“Nhọc” với BĐS, DN bỏ xây biệt thự đi nuôi bò, trồng ngô

Thứ hai, 23/06/2014, 11:13
Trước đây, chỉ có khoảng 1-2% DN Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp. Nay, các DN trong nước ùn ùn chuyển hướng đầu tư mạnh vào nông nghiệp (từ đầu năm đến nay, tỷ lệ này tăng gấp 10 lần). 

Bỏ bất động sản (BĐS), Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang muốn trở thành “nông dân”. Đặt mục tiêu nông nghiệp sẽ góp hơn 50% trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn trong năm 2014, chuyện đẩy mạnh nuôi bò, trồng ngô… của HAGL lúc này như một cơ hội vực dậy tên tuổi của DN, vốn đang mất dần ánh hào quang. Con số cụ thể không được công bố, nhưng tất nhiên mỗi cuộc chơi đều phải tốn kém. Riêng dự án nuôi bò, HAGL tiếp tục đầu tư 6.300 tỷ đồng.

Không riêng gì HAGL, lãnh đạo CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), CTCP Phát Đạt cũng đang đắm chìm trong việc đầu tư nông nghiệp. Rõ ràng, trên thị trường BĐS, thương hiệu Thuduc House trước đây đã gây được nhiều tiếng vang với những dự án BĐS cao cấp. Tuy nhiên, thời gian qua, mọi dự án của đơn vị này vẫn nằm trong kế hoạch, gần như không có gì khởi động.

Hoàng Anh Gia Lai chuyển mạnh sang trồng mía
Ông Nguyễn Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Thuduc House thừa nhận từ đầu năm đến nay, công ty đã quyết định đẩy mạnh kinh doanh mới là ngành nông lâm sản và phân bón để bổ trợ cho lĩnh vực chính. Dự kiến trong năm nay, công ty sẽ ký nhiều hợp đồng xuất khẩu mặt hàng lâm sản, mỗi hợp đồng trị giá trên 10 triệu USD.

Tương tự, sau nhiều năm bất động, thương hiệu The EverRich dần bị lãng quên thì ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát Đạt đưa cái tên Phát Đạt trở lại thị trường, xuất hiện trên các phương tiện truyền thông bằng những khoản đầu tư mới.

Theo ông Đạt, bên cạnh ngành kinh doanh chính, cần kinh doanh thêm những ngành phụ để tạo nguồn thu ổn định. Vì vậy, năm 2013, Phát Đạt đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như trồng rừng, cao su, gạo, chăn nuôi...

Trước đây, chỉ có khoảng 1-2% DN Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp. Nay, các DN trong nước ùn ùn chuyển hướng đầu tư mạnh vào nông nghiệp (theo số liệu không chính thức, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ này tăng gấp 10 lần). Và không chỉ các DN BĐS, các DN hoạt động lĩnh vực khác như Thép Cẩm Nguyên, Trung Nguyên… đều rất hứng thú với những khoản đầu tư mới vào trồng cây, nuôi con như thế.

Đáng chú ý là không chỉ DN “liều mình” rót vốn vào trồng và nuôi cây con, ngân hàng, đối tác ngoại cũng bị thu hút. Việc tiến về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của HAGL thậm chí kéo theo sự quan tâm của cả ngân hàng và đối tác ngoại.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank sau khi cùng “Bầu Đức” (Chủ tịch HĐQT HAGL) có chuyến thăm thú đất nước Hà Lan để tìm hiểu về nuôi và kinh doanh bò đã thống nhất được một số điểm quan trọng để hợp tác các bên trong đầu tư vào nông nghiệp, cụ thể là nuôi bò cung cấp sữa, thịt cho một số DN sản xuất trong nước.

Thậm chí, Sacombank còn ký kết hợp tác với Tập đoàn Rabobank (Hà Lan) hỗ trợ nhau trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh nông nghiệp.

Tất nhiên, nông nghiệp giờ đây không phải là lĩnh vực dễ làm theo kiểu kiếm đủ ăn, hay thất nghiệp thì về quê với ông bà trồng cấy qua ngày như trước nữa. Từng vấp phải khó khăn về đất khi xây dựng mô hình trồng mía, lãnh đạo Thành Thành Công chia sẻ trong ĐHCĐ 2014 rằng, để xây dựng thành công mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì việc tích tụ ruộng đất là một trong những yếu tố then chốt.

Cũng vì không có quỹ đất quy mô lớn, rất khó để cơ giới hóa, nên từ ba năm trước, Tập đoàn Thành Thành Công đã chuyển hướng đầu tư cho nông dân tỉnh Svey Rieng (Campuchia) để phát triển hơn 5.000 ha mía nguyên liệu.

Vì vậy, cũng như nhiều DN khác, đầu tư nông nghiệp đang thu hút nhiều “tài phiệt” như HAGL, nhưng họ lại đang đổ vốn ra nước ngoài.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn