100 khách hàng lại bao vây trụ sở Công ty CP Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland), chủ đầu tư dự án chung cư cao tầng Mỹ Phú (quận 7, TP.HCM). Đại diện nhóm khách hàng này cho biết muốn gặp chủ đầu tư để đối chất vì sao không thực hiện cam kết tiếp tục xây dự án.
Sau ba giờ chủ đầu tư không chịu xuất hiện để đối chất, nhóm khách hàng này đã phong tỏa cả tòa nhà khiến các cầu thang máy tại sảnh chính không thể hoạt động. Đây là lần thứ sáu nhóm khách hàng này “bao vây” chủ đầu tư này nhưng vẫn chưa có kết quả.
Theo Tri Thức